Tiềm lực KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 03:30 am
Cập nhật : 25/06/2015 , 03:06(GMT +7)
Không để lãng phí nguồn lực chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài
Cần có chính sách đãi ngộ để thu hút lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Theo số liệu thống kê, hàng năm có tới trên dưới 200 nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) về nước tham gia giảng dạy, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đây là nguồn chất xám rất đáng kể và quý báu của đất nước nếu được thu hút, phát huy thích đáng phục vụ phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển KT-XH của đất nước nói chung. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút nguồn chất xám đó đang là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý như môi trường làm việc, điều kiện đãi ngộ… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN về các giải pháp để thu hút được lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Xin ông cho biết vai trò và ý nghĩa của mạng lưới các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài?

Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đàng và Nhà nước để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho phát triển KH&CN của đất nước, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vậy làm thế nào để thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nội dung mà Bộ KH&CN cũng đang tiến hành phối hợp với các Bộ ngành khác để tìm ra cơ chế chính sách cũng như các giải pháp thích hợp để triển khai có hiệu quả chủ trương này.

Một trong những giải pháp hiện nay đang triển khai đó là xây dựng mạng Netword tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, làm thế nào để mạng lưới này có một tính hiệu quả trong sử dụng để làm thế nào cho các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào mạng này một cách tích cực.

Trong khuôn khổ dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và phát triển” gọi tắt là dự án Frist do Ngân hàng thế giới tài trợ có 1 tiểu hợp phần là xây dựng mạng netword cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Qua Hội thảo quốc tế về “xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài” lần này cũng mời nhiều nhà khoa học của Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Hội thảo kỳ vọng sẽ đưa ra được những ý tưởng đầu tiên trong việc kết nối nguồn tri thức người Việt ở nước ngoài với cộng đồng và thực tế cuộc sống trong nước. Những ý kiến chia sẻ, đóng góp cùng các trao đổi thảo luận tại hội thảo sẽ là những căn cứ để các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút trí thức kiều bào, chuyên gia người Việt giỏi về nước làm việc.

Theo ông, khó khăn lớn nhất để thành lập mạng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài là gì?

Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Theo tôi khó khăn nhất là làm thế nào để lôi cuốn được nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Và việc xây dựng mạng lưới các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cần được triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả? Tại Hội thảo, GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia) thì cũng đang đề nghị phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài xây dựng một mạng lưới chung, chứ không chỉ đơn thuần là mạng lưới ở Việt Nam xây dựng. Cần có tính chất như vết dầu lan tỏa trong cộng đồng những người trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN có những chính sách gì để thu hút lượng kiều bào trí thức về với đất nước cũng như để hoàn thành dự án này?

Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Chúng tôi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, coi cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực. Việc thu hút lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN cũng đã triển khai rất nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là trong Luật KH&CN được quốc hội thông qua năm 2013 cũng có nhiều nội dung quan trọng đặc biệt là việc trọng dụng các nhà khoa học tài năng. Triển khai Luật có nhiều Nghị định quan trọng để thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước về đóng góp cho sự phát triển KH&CN của đất nước thông qua việc tạo môi trường làm việc, chính sách ưu đãi. Các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng rất mong muốn có môi trường làm việc, được tham gia vào những dự án KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia để tham gia đóng góp tích cực vào các dự án đó.

Để thu hút và phát huy vai trò của mạng lưới chuyên gia khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài cần phải xác định được các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên cần thu hút chuyên gia; xây dựng tiêu chí của chuyên gia khoa học cần thu hút trong từng lĩnh vực. 

Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đột phá, đồng bộ về lương, phụ cấp, các chính sách đãi ngộ cụ thể và tạo môi trường làm việc thuận lợi để trí thức khoa học và công nghệ khi trở về nước. Cùng với đó, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động trí thức người Việt ở nước ngoài, nhất là trí thức trẻ và đặc biệt lưu ý tranh thủ vận động, tiếp xúc những trí thức khoa học và công nghệ có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng động khoa học ở nước ngoài...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ánh Tuyết 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner