Khoa học và công nghệ năm 2013: Tăng tốc tạo lực đẩy mới
Chính sách trọng dụng nhà khoa học là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013. Ảnh: Phương Th
Năm 2013 được xem là năm tăng tốc để tạo lực đẩy mới cho khoa học và công nghệ (KHCN) Việt Nam với những vấn đề lớn như: Thông qua Luật KHCN sửa đổi; Đề án Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN; khởi động các chương trình quốc gia lớn về KHCN. Việc thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về KHCN cũng đang hứa hẹn là bước ngoặt mang tính quyết định với sự phát triển của ngành.
Giải phóng sức sáng tạo của giới khoa học
Trong số nhiều công tác quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đặc biệt nhấn mạnh là tiếp tục xây dựng chính sách trọng dụng nhà khoa học. Trong đó, nhân lực điện hạt nhân, cán bộ đầu ngành, cán bộ được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, tài năng trẻ, cán bộ trình độ cao đã hết tuổi lao động… sẽ được hưởng những cơ chế chính sách trọng dụng, đãi ngộ cao hơn hiện nay nhằm thu hút nhân tài. "Hãy tạo cơ hội cho các tổng công trình sư, những nhà khoa học đầu ngành để họ cống hiến cho đất nước những công trình xứng tầm. Đó chính là sự ưu đãi lớn nhất mà chúng ta dành cho cộng đồng khoa học" - Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị.
Trên tinh thần đó, các tổ chức KHCN công lập sẽ chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và một số đơn vị sẽ hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp. Với hướng đi này, các nhà quản lý hy vọng sẽ giải phóng được sức sáng tạo của giới khoa học, các tổ chức khoa học của Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có những sản phẩm có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới trong những năm tới. Để làm được điều này, một trong những vấn đề quan trọng nhất, theo lãnh đạo Bộ KHCN, là phải đổi mới phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN, để hoạt động này vận hành theo cơ chế đặc thù trong việc xây dựng kế hoạch, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động đóng góp của xã hội.
Bên cạnh đó, ngành KHCN đang nỗ lực xây dựng những mô hình nhằm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho giới khoa học, thí điểm cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử nghiệm.
Tăng tốc với những chương trình lớn
Ngay từ đầu năm 2013, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KHCN, Bộ KHCN đã xây dựng chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời triển khai đồng bộ tất cả giải pháp trong nghị quyết đã chỉ ra.
Theo đó, cộng đồng khoa học sẽ chung tay cùng Chính phủ thể chế hóa nghị quyết bằng cơ chế chính sách cụ thể; bằng việc triển khai các chương trình KHCN quốc gia tạo ra hàng loạt sản phẩm giá trị gia tăng lớn, năng suất cao, chất lượng cạnh tranh; bằng việc xây dựng hệ thống các viện nghiên cứu xuất sắc, các tập thể khoa học mạnh, doanh nghiệp KHCN, khu công nghệ cao và công viên khoa học; bằng việc hình thành đội ngũ cán bộ KHCN giỏi ngang tầm khu vực và quốc tế.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được đặt ra là hoàn thiện thể chế và đổi mới cơ chế quản lý tổ chức hoạt động KHCN, quan trọng nhất là trình Quốc hội về Luật KHCN sửa đổi. Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội... Hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp với hoàn cảnh trong nước và thông lệ quốc tế, tập trung chuẩn bị các điều kiện vật chất - kỹ thuật và đào tạo đội ngũ cán bộ. Năm 2013, 10 chương trình quốc gia về KHCN sẽ được đưa vào hoạt động, trong đó có 3 chương trình lớn đặc biệt quan trọng có thể làm thay đổi diện mạo của KHCN Việt Nam trong giai đoạn này, đó là chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và chương trình đổi mới KHCN quốc gia.
Được biết, Luật KHCN sửa đổi, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2013. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân tin rằng: Nếu làm tốt việc thể chế hóa thì chắc chắn sẽ đem đến một luồng sinh khí mới tạo ra bước ngoặt mang tính quyết định đối với sự phát triển của KHCN nước nhà.