Năm 2017 là năm nhiều dấu ấn đối với hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam khi mà tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được thực hiện bài bản, phong phú hơn. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã nhận được khoản đầu tư lớn và đã thành công. Nhân dịp năm mới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN).
Năm 2017, hoạt động khởi nghiệp đã đi vào thực chất nhiều hơn. Theo ông, điều gì cho thấy hoạt động khởi nghiệp đã có dấu hiệu thực chất hơn?
TS. Phạm Hồng Quất: Hầu như tất cả các mô hình kinh doanh mới chinh phục được nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện bằng những dự án đã gọi được vốn đầu tư tương đối lớn, trong giới khởi nghiệp gọi là các dự án gọi được “vốn khủng” trong thời gian rất nhanh. Các founders (sáng lập viên) người Việt, nòng cốt là các du học sinh học đã từng hoặc đang học tập tại nước ngoài đã thổi một luồng gió mới vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong nước và giúp cho các nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là một địa chỉ rất tiềm năng để đầu tư, phát triển thị trường cho các sản phẩm sáng tạo, mô hình kinh doanh mới, đặc biệt dựa trên các công nghệ của I.4.0 như nền tảng công nghệ thông tin, mạng điện tử kết nối vạn vật, điện thoại di động, phầm mềm, trí tuệ nhân tạo.
Thưa ông, năm 2017, chúng ta đã thấy nhiều bước tiến trong hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng hoạt động khởi nghiệp vẫn còn mang tính chất phong trào và chưa thật sự mang ý nghĩa khởi nghiệp. Vậy quan điểm của ông khi nhìn nhận những điểm hạn chế đó như thế nào?
TS. Phạm Hồng Quất: Hoạt động khởi nghiệp thông thường gắn với các bạn trẻ. Các bạn trẻ thường rất sôi nôi và có tâm lý làm theo người khác, thậm chí là tâm lý làm theo đám đông. Đây là điều không tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào khi bắt đầu phát động tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau quá trình chọn lọc tự nhiên, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống sẽ có thể nhanh chóng bị loại khỏi cuộc đua vì không thể tăng trưởng nhanh được và không thể gọi vốn đầu tư. Vì vậy, sẽ chỉ còn sót lại những mô hình kinh doanh mới thực sự có tính sáng tạo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại toàn cầu hóa hiện nay, kỹ năng mềm của nhóm khởi nghiệp phải rất tốt để có thể bán được hàng và thu hút nhà đầu tư. Đây chính là hai điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang rất nỗ lực để bù đắp khoảng thiếu của mình.
Một doanh nghiệp khởi nghiệp hay nhóm khởi sự kinh doanh muốn trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay còn gọi là start-up cần chú trọng đến ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, lợi thế của internet, điện thoại di động, phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Đây là phương tiện kinh doanh quan trọng giúp các bạn trẻ khởi nghiệp có thể xây dựng mô hình kinh doanh mới, tăng trưởng quy mô thị trường nhanh chóng và từ đó có thể gọi được vốn đầu tư. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm đến mô hình kinh doanh có mới không, phục vụ đối tượng khách hàng nào, khả năng tăng trưởng như thế nào và làm cách nào để thu được tiền từ mô hình kinh doanh đó? Những câu hỏi đó rất phổ biến ở nước ngoài nhưng chưa nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam quan tâm đúng mức. Thông thường, các bạn trẻ có khả năng tiếp cận và đưa những mô hình kinh doanh đang được phát triển ở nước khác về áp dụng ở nước mình. Tuy nhiên, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp thực sự đầu tư nghiên cứu cải tiến, thử nghiệm, thay đổi để phù hợp với thị trường Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là cần hướng đến tạo ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới để có thể quay trở lại bán ra thị trường quốc tế với phương thức mới, tính năng mới, nhóm khách hàng mới, đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Tính mới, tính sáng tạo của sản phẩm, mô hình kinh doanh sẽ được hoàn thiện hơn khi được thử nghiệm thị trường nhiều lần với khách hàng, kiên trì và nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ của nhà tư vấn và nhà đầu tư.
Tôi cho rằng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất hơn nữa, các nhóm khởi nghiệp cần chú trọng tìm kiếm thông tin công nghệ, khai thác kho dữ liệu về tài sản trí tuệ, sáng chế, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các mô hình kinh doanh mới, học tập kinh nghiệm từ câu chuyện thành công cũng như bài học thất bại, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới và nhanh chóng đưa ra thị trường để thử nghiệm theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn. Tức là, cần phải bám sát vào nhu cầu, điều kiện cụ thể của thị trường, khách hàng để xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh. Cách làm đó đang được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay. Không nên xây dựng dự án khởi nghiệp chỉ mang tính chất lý thuyết, mơ hồ, không dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, số liệu thị trường cụ thể. Đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần chú ý xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ và thực tế thử nghiệm thị trường càng nhiều càng tốt.
Sôi nổi hoạt động khởi nghiệp trong năm 2017
Trong năm 2018, cơ sở nào để các chuyên gia có thể nhận định năm 2018, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, thưa ông?
TS. Phạm Hồng Quất: Hiện nay, sự hưởng ứng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đến từ rất nhiều các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và đặc biệt là các trường đại học. Đây sẽ là nguồn đầu vào rất quan trọng cho hệ sinh thái. Các quỹ đầu tư trong nước bắt đầu hình thành, các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đã quan tâm và đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đi ra nước ngoài để tham gia các sự kiện gọi vốn và liên kết, tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư, nhà tư vấn cũng nhiều hơn. Cơ sở hạ tầng, không gian làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hình thành ở nhiều địa phương. Đây là những dấu hiệu cho thấy năm 2018 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển theo chiều sâu, dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh hiện đại.
Thưa TS Phạm Hồng Quất, có nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khá non trẻ. Qua tiếp xúc với doanh nghiệp khởi nghiệp, theo ông, đâu sẽ là vấn đề khó khăn nhất đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam?
TS Phạm Hồng Quất: Đúng là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam mới được hình thành. So với Singapore, Israel hay Hoa Kỳ, chúng ta đi sau rất nhiều nhưng tốc độ phát triển hiện nay cho thấy chúng ta đang đi khá nhanh. Các bạn trẻ của Việt Nam rất giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thâm nhập rất nhanh vào các mô hình kinh doanh mới để học tập và có những sáng tạo mới. Mạng lưới du học sinh Việt Nam cũng trải khắp các trường đại học có uy tín trên thế giới và đang có sự liên kết, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Những điểm mạnh đó cho thấy khởi nghiệp đối mới sáng tạo của Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đối với đa số các nhóm khởi nghiệp trong nước, vấn đề ngôn ngữ vẫn đang còn là một rào cản, thách thức. Chúng ta muốn gọi vốn quốc tế, hội nhập vào sân chơi chung với các nước khác, chúng ta phải cải thiện nhanh các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, cách chinh phục khách hàng, cách tiếp thị làm cho sản phẩm có thể đi ra thị trường quốc tế, hay nói cách khác là cần tìm ra cách để dự án có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên những mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, liên kết thực và ảo, những phương thức kinh doanh mới của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế số. Chưa nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương, nhất là ở các vùng xa trung tâm thương mại ý thức được điều này. Có lẽ trong năm tới, đây có thể là điểm chúng ta cần cải thiện để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta phát triển nhanh và hội nhập với quốc tế hơn.
Có thể thấy, mọi người rất kỳ vọng năm 2018 sẽ có nhiều hỗ trợ để có được nhiều thành công hơn. Với cá nhân ông, ông kỳ vọng như thế nào về hoạt động khởi nghiệp trong năm 2018 này?
TS. Phạm Hồng Quất: Với cá nhân tôi, tôi rất trông đợi năm 2018 có thể xuất hiện một số khu hỗ trợ khởi nghiệp tập trung giống như Block 71 của Singapore hay như mô hình Thung lũng Sillicon đã hình thành không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở Ấn Độ hay Israel. Điều thứ hai tôi trông đợi là Việt Nam có thể có đại diện ở những khu vực khởi nghiệp lớn trên thế giới như Thung lũng Sillicon ở Hoa Kỳ hay các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Singapore, Israel. Tương tự như một số nước khác, đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương có thể có mặt tại những hubs hay điểm giao dịch kết nối với quốc tế để đưa doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sang những trung tâm khởi nghiệp quốc tế để gọi vốn, cọ xát. Điều thứ ba, tôi mong muốn là các cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung ở các địa phương, các cơ sở đào tạo sẽ được hình thành, phát triển với chất lượng tốt hơn và hiệu quả hơn. Câu lạc bộ các nhà đầu tư thiên thần hay đúng hơn là mạng lưới những nhà đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hình thành nhiều hơn. Đó là những điều kiện cần thiết giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong nước có thể khởi nghiệp sáng tạo một cách thực chất và có điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế.
Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp?
TS. Phạm Hồng Quất: Ngoài việc xây dựng thể chế, ban hành chính sách, tạo ra không gian làm việc chung, cung cấp phương tiện, kỹ thuật rất cần thiết cho khởi nghiệp, vấn đề quan trọng nữa là cần tạo ra môi trường để các bạn trẻ tiếp thu được kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia tốt. Hiện nay, cơ chế đãi ngộ chuyên gia giỏi, tiếp nhận chuyên gia quốc tế, nhóm khởi nghiệp quốc tế về Việt Nam để các bạn trẻ có thể trực tiếp cọ sát, học tập vẫn còn đang rất thiếu. Cơ chế đưa các bạn khởi nghiệp trong nước đến các trung tâm khởi nghiệp lớn trên thế giới, thực sự làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế cũng đang rất thiếu. Chúng ta mới đang chỉ làm được một số hoạt động hỗ trợ, liên kết ở phạm vi địa phương và phạm vi quốc gia, điều này sẽ rất khó cho các nhóm khởi nghiệp trong nước có thể tạo ra mô hình kinh doanh có quy mô toàn cầu. Do đó, tính liên kết quốc tế, khả năng kêu gọi chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam và hoạt động đưa chuyên gia, nhà đầu tư, nhóm khởi nghiệp của chúng ta ra thị trường nước ngoài để trải nghiệm, học tập, kết nối cần phải được quan tâm đầu tư đúng mức. Cơ quan nhà nước và các nhà tư vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp phải cùng phối hợp thực hiện hết sức tập trung những hoạt động này thì mới có thể mang lại hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp trong nước.
Tin, ảnh: Đăng Minh