Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 08:13 am
Cập nhật : 27/06/2015 , 16:06(GMT +7)
Khu CNC Hòa Lạc đang hướng đến thành phố KH&CN thông minh
Phương tiện cơ giới tham gia Khởi công dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: NH
Năm 2018, dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định như vậy tại Lễ Khởi công dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sáng 26/6. Thực tế, nơi đây đang hội tụ rất nhiều yếu tố để hướng tới một thành phố KH&CN thông minh, một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất tại Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển tiềm lực KH&CN

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu – phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo quy hoạch, Khu CNC Hoà Lạc có diện tích 1.586ha, thuộc địa bàn 02 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, TP Hà Nội với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu - Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích khác.

Khu CNC Hòa Lạc được quy hoạch theo mô hình một thành phố KH&CN thông minh, sẽ là một khu vực thu hút các loại hình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong môi trường cạnh tranh nhằm kích thích phát triển các ngành công nghệ cao trong cả nước. Các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên phát triển tại đây gồm: Công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ phần mềm; Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, y tế; Công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang điện tử và tự động hoá; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ nano; Công nghệ thân môi trường, công nghệ năng lượng mới;... và một số ngành công nghệ đặc biệt khác.

Sau 17 năm thành lập, bóng dáng của một thành phố KH&CN đang hình thành, quá trình xây dựng, phát triển Khu CNC Hòa Lạc đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện việc giải phóng mặt bằng đã đáp ứng được yêu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.

Tính đến tháng 5/2015, đã có trên 10.000 người đang học tập và làm việc tại đây. Ban Quản lý Khu đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định giao đất cho gần 70 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 56.800 tỷ đồng trên diện tích đất 336 ha. Các lĩnh vực được tập trung đầu tư gồm: sản xuất và kinh doanh phần mềm; công nghệ thông tin; sinh học, y học; điện tử, tự động hóa, sản xuất thiết bị viễn thông. Hiện nay, 33/67 dự án đang hoạt động, 10 dự án trong quá trình xây dựng, 22 dự án đang hoàn thiện thủ tục để triển khai,... Năm 2014, tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc đạt 228 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 133 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 95 triệu USD.

Hiện tai Khu CNC Hòa Lạc có Trường Đại học FPT đang hoạt động với khoảng 2.500 sinh viên; Đại học KH&CN Hà Nội (có sự hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA khoảng 210 triệu đô la Mỹ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Pháp) và Đại học Việt Nam - Nhật Bản (có sự hỗ trợ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản) đang trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình Viện KIST (Hàn Quốc) đã được Chính phủ thành lập và sẽ xây dựng tại Khu CNC Hòa Lạc với nguồn vốn hỗ trợ ODA khoảng 35 triệu đô la Mỹ của Chính phủ Hàn Quốc.

Nhiều đơn vị nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã và đang đầu tư xây dựng tại đây như Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu của Công ty Nissan Techno (Nhật Bản), Trung tâm Điều khiển vệ tinh nhỏ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trung tâm Công nghệ cao về thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel,…

Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang tăng cường các hoạt động tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu về công nghệ tại Khu với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước với mục tiêu đưa nơi đây thành trung tâm trình diễn và chuyển giao công nghệ hàng đầu tại khu vực phía Bắc. Các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc cũng đang được xây dựng, hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2015.

Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Sáng 26/6, dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc đã diễn ra với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, một số đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương,... Đây là dự án có vốn đầu tư khá lớn từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn ODA của Nhật Bản khoảng 400 triệu USD. Đồng thời đây là bước ngoặt, đánh dấu sự khởi đầu quan trọng cho việc hình thành một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ của Khu CNC Hoà Lạc vốn là điều kiện tiên quyết để triển khai có hiệu quả các bước tiếp theo trong đầu tư và phát triển Khu.

 Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ KH&CN và các đại biểu tham gia nghi thức ấn nút khởi công Dự án. (Ảnh: NH)

Quy mô của dự án gồm 5 gói thầu chính: CP-1A - Phát triển hạ tầng chính (gồm các hạng mục hệ thống đường, cầu cống, viễn thông, cấp nước, thoát nước, nước thải, cấp điện); CP-1B - Cải tạo hồ Tân Xã và bảo vệ suối Dứa Gai; - CP-2 Nhà máy xử lý nước thải; - CP-3 Trạm điện và ES-II - Tư vấn giám sát. Tất cả các gói thầu sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2015.

Được biết, thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản, Dự án đã được Nhật Bản hỗ trợ triển khai Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu CNC Hòa Lạc, Nghiên cứu tiền khả thi và Nghiên cứu khả thi dự án. Trên cơ sở báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án do Đoàn Nghiên cứu Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập, năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Dự án Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Ngày 18/3/2010, Bộ Tài chính Việt Nam và JICA đã ký Hiệp định vay số VNXVII-10 cho Giai đoạn Dịch vụ kỹ thuật của dự án với các công tác thiết kế chi tiết, nâng cao năng lực và phát triển thể chế.

Ngày 30/3/2012, Bộ Tài chính Việt Nam và JICA đã ký Hiệp định vay lần 1 số VN-P8 trị giá 15,218 tỷ Yên (YPY) cho Giai đoạn xây dựng của dự án. Theo kế hoạch, Hiệp định vay lần 2 sẽ được ký kết trong năm tài chính 2016 với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 30 tỷ YPY. Dự án đã khởi công ngày 26/6/2015 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, sau 37 tháng thi công. Trước đó, ngày 17/6/2015, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc và Liên danh nhà thầu (Công ty Taisei - Nhật Bản, Tổng Công ty Vinaconex và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) đã ký kết Hợp đồng thực hiện gói thầu CP-1A.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Chính phủ Việt Nam luôn dành những ưu tiên cao nhất cho KH&CN, đặc biệt là cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao như một yếu tố đòn bẩy quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, việc đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác hiệu quả Khu CNC Hoà Lạc là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bộ KH&CN mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành. Bộ sẽ chỉ đạo sát sao Ban Quản lý Khu, đề nghị Ban quản lý quản lý, giám sát việc thực hiện Dự án đảm bảo, chất lượng, tiến độ, đồng thời đề nghị các nhà thầu tuân thủ đúng các cam kết, thỏa thuận tại hợp đồng đã ký kết để sau 3 năm thi công, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có một hệ thống hạ tầng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của một đô thị KH&CN và phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Khu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2018, dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao KH&CN.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu cần quyết liệt, nỗ lực trong tập trung chỉ đạo thực hiện thành công Dự án. Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc tiếp tục triển khai nghiên cứu, có đề xuất cụ thể về các chính sách hiện hành với Đảng và Nhà nước để thu hút mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư KH&CN cao vào Khu, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của Khu theo đúng mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công thực hiện tốt pháp luật Việt Nam cũng như các hợp đồng đã cam kết; yêu cầu TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với 300 ha còn lại của dự án Khu CNC Hòa Lạc.

Với vai trò là chủ đầu tư của dự án, ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc khẳng định, tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ của Ban sẽ đồng lòng chung sức, cố gắng hết mình phối hợp với các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát để triển khai Dự án, nhằm tạo dựng nên một hệ thống hạ tầng hiện đại phục vụ cho các hoạt động ươm tạo, nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và sản xuất công nghệ cao, sớm đưa Khu CNC Hòa Lạc trở thành một đô thị KH&CN, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển KH&CN của đất nước.

Quỳnh Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner