Hoạt động KH&CN Thứ ba, 23/04/2024 , 08:39 pm
Cập nhật : 23/11/2017 , 08:11(GMT +7)
Khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế: Tiềm năng lớn nhưng nhiều thách thức
CEO của Công ty CP công nghệ OneLink Việt Nam giới thiệu dịch vụ cung cấp thẻ khám bệnh thông minh
Khó khăn nhất của các startup trong lĩnh vực y tế chính là vấn đề thị trường, môi trường kinh doanh. Do đó, để cùng nhau đi xa hơn, starup lĩnh vực này cần kết nối chặt chẽ để có thể cùng cung cấp một giải pháp tổng thể mà người hưởng lợi chính là khách hàng, bệnh nhân.

Đó là ý kiến trao đổi của ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO và Founder Ecomedic MODERATOR với phóng viên khi nói về tiềm năng, cơ hội và thách thức cũng như những kế hoạch thời gian tới trong việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở lĩnh vực y tế.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về cơ hội đối với các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) trong lĩnh vực y tế?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Với sự phát triển của nền kinh tế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Đây là thị trường đầy sức hấp dẫn cho các startup Việt, song cũng có nhiều thử thách. Qua trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài, tôi thấy họ đều nhận định Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng, bởi tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh rất nhiều, sự tiếp cận internet ngày càng tăng, do đó dễ dàng ứng dụng công nghệ, triển khai các giải pháp y tế dựa trên nền tảng mobile health đến từng người dân.

Tuy nhiên, khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực tương đối khó so với lĩnh vực khác như du lịch, nông nghiệp,… Do vậy, cho đến nay các startup về y tế cũng tương đối nhiều nhưng tỉ lệ thành công chưa cao. Một trong những lý do đó là các startup y tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc kết nối, gắn kết với nhau tạo thành một cộng đồng, hệ sinh thái hiện chưa có.

Trong Techfest 2017, tôi cùng một số startup  đã cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế. Đây là bước hình thành, manh nha ban đầu để các startup có thể tìm thấy các đối tác tiềm năng, không chỉ tìm kiếm các nhà đầu tư, các startup còn nhìn thấy cơ hội từ chính các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng lĩnh vực từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là cơ hội đểi phát triển vững bền hơn.

Một khó khăn nữa đó là vấn đề về thị trường, với y tế sẽ phải “giáo dục” thị trường, tức là sẽ phải làm thị trường nhiều hơn các lĩnh vực khác. Bởi nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe mặc dù gần đây đã thay đổi tương đối nhiều, tuy nhiên, cũng cần có những định hướng đúng đắn trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển y tế?

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển y tế sẽ giảm tải rất lớn. Việt Nam hiện có nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ y tế như BookingCarer, Sức khỏe Việt, Homicare, ViCare Corp, OneLink, Manaphar...  Những ứng dụng đó cung cấp đa dạng các giải pháp cho cả bệnh viện lẫn người bệnh từ phần mềm quản lý bệnh nhân online, ứng dụng đặt lịch hẹn khám trực tiếp với bác sĩ, ứng dụng theo dõi sức khỏe tự động, ứng dụng tư vấn dinh dưỡng dựa trên thể trạng người dùng...

Trong Techfest 2017, có rất nhiều doanh nghiệp, startup đưa ra giải pháp CNTT trong việc kết nối với bác sĩ, bệnh nhân, nhà thuốc; hay mô hình về cung cấp các sản phẩm bác sĩ gia đình… Đây là kênh rất tốt để phân cấp, tư vấn ban đầu cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể xác định cần đi khám hay không và nếu cần sẽ chọn khám ở mức độ phòng khám hay tuyến bệnh viện cấp quận, cấp tỉnh, hay trung ương. Đo là biện pháp giảm tải cho các bệnh viện rất tốt.

Ông có thể chia sẻ với độc giả một số sản phẩm, dự án tiêu biểu về việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế của Ecomedic?

Chúng tôi đã phát triển giải pháp bác sĩ gia đình dành cho từng người dân, gồm một ứng dụng giành cho bác sĩ và một ứng dụng giành cho bệnh nhân. Trong ứng dụng đó, bệnh nhân có thể sử dụng các thiết bị như vòng đeo tay, các thiết bị sức khỏe cá nhân gắn vào tim hay bắp tay để kiểm tra huyết áp, tim mạch 24/7. Đó là mô hình chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân có tiền sử bệnh mãn tính như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Bác sĩ gia đình, phòng khám sẽ là những trung tâm theo dõi sức khỏe 24/7 cho bệnh nhân và nếu có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, thiêt bị sẽ cảnh báo và đặc biệt, sẽ giúp bệnh nhân cảnh báo, ngăn ngừa về đột quỵ - một vấn đề rất lớn trong tỉ lệ cư dân hiện nay ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO Ecomedic MODERATOR (người mặc áo đen, ngoài cùng từ phải) với vai trò điều hành hội thảo tại Techfest 2017.

Chúng tôi sẽ hướng dẫn cũng như định hướng, thuyết phục cho khách hàng, bệnh nhân hiểu được mức độ quan trọng của việc phòng bệnh như thế nào, điều đó giá trị hơn chữa bệnh rất nhiều. Hơn nữa, chi phí để phòng bệnh cũng rất nhỏ so với chi phí khi bệnh nhân chữa trị bệnh đột quỵ.

Có thể nói khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vậy ông có đề xuất gì với Nhà nước để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các startup trong lĩnh vực y tế?

Một trong những nội dung về chính sách các startup cần ở các cơ quan quản lý nhà nước đó là việc hỗ trợ khi đưa ra các hội đồng khoa học hay đưa ra kiểm định, cũng như phối hợp để có thể triển khai một cách thuận tiện xuống tuyến y tế cơ sở. Làm sao để người dân nhận thức được đây là vấn đề y tế của toàn dân, giải pháp này sẽ rất tốt cho cộng đồng y tế nếu các khối tư nhân toàn dân tham gia vào chứ không chỉ khối nhà nước. Đó cũng chính là ý nghĩa quan trọng nhất -  xã hội hóa toàn dân, tạo điều kiện cho các startup tham gia một cách sâu hơn vào các tuyến y tế xã phường, địa phương.

Chúng tôi cho rằng, thời gian tới, để các startup trong lĩnh vực y tế có thể phát triển mạnh, cần có sự quan tâm nhiều hơn từ phía các Bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ  y tế. Quan trọng hơn cả vẫn là tạo được hành lang pháp lý thuận lợi để các startup hoạt động. Hành lang pháp lý nếu rõ ràng hơn, chúng tôi sẽ dễ dàng xác định được dịch vụ của mình và hoạt động đúng theo pháp luật.

Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối triển khai Đề án 844 và đã triển khai hàng loạt hoạt động trong năm qua. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Bộ KH&CN trong các hoạt động vừa qua?

Tôi đánh giá rất cao các hoạt động Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội,… đã triển khai trong suốt thời gian qua. Có thể chưa có hoạt động chuyên sâu về y tế nhưng đã có những định hướng rất tốt, thực sự hữu ích như có chương trình đào tạo về mentor (nhà cố vấn), chuỗi workshop dành cho nhà sáng lập (founder) trong Đề án 844; hay việc triển khai Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon Valley với rất nhiều sự kiện, hoạt động dành cho các startup, nhà đầu tư,... Chúng tôi được tham gia vào các khóa đào tạo, định hướng – một trong những yếu tố rất quan trọng ban đầu.

Một startup triển khai dịch vụ nếu không tìm hiểu kỹ nhu cầu, phòng khám của bệnh viện, của người dân thì sản phẩm của họ sẽ rất khó để được sử dụng, được thị trường chấp nhận. Điều đáng mừng, gần đây, các startup đã được đào tạo rất chuyên nghiệp về tìm hiểu trải nghiệm của khách hàng, cách tiếp cận,… Ngoài ra, Bộ cũng đã có hỗ trợ rất tốt cả về chính sách cũng như kết nối với các nhà đầu tư, Techfest là một ví dụ. Thực sự, đó là những nguồn động viên rất lớn để các startup có thể phát triển trong thời gian tới.

Như chia sẻ ban đầu, ông cùng các đồng nghiệp đã và đang xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực y tế. Vậy, ông có thể chia sẻ về kế hoạch xây dựng, phát triển hệ sinh thái này thời gian tới?

Vâng, như tôi đã nói, hiện chúng tôi đang xây dựng 1 hệ sinh thái y tế. Đây sẽ không chỉ là các ứng dụng kết nối giữa bệnh nhân và phòng khám mà là một vòng tròn sinh thái để kết nối giữa chuỗi nhà thuốc và phòng khám, bệnh viện. Trung tâm của vòng tròn đó sẽ là khách hàng. Tất cả các công ty cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế đều kết nối vào hệ sinh thái đó. Với từng startup về y tế, nếu đi riêng có thể đi nhanh, nhưng để đi xa hơn chúng tôi nghĩ các startup cần phải kết nối với nhau để cùng cung cấp một giải pháp tổng thể. Tất cả các bên, ai làm tốt mảng nào sẽ làm thật tốt mảng đó của mình và kết nối với nhau để cung cấp giải pháp tổng thể, người hưởng lợi cuối cùng chính là khách hàng, bệnh nhân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên





Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner