Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 02/11/2024 , 04:27 pm
Cập nhật : 19/02/2018 , 10:02(GMT +7)
Khởi nghiệp cần thực chất, tránh phong trào
Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Fastsell: Có ý tưởng, mục tiêu và đích để phấn đấu.
Năm 2018 cần làm gì để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phát triển và thu hút được nguồn lực đầu tư?

Khởi nghiệp thành công bước đầu khi sản phẩm đã thu hút được thị trường, nhưng do chưa xây dựng được mô hình kinh doanh phù hợp, sự khác nhau quá lớn về tư duy khởi nghiệp và cái "tôi" của các thành viên, thiếu năng lực quản trị và nguồn tài chính dự phòng.

Đó chính là nguyên nhân khiến cho anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Fastsell không thể theo đuổi 2 dự án khởi nghiệp trong hơn 2 năm.

Anh Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, "Bạn phải có ý tưởng, mục tiêu và đích để phấn đấu. Nhưng để làm sao đi con đường đó nhanh và đến đích thế nào, bạn phải phụ thuộc vào những người trong đội của mình, xu hướng bên ngoài như thị trường, nguồn lực. Quan trọng nhất làm sao phải hài hòa những cái mình có để đi đến mục tiêu cuối cùng."
 
Vượt qua giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có đà phát triển sau 1-2 năm thành lập. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trong số đó phải "rút lui" do chưa có sự tính toán kỹ lưỡng.

Tránh khởi nghiệp theo kiểu phong trào

Khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất.

Đa phần các khởi nghiệp trẻ mới tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà quên việc lên bài toán lớn về năng lực và khả năng vận hành của bản thân doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, với môi trường kinh doanh năng động sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các khởi nghiệp trẻ. Nhưng chính điều đó đang cám dỗ các khởi nghiệp trẻ nhảy vào thị trường quá nhanh. Sự vấp ngã là điều khó tránh khỏi và khởi nghiệp cần đi vào thực chất hơn.

Ông Warrick Cleine, Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam nhận định, "Những thứ cốt lõi về quản trị doanh nghiệp, cấu trúc doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, các văn bản pháp luật như lao động sở hữu trí tuệ... là những thứ giúp thương mại hóa ý tưởng khởi nghiệp. Việc này sẽ giúp các khởi nghiệp trẻ tính đến việc huy động vốn, kêu gọi quỹ đầu tư hay tính toán có nên tiếp tục sở hữu doanh nghiệp nữa hay không."

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, "Tinh thần khởi nghiệp phải đi kèm với năng lực về quản trị. Hiện nay, khởi nghiệp đang được đẩy mạnh như một phong trào. Chất lượng của khởi nghiệp, chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang là vấn đề rất lớn cần quan tâm."

 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 
 
Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cũng khuyến cáo, hiện nay có thể các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gọi được vốn đầu tư, nhưng nếu 2 năm tới, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công không đạt đến 1%, sẽ không còn ai đầu tư. Đó chính là nguy cơ của hệ sinh thái khởi nghiệp nếu Việt Nam không nhìn ra điều cốt lõi.

"Nếu Việt Nam làm đại trà, doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng đầu tư, đẩy lên, tạo ra tinh thần thì số thất bại sẽ rất lớn. Chúng ta cần chọn ra doanh nghiệp khởi nghiệp nào thực sự cần đầu tư, start-up nào thực sự có năng lực để tập trung phát triển start-up đó", ông Giang cảnh báo.

Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, với môi trường kinh doanh năng động sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh cho các start-up trẻ, nhưng cũng chính điều đó đang cám dỗ các start-up nhảy vào thị trường quá nhanh. Sự vấp ngã là điều khó tránh khỏi. Khởi nghiệp cũng cần đi vào thực chất hơn.
 
 
Ông Trịnh Minh Giang: "Cần chọn ra doanh nghiệp khởi nghiệp nào thực sự cần đầu tư, start-up nào thực sự có năng lực để tập trung phát triển start-up đó."
 
Hiện thực hóa các hỗ trợ khởi nghiệp

Năm 2018 mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần trở thành động lực thực sự cho khối doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn. Để làm được điều đó rất nhiều người đã kỳ vọng vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phát triển và có nhiều dự án start-up huy động vốn thành công hơn nữa trong năm 2018.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đánh giá: "Nguồn tiền nhàn rỗi hiện nay khá lớn, nếu chúng ta có môi trường pháp lý rõ ràng và tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển. Đó sẽ là nơi hỗ trợ cho các start-up từ tài chính, kiến thức, quản lý... Trong đó, việc quan trọng là ý tưởng cần tiến gần tới thị trường, có hàm lượng chất xám, công nghệ nhiều hơn. Khi đã có những ý tưởng đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ theo những ý tưởng đó và thu hút được nguồn vốn".

Chấp nhận văn hóa "thất bại" trong khởi nghiệp

Triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Các start-up cần học cách chấp nhận văn hóa thất bại trong khởi nghiệp.
 
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, "điểm mấu chốt là với hệ sinh thái khởi nghiệp, để không biến thành phong trào, bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Còn những người không được đào tạo thì không nên tham gia theo người khác."

"Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp: 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp thì chỉ có 5-6, thậm chí không quá 10 người thành công. Do đó những người khởi nghiệp luôn phải sẵn sàng xác định chấp nhận thất bại", ông Tùng nhấn mạnh.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng.

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình buộc phải đổi mới sáng tạo. Trong đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, tránh việc phát triển ồ ạt như phong trào rồi sau đó dừng lại.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo VN 2017.
 
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 đã có hiệu lực từ 1/1/2018. Trong Luật nêu cụ thể chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như số vốn đầu tư của các quỹ, trách nhiệm góp vốn, mức thuế ưu đãi...

Đây chính là ghi nhận rõ nhất về mức độ hoàn thiện cơ chế và sự quan tâm của Chính phủ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, khuyến khích hiện thực hóa các ý tưởng mới, phát triển và thương mại hóa sản phẩm có tính ứng dụng cao và nâng tầm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. 
 
Nếu năm 2016 được coi là năm khởi động của khởi nghiệp thì năm 2017 chính là năm tăng tốc của khởi nghiệp khi đã có nhiều hỗ trợ nổi bật, từ sự hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng cũng có không ít các chướng ngại vật phải vượt qua.

Nhiều quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ra đời

Trong năm 2017, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp được thành lập nhiều hơn. Ví dụ quỹ ESP Capital 20 triệu USD, quỹ Innovatube 5 triệu USD... được thành lập hướng tới các start-up ở giai đoạn đầu của Việt Nam và Đông Nam Á. Tâp đoàn Lotte cũng cam kết dành 1 triệu USD đầu tư cho khởi nghiệp.

Các thương vụ gọi vốn và góp vốn lớn hơn

Nếu các thương vụ gọi vốn năm 2016 chỉ được từ 5.000-50.000 USD, năm 2017 các thương vụ gọi vốn cũng lớn hơn nhiều. Cụ thể, Tiki nhận vốn 10 triệu USD, Vntrip nhận vốn 10 triệu USD, Công ty Hoa yêu thương cũng nhận rót vốn 1 triệu USD... Tất cả đều từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Công bố dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng ở Việt Nam.

Công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết trên NASDAQ

Không chỉ vậy, năm 2017, Việt Nam có công ty đầu tiên - Công ty VNG - niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ, sàn giao dịch điện tử lớn nhất nước Mỹ. Việc này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm vốn ngoại vào Việt Nam.

Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thế nhưng, điều cốt lõi là làm sao để start-up không phải là phong trào trong một lúc mà liên tục, dài hơi, bền vững./.
 

 
 
Nguồn tin: VOV.VN

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner