Các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có tư duy toàn cầu ngay từ những ngày đầu, cũng như phải được tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với thị trường thế giới thông qua các hoạt động gặp gỡ, đào tạo với đội ngũ cố vấn, chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm quốc tế.
Ông Tony Wheeler - Cố vấn thường trực cho River City Labs muru-D, UQ iLab, TechStars Startup Weekends, MTAiQ, và Unearthed đã cho biết như trên tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển mạng lưới đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Đây là sự kiện do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp với Startup Vietnam Foundation (SVF - Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam), eSpaceCoworking, The Vuon và Swiss Entrepreneurship Program (Swiss EP) tổ chức mới đây.
Tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia từ Úc – ông Tony Wheeler đã có buổi họp mặt và chia sẻ kinh nghiệm phát triển mạng lưới đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội vào ngày 11/8 và 13/8 vừa qua.
Ông Tony Wheeler là cố vấn thường trực cho River City Labs, muru-D, UQ iLab, TechStars Startup Weekends, MTAiQ, và Unearthed. Ông cũng là nhà đồng sáng lập các dự án công nghệ, nhà đầu tư thiên thần, nhà cố vấn cho các Quỹ đầu tư mạo hiểm, tham gia ban cố vấn, giúp hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp và các công ty có khả năng mở rộng với những thị trường mới, các nhà cố vấn và nguồn vốn.
Chương trình nhận được sự hưởng ứng từ các bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong buổi họp mặt ngày 11/8, ông Tony Wheeler đã chia sẻ tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Australia trên nhiều phương diện, trong đó ông nhấn mạnh đến những vấn đề riêng trong lòng mỗi hệ sinh thái mà nhiệm vụ của các nhà xây dựng hệ sinh thái là cần tìm ra và giải quyết. Theo đó, một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo muốn phát triển mạnh mẽ phải dựa trên sự phối hợp một cách chủ động của các thành tố trong hệ sinh thái cũng như có sự dẫn dắt của những doanh nghiệp thành công của chính quốc gia đó trên trường quốc tế để truyền cảm hứng.
Mặt khác, dù Việt Nam đi sau trên con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Tony cũng đưa ra những cơ hội mà Việt Nam có được, đó là lợi thế trong việc học hỏi kinh nghiệm phong phú của các quốc gia đi trước và sự quan tâm của các phương tiện truyền thông trong nước trong việc phổ biến tư duy khởi nghiệp.
Khán giả tham gia thảo luận sôi nổi về các chủ đề đầu tư và khởi nghiệp
Theo ông, các công ty khởi nghiệp cần có “tư duy toàn cầu” ngay từ những ngày đầu, cũng như phải được tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với thị trường thế giới thông qua các hoạt động gặp gỡ, đào tạo với đội ngũ cố vấn, chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm quốc tế.
Riêng với vai trò của nhà nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Tony cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những nguồn vốn ban đầu, kết nối mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống nhà đầu tư và đặc biệt là xây dựng một cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cùng các chương trình ưu đãi về thuế, visa,… dành riêng cho các thành tố trong hệ sinh thái.
Tham gia sự kiện, bà Nguyễn Hồng Thanh, cố vấn Đối ngoại của Tập đoàn đầu tư Dược phẩm Việt Nam chia sẻ, hiện nay chính phủ Việt Nam đang kiến tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho văn hóa khởi nghiệp phát triển, vấn đề là các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải chủ động hơn để nắm bắt những cơ hội ấy.
Ông Tony Wheeler cùng các nhà đầu tư Việt chia sẻ góc nhìn về đầu tư thiên thần và sàn gọi vốn cộng đồng
Trong buổi Hội thảo chuyên đề ngày 13/08/2018 “Đầu tư thiên thần - Vì sao khởi nghiệp cần có thiên thần đồng hành”, ông Tony Wheeler đi sâu vào trình bày cách thức để các nhà đầu tư đánh giá startup tiềm năng, cách các startup lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với lĩnh vực của sản phẩm cũng như vai trò của các nhà đầu tư trong việc cố vấn chiến lực xây dựng và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặt khác, ông chia sẻ rằng tại Australia, các nhà đầu tư sẽ tập hợp thành nhóm từ 5 đến 10 người và lựa chọn đầu tư ít nhất là 10 dự án cùng lúc để giảm thiểu rủi ro cũng như tăng cơ hội thành công.
Cũng tại buổi Hội thảo, bà Phan Hoàng Lan – đại diện Văn phòng Đề án 844 cũng đã giới thiệu đến các nhà đầu tư và các startup Hà Nội về mô hình thí điểm sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần. Theo đó, bà Phan Hoàng Lan lấy ý kiến về các nội dung như tổ chức đứng ra thực hiện và quản lý sàn, công nghệ thực hiện cũng như quy định đối với các nhà đầu tư tham gia sàn.
Bình luận về chủ đề này, các nhà đầu tư hầu như đều thống nhất quan điểm về việc có một hệ thống pháp lý đủ mạnh để đảm bảo cho sàn gọi vốn được hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả. Theo đó, ông Trịnh Minh Giang, chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn Quản lý Việt (VMCG) chia sẻ: “Việc hình thành một sàn gọi vốn cộng đồng là cần thiết vì nhu cầu gọi vốn của startup cũng như nhu cầu của chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ sau làn sóng các chương trình truyền hình về khởi nghiệp nổi tiếng như Shark Tank đang tăng lên rất nhanh. Một sàn gọi vốn cộng đồng chỉ là công cụ, bản chất đằng sau phải có một hệ thống pháp lý rõ ràng để quản lý và đảm bảo quyền lợi cũng như phòng tránh rủi ro cho các bên thực hiện và tham gia sàn gọi vốn”.
Bà Phan Hoàng Lan, Bộ KH&CN chia sẻ về sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần
Tại Hội thảo, hai startup tiềm năng là Movan Omni Channel - Phần mềm quản lý bán hàng đa kênh và Alo Base – Nền tảng kết nối người dùng tới các kiến trúc sư và nhà thiết kế đã trình bày về dự án của mình cũng như gọi vốn từ các nhà đầu tư có mặt tại sự kiện. Tại đây, các startup đã được tiếp cận với các góc nhìn từ phía nhà đầu tư cũng như kết nối đến nhiều thành tố khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội.
Tin, ảnh: Đăng Minh