Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 27/04/2024 , 08:39 am
Cập nhật : 06/11/2015 , 22:11(GMT +7)
Khu CNC Hòa Lạc: Tìm giải pháp đột phá trong thu hút đầu tư
Dự án Tòa nhà Công nghệ cao và Trung tâm lưu trữ dữ liệu của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel
Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc xác định: việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu chính là giải pháp mấu chốt để giải quyết những khó khăn, vướng mà khu đang vướng mắc trong quá trình phát triển.

Sự cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù

Được thành lập năm 1998, Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc là Khu Công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu tạo tiềm lực và động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Đến nay, Khu CNC thực sự vẫn là một mô hình mới tại Việt Nam nên các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động, như ưu đãi đầu tư chưa hoàn thiện cũng như chưa theo kịp tình hình thực tế. Do đó trong quá trình xây dựng và phát triển, Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc không tránh khỏi lúng túng, vướng mắc trong cách thức tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc giữ vững và tiếp tục thực hiện đúng các định hướng, mục tiêu phát triển, cần thiết phải xây dựng những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của Khu CNC Hoà Lạc phù hợp với tình hình triển khai thực tế, với đặc thù về mô hình hoạt động và các nguồn lực hiện có, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của Quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lạc chính là giải pháp mấu chốt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Nguyên tắc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù

Cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng trên nhiều nguyên tắc quan trọng. Nguyên tắc đầu tiên là xác định rõ các nguồn lực  và trách nhiệm của các Bộ, Ngành, Địa phương và các Cơ quan liên quan trong công tác xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc. Nguyên tắc thứ hai nâng cao và phát huy ở mức cao nhất vai trò, sự chủ động và trách nhiệm của Ban Quản lý trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hoà Lạc. Nguyên tắc thứ ba là giảm tối đa chi phí đầu tư cho nhà đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, nhà ở…

Một số điểm nổi bật của cơ chế chính sách đặc thù

Dự thảo các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc đang được  Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc xây dựng và hoàn thiện bao gồm 6 Mục và 34 Điều, trong đó có một số điểm nổi bật như sau.

Về đầu tư, xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc: dự thảo Quyết định đã làm rõ về nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và vốn huy động; phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật của Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Đồng thời, Dự thảo Quyết định cũng đề xuất mục tiêu kế hoạch phải hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật vào năm 2020 để có thể đưa Khu Công nghệ cao chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là giai đoạn đầu tư chiều sâu và đầu tư cho khoa học  - công nghệ. Khi giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kết thúc, Chính phủ cần tập trung triển khai đầu tư các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại Khu giúp phát triển Khu CNC Hòa Lạc thành cái nôi của khoa học và công nghệ, nơi phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

 

Mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST)

Về quản lý đất đai: dự thảo Quyết định đề nghị bổ sung và cụ thể hoá một số thẩm quyền của Ban Quản lý để giúp Ban Quản lý có căn cứ triển khai thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đất đai đối với Khu CNC Hoà Lạc; đề xuất cho phép người sử dụng đất có quyền lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai (thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành hoặc thực hiện theo Luật đất đai 2003) để giúp giảm bớt áp lực về tài chính cho nhà đầu tư khi sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao. Ngoài ra, dự thảo Quyết định cũng đề xuất một phương thức quản lý đất đai đối với các khu chức năng có Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng (khác với phương án thông thường đang thực hiện) để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của pháp luật hiện hành, đồng thời vẫn đảm bảo được quyền hạn và lợi ích của các bên.

Về ưu đãi và thu hút đầu tư: các ưu đãi về đất đai và tiền bồi thường GPMB được đề xuất trên nguyên tắc đảm bảo ưu đãi mức cao nhất cho các đối tượng sử dụng đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ươm tạo và nhà ở cho chuyên gia, người lao động, các dự án có thời gian sử dụng đất nhỏ hơn hoặc bằng 20 năm... Các quy định về ưu đãi thuế tại dự thảo được quy định lại một cách hệ thống với các ưu đãi thuế cơ bản, đồng thời quy định chi tiết các ưu đãi chưa rõ ràng và quy định bổ sung các ưu đãi mới căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và đặc thù của Khu CNC Hòa Lạc, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan áp dụng ưu đãi và giải quyết chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư tại Khu. Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với một số nhà đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa được hưởng ưu đãi về thuế. Đối với các ưu đãi về nhà ở, dự thảo Quyết định đã đề xuất các chính sách ưu đãi để chuyên gia, người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao được mua, thuê, thuê mua nhà ở với giá ưu đãi hơn so với nhà ở cùng loại và cùng chất lượng tại các khu vực lân cận, thông qua việc hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và tiền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Phối cảnh tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Về thực hiện các thủ tục đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành các tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu chức năng của Khu CNC Hòa Lạc để đảm bảo các dự án đầu tư tại Khu có hàm lượng cao về khoa học và công nghệ, sử dụng đất có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Dự thảo đề nghị cho phép thành lập văn phòng “một cửa” tại Ban Quản lý để Ban Quản lý có thể phát huy đầy đủ vai trò, sự chủ động và trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với Khu Công nghệ cao. Dự thảo cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc uỷ quyền ở mức tối đa cho Ban Quản lý theo hướng Ban Quản lý là đầu mối duy nhất thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao và chủ động lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên môn khi cần thiết.

Kế hoạch triển khai

Hiện nay, Dự thảo về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc được đăng tải trên trang tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc để lấy ý kiến góp ý của các cá nhân/tổ chức; đồng thời được gửi   lấy ý kiến của các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý sẽ hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối Quý IV năm 2015. Với những điểm nổi bật nêu trên, Ban Quản lý tin tưởng rằng, những cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là một giải pháp đột phá cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc nói chung và công tác thu hút đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc nói riêng.

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo quy hoạch, Khu CNC Hòa Lạc có diện tích 1586 ha với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu-Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ hỗ trợ khác. Khu CNC Hòa Lạc là thành viên chính thức của Hiệp hội các Khu khoa học châu Á (ASPA) và Hiệp hội các Khu Công nghệ cao Thế giới (IASP).

 

Ngày 26/6/2015, tại lễ phát lệnh khởi công xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc sử dụng nguồn vốn vay khoảng hơn 300 triệu đô la Mỹ của Chính phủ Nhật Bản để hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KHCN nghiên cứu từ thực tiễn, rà soát các chính sách hiện hành xem còn cần đề xuất với Đảng và Chính phủ ban hành những cơ chế chính sách đặc thù gì mang tính quyết định để có thể thu hút mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư KH&CN vào Khu CNC Hòa Lạc, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà khoa học vào nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để Khu CNC Hòa Lạc có thể phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, đúng với mục tiêu ban đầu đề ra là thu hút đầu tư, phát triển, chuyển giao KH&CN, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học.


Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner