Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 04:19 am
Cập nhật : 17/08/2012 , 09:08(GMT +7)
Khoa học và công nghệ trong nông nghiệp: Thiếu sức cạnh tranh và động lực phát triển
Kiểm tra sự phát triển của khoai tây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Phòng Nuôi cấy mô tế bào
Ngành nông nghiệp nước ta nhiều năm qua luôn duy trì tăng trưởng ở mức 4-5% nhưng các đóng góp cho tăng trưởng chủ yếu là do các yếu tố "đầu vào" như đất đai, nước tưới, lao động, vật tư... Đến nay, hầu hết các nguồn lực này đã tới hạn và đang bị rút ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Không còn cách nào khác để ngành nông nghiệp tăng trưởng là phải dựa vào khoa học, công nghệ (KHCN) để có thể phát triển bền vững.

Bộ máy lớn nhưng thiếu động lực

Thời gian qua, KHCN nông nghiệp đã góp phần quyết định để nhiều nông sản của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su... trở thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Phần nhiều nông dân chưa tiếp cận được các loại giống mới, quy trình canh tác tiên tiến. Tiềm năng của KHCN đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn rất lớn nhưng chưa được khai thác và phát huy đầy đủ. Vì vậy, KHCN nông nghiệp Việt Nam còn tụt hậu so với khu vực và thế giới.


Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nước ta có lực lượng nghiên cứu đáng kể phục vụ KHCN nông nghiệp và xét về quy mô không hề nhỏ. Bộ NN&PTNT hiện quản lý 11 đơn vị sự nghiệp khoa học, các trường ĐH nông nghiệp, thủy lợi... Số cán bộ khuyến nông của cả nước là khoảng 33.000 người. Trong khi đó, số cán bộ trực tiếp làm công tác nghiên cứu, đào tạo tại các viện nghiên cứu là hơn 8.000 người. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu KHCN năm 2010 là gần 670 tỷ đồng, trong đó gần 30% là lương và hoạt động bộ máy. Từ năm 2006-2010, Bộ cũng huy động nguồn vốn ODA lên đến 805 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp cơ sở vật chất cho 21 tổ chức KHCN. Mức đầu tư cho KHCN ngành NN&PTNT trung bình mỗi năm tăng 11-12%, cho khuyến nông là 15%.

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, so với các nước Châu Á khác, KHCN cho nông nghiệp của nước ta khá tụt hậu và yếu tố cản trở lớn nhất không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu tại các viện và chuyển giao khoa học tại các trung tâm khuyến nông không coi người sản xuất kinh doanh là khách hàng, KHCN là hàng hóa. "Nguyên nhân chính của việc cán bộ không có động lực là do chính sách và thể chế quản lý khoa học bất hợp lý" - TS Sơn khẳng định.

Giải pháp nào tạo đột phá?

PGS-TS Nguyễn Thị Trâm (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, cách quản lý KHCN nông nghiệp đang "có vấn đề" dù gần đây đã có những bước cải tiến, cụ thể là Nhà nước đã ban hành chính sách đấu thầu các đề tài KHCN. Cách làm này chưa giải quyết triệt để gốc rễ những bất cập hiện có. Cụ thể là chúng ta mới chỉ đấu thầu trên văn bản thuyết minh xem tốt hay không chứ không phải là chọn sản phẩm nghiên cứu tốt. "Khi chỉ có một đơn vị duy nhất thực hiện chọn tạo giống thì chỉ chọn được một giống duy nhất, không có nhà chọn giống nào khác cùng làm nên giống mới đó lại được đem so sánh với giống cũ đang sử dụng thì nghiễm nhiên đề tài phải được nghiệm thu tốt. Cách quản lý như trên là thủ tiêu cạnh tranh - động lực cơ bản để phát triển. Hệ quả là nông dân chờ mãi vẫn chưa có giống tốt do các nhà khoa học trong nước tạo ra. Để kinh doanh giống, doanh nghiệp buộc phải đi mua của nước ngoài và Nhà nước phải tốn thêm tiền để tổ chức khảo nghiệm, lập hội đồng công nhận giống cho doanh nghiệp nước ngoài, trợ giá giống cho nông dân. Thực chất đây là trợ giá nguồn "cung" của thị trường nước ngoài để khuyến khích "cầu" trong nước" - TS Trâm khẳng định.

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về KHCN mới chỉ quan tâm đến việc xác định đề tài mà ít chú trọng đến công tác đánh giá hiệu quả, tác dụng của nó trong thực tế sau khi nghiệm thu. Việc đầu tư nghiên cứu khoa học theo vùng kinh tế rất hạn chế. Cụ thể là cả nước có 27 cơ quan nghiên cứu khoa học nông nghiệp nhưng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 cơ sở và một đơn vị là ĐH Cần Thơ vừa nghiên cứu và đào tạo. Trong khi đó, đây là vựa nông sản lớn nhất cả nước, cần phải tập trung lực lượng nghiên cứu mạnh để có thể đẩy mạnh công tác chọn giống, cải tiến quy trình sản xuất...

PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cho rằng, đã đến lúc cách làm KHCN nông nghiệp theo hình thức đấu thầu cần chấm dứt nếu không muốn lĩnh vực này tiếp tục khủng hoảng. Do đó, cách làm tốt nhất là phải tìm cách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào KHCN nông nghiệp hoặc sáp nhập các viện nghiên cứu với trường ĐH chuyên ngành để tận dụng tối đa khả năng nghiên cứu, đào tạo.
Cùng với các giải pháp đổi mới về tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh đến việc cần tiến hành định kỳ đánh giá hiệu quả đóng góp cho thực tế của các cơ quan nghiên cứu khoa học thông qua các chỉ tiêu phổ biến và công khai như số bài báo trên tạp chí quốc tế, số tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, số bằng sáng chế được đăng ký. Hiệu quả đóng góp vào sản xuất nông nghiệp sẽ là yếu tố để thưởng, phạt các tổ chức KHCN. Có như vậy mới hy vọng thoát khỏi cảnh trì trệ, tụt hậu…

Như vậy, rõ ràng KHCN trong nông nghiệp cần phải được đổi mới toàn diện.

Nguồn tin: Hà nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner