Theo báo cáo tại hội nghị, vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là trung tâm kinh tế năng động, một đầu tàu kinh tế quan trọng của miền Bắc và cả nước: có ngành công nghiệp phát triển với các ngành chủ chốt như sản xuất xi măng, lắp ráp ô tô, xe gắn máy, điện tử, tin học, đóng tàu biển, chế biến lương thực, thực phẩm… Trong nông nghiệp đã ứng dụng nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Với những lĩnh vực phát triển như vậy đã nâng tỷ trọng đóng góp của vùng cho GDP cả nước đến hơn 25%. Tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu của cả nước trên 30%, nhiều địa phương đã có nguồn thu trích nộp cho ngân sách trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh,…
Trong thành tích chung đó, hoạt động KHCN của tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ quan KHCN trong vùng có đóng góp quan trọng: nhiều vấn đề quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý lãnh thổ, quản lý con người được nghiên cứu, tạo lập cơ sở khoa học cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong công tác quản lý, điều hành, hoạch định chủ trương, chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Từ các kết quả nghiên cứu, nhiều kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống, đặc biệt áp dụng trong doanh nghiệp. Nhiều giải pháp được các tỉnh, thành đưa ra nhằm tăng cường thu hút lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khuyến khích các đơn vị đặt hàng và trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Việc nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán sản xuất.
Nguồn: ITN
|
Từ năm 2011 - 2013, Sở KH - CN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH đã triển khai được 1.456 đề tài, dự án khoa học với 25,34% đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn; 35,37% thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; 23,9% ở lĩnh vực công nghiệp, giao thông thủy lợi, công nghệ thông tin; 5% đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục - y tế. Có thể kể đến một số nhiệm vụ KHCN tiêu biểu: nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ thu, trữ nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Hải Phòng); xây dựng mô hình xử lý ao hồ ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và chăn nuôi ở vùng nông thôn bằng chế phẩm vi sinh - Biomix (Hà Nam); nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị điều khiển tự động chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm năng lượng (Bắc Ninh),…
Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự đổi mới trong quản lý nhà nước về KHCN tại các địa phương, môi trường pháp lý cho hoạt động KHCN được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Cơ chế tổ chức, quản lý và hoạt động đã tạo được sự gắn kết giữa KH - CN với sản xuất, đời sống.
Chuyển giao vào sản xuất, đời sống
Từ báo cáo của các đơn vị có thể thấy, các công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ phục vụ đời sống nông dân, nông thôn đang chiếm ưu thế lớn trong việc chuyển giao công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống, sản xuất. Điều đó cũng phù hợp với đặc thù của các tỉnh vùng ĐBSH.
Đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, thời gian qua viện đã nghiên cứu, chuyển giao rất nhiều công nghệ đến các địa phương, góp phần cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, cơ giới hóa chăn nuôi, chế biến thức ăn... Cụ thể, đã triển khai các dây chuyền chế biến hạt giống lúa, ngô, đậu với hệ thống kiểm soát bán tự động, tỷ lệ hạt giống được cải thiện từ 0% (năm 1995) lên 30% (năm 2008); chuyển giao công nghệ sấy bơm nhiệt, khai thác tính cải thiện chất lượng sản phẩm; quy trình công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp chế biến đậu phụ Mơ Hà Nội…
Cùng với đó, viện cũng đã chuyển giao nhiều công nghệ, thiết bị sơ chế, bảo quản rau, hoa quả tươi cho các tỉnh vùng ĐBSH như công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm tạo màng dùng cho bảo quản các loại rau quả tươi; công nghệ xử lý chế phẩm sinh học Retain trong giai đoạn cận thu hoạch, nhằm kéo dài thời gian bảo quản trên cây; công nghệ và thiết bị chế biến tối thiểu đối với một số loại trái cây, rau, quả tươi năng suất 1 tấn sản phẩm/loại/ngày...
PGS.Ts Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp chia sẻ, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm ưu tiên của viện. Qua việc hợp tác với các địa phương, chương trình nông thôn miền núi, viện đã chuyển giao 11 quy trình KHCN cho nhiều địa phương. Có thể kể đến quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm nguồn nước được chuyển giao cho 1.200 hộ nông dân ở các làng nghề sản xuất bún và chăn nuôi tập trung tại Thanh Oai, Hà Nội; quy trình ứng dụng chế phẩm men ủ vi sinh hữu ích xử lý phế phụ phẩm thành phân bón hữu cơ (khoảng 10.000 tấn phụ phẩm/năm) tại Hà Nội, Nghệ An, Bắc Giang,…; quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) sản xuất rau an toàn theo chu trình khép kín từ sản xuất, giám sát đến tiêu dùng được chuyển giao cho 12 tỉnh: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh,…
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận về những giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, đưa nhanh hơn nữa các tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các đại biểu cho rằng việc triển khai các hoạt động KHCN cần có tính liên kết vùng; gắn KHCN với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; người đứng đầu đơn vị phải quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, triển khai, áp dụng kết quả KHCN; phát huy sức mạnh cộng đồng của đội ngũ các nhà quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu KHCN; nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, nhà nghiên cứu, đẩy mạnh mô hình liên kết 3 nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - nhà sản xuất, kinh doanh;…
Để hoạt động KHCN đạt nhiều kết quả hơn nữa, các địa phương kiến nghị Bộ KH - CN tham mưu với Chính phủ tiếp tục sửa đổi và có những chính sách đồng bộ, hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt Nghị định 115/2005/NĐ-CP; đề nghị Bộ KH - CN, Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Chính phủ thành lập Phòng quản lý KHCN cấp huyện.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương kiến nghị Bộ KH - CN giúp hướng dẫn tính toán chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); hướng dẫn tính giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong GDP của các địa phương; giúp các địa phương đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp; phối hợp với Bộ NN và PTNT nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách gắn kết ứng dụng chuyển giao công nghệ với mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư sẵn có ở địa phương; phối hợp với Bộ Công thương xây dựng chiến lược về phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu để hàng hóa trong nước đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.