Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 01/11/2024 , 06:16 pm
Cập nhật : 28/09/2021 , 07:09(GMT +7)
Kinh tế số - đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP
Đối với Việt Nam, tương lai để tăng trưởng kinh tế nằm ở việc tận dụng được tối đa các công nghệ kỹ thuật số, số hóa nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc phát triển ứng dụng những công nghệ mới để phát triển kinh tế số.

Dư địa lớn

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 ra đời gắn liền với đột phá về mặt công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề để kinh tế số thực sự khởi sắc.

Sự xuất hiện của những tiến bộ vượt bậc như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D... của CMCN 4.0 đã tạo nên làn sóng chuyển đổi số và đưa kinh tế số lan tỏa khắp các thành phần kinh tế.

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu.

Tại Trung Quốc, năm 2008, kinh tế số chiếm khoảng 15% GDP, đến 2019 kinh tế số đã chiếm đến 37% GDP. Nhiều doanh nghiệp kinh tế số Trung Quốc đã trở thành những “gã khổng lồ” công nghệ, với năng lực phát triển và khả năng cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, năm 2017, kinh tế số chiếm khoảng 6% GDP, đến 2019 đã chiếm tới 25% GDP. Với tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện nay, dự đoán năm 2021, kinh tế số có thể chiếm đến hơn 60% GDP của khu vực này.

Còn tại Việt Nam, ước tính, kinh tế số chiếm khoảng 8,2% GDP, với khoảng 163 tỷ USD. Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số đang rất lớn. Khơi thông được nguồn lực này sẽ góp phần vào tăng tưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số.

Thứ nhất, doanh thu từ những công ty hoạt động trong công nghệ thông tin ước tính đạt 110 tỷ USD năm 2019. Các mặt hàng công nghệ thông tin như điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử luôn năm trong top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tính đến tháng 8/2021, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 35,33 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ hai, hơn 1 triệu người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thứ ba, khả năng sáng tạo của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây ghi nhận, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021. Với thứ hạng 44/132, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 3 quốc gia đổi mới theo nhóm thu nhập, xếp trước Ấn Độ và Ukraine.

Thứ tư, các nhà hoạch định chính sách đã ý thức được tầm quan trọng của kinh tế số thông qua việc cải thiện khung khổ pháp lý, chủ trương khuyến khích phát triển nền tảng số, tiếp cận CMCN 4.0.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 diễn ra mới đây rằng, Việt Nam sẵn sàng cùng các nước xây dựng khung pháp lý phù hợp, giúp kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đóng góp và hài hòa với lợi ích chung của toàn xã hội.

Nhận xét về sự phát triển kinh tế số của Việt Nam tại buổi công bố báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề “Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai”, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) Jacques Morisset cho hay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel… Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970, 1980 và gần đây là Trung Quốc.

Ông Jacques Morisset cũng chỉ ra rằng, trước khủng hoảng Covid-19, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ quanh mức trung bình, nhưng đại dịch đã làm thay đổi “cuộc chơi” đối với khu vực tư nhân. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Khảo sát của WB cho thấy, tỷ lệ sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt tăng mạnh nhằm ứng phó với dịch Covid-19, từ 48% doanh nghiệp vào tháng 6/2020 lên 73% vào tháng 1/2021, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp số tăng hơn 4 lần từ 5% lên 21%.

Tương lai của kinh tế Việt Nam

Đối với hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tương lai để tăng trưởng kinh tế nằm ở việc tận dụng được tối đa các công nghệ kỹ thuật số, số hóa nền kinh tế. Vì thế, để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc phát triển ứng dụng những công nghệ mới.

Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020 đã đưa ra mục tiêu: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Để đạt mục tiêu trên, Văn kiện nhấn mạnh, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc CMCN 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số...

 

Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Tương tự, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Theo quan điểm của một số chuyên gia, song hành cùng những cơ hội, để phát triển kinh tế số tại Việt Nam cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như việc kết nối dữ liệu đang là bài toán khó; môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ.

Đặc biệt, nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - một trong những nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng và chất lượng nhân lực còn tương đối thấp.

Để vượt qua những khó khăn trên và thực hiện mục tiêu đề ra, văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc CMCN 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số...

TS. Đặng Thị Việt Đức, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo, nâng cao chất lượng hạ tầng, nhân lực, tài chính, nguồn dữ liệu; cải thiện chất lượng nguồn lao động có kỹ năng về công nghệ, cần nhiều hơn các chuyên gia có kiến thức, trình độ cao về công nghệ thông tin.

Song song với đó, cần xây dựng, duy trì các thiết bị mạng lưới phục vụ truyền tải dữ liệu số, kiến thức về hệ thống dữ liệu và máy tính cũng như kiến thức máy móc thiết bị khác gắn với mạng lưới số hóa hỗ trợ cho IoT.

Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực triển khai tầm nhìn, chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và kinh tế số; tiếp tục kiên định, duy trì, đẩy mạnh chiến lược phát triển ICT cho phát triển kinh tế và chiến lược phát triển kinh tế tri thức; ưu tiên phát triển hạ tầng và hỗ trợ ứng dụng ICT cho kinh tế số; hỗ trợ phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ kinh tế số.

Còn theo TS. Bùi Thanh Tuấn, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an, phát triển kinh tế số cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ông Tuấn nhấn mạnh: "Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; sàng lọc, lựa chọn và phân loại cơ cấu đầu tư theo hướng không dễ dãi trong thu hút đầu tư; hướng tới các dự án đầu tư có chất lượng; doanh nghiệp công nghệ cao; cam kết lâu dài; mang lại giá trị gia tăng lớn, có định hướng vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Việt Nam".

 

 

 

Nguồn tin: Báo Thế giới và Việt Nam

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner