Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 04:51 am
Cập nhật : 05/04/2021 , 16:04(GMT +7)
Khoa học và công nghệ giải quyết nhiều vấn đề thực tế
Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý I/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm, đặc biệt vai trò của KH&CN được nhấn mạnh trong những đóng góp quan trọng vào các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Đăng ký chỉ dẫn địa lý - "giấy thông hành" vào thị trường xuất khẩu 

Liên quan đến việc Nhật Bản cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết đây gần như là một giấy thông hành cực kỳ có ý nghĩa về danh tiếng, uy tín sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau.

Để quả vải vào thị trường Nhật Bản, trong những năm qua, chúng ta đã phải trải qua nhiều kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ở các quốc gia khác, khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ cần chuyển toàn bộ hồ sơ trên giấy và xét. Nhưng riêng thị trường Nhật Bản sau khi nhận hồ sơ sẽ cử chuyên gia sang tận vùng trồng kiểm tra từ đất, cây, quả và toàn bộ quy trình…  

Từ việc này, Cục Sở hữu trí tuệ đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tăng cường và mang lại hiệu quả cho việc quản lý các chỉ dẫn địa lý khác cho các đặc sản của Việt Nam. Đây sẽ mô hình để cho các sản phẩm khác đi vào thị trường ở các nước, cũng như trong nước – ông Nguyễn Văn Bảy nói.

Ông Nguyễn Mai Dương - Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau. Để kịp đưa vải thiều sang Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tìm kiếm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu và đánh giá các chỉ tiêu này theo yêu cầu của phía Nhật Bản để chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Nhật Bản trong vụ vải 2021.

KH&CN trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Khi được hỏi về tiến độ của đề tài nghiên cứu bộ KIT test Covid-19 do công ty TNHH Sinh hóa Phù sa (Phù sa Biochem) chủ trì, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và các ngành kinh tế kỹ thuật cho biết, bộ KIT test này đã hoàn thành xong việc nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của hội đồng khoa học đưa ra.

Theo ông Trịnh Thanh Hùng, khác với bộ KIT test Covid-19 của Học viện Quân y sử dụng công nghệ Realtime PCR, phương pháp mà Phù sa Biochem sử dụng để tạo ra bộ KIT test phức tạp hơn. Do vậy, thời gian hoàn thiện việc nghiên cứu bộ KIT test này kéo dài hơn dự kiến. 

Hiện Phù sa Biochem đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Y tế để được cấp phép sử dụng giống như bộ KIT Covid-19 của Học Viện Quân y. Đây là quy trình bắt buộc để bộ KIT test này có thể được đưa ra sử dụng ngoài thực tế. 

Bộ KIT test Covid-19 của Phù sa Biochem là đề tài nghiên cứu có sự phối hợp tham gia của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ). 

Chia sẻ quan điểm của mình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, mỗi công trình nghiên cứu luôn có một tỷ lệ rủi ro nhất định. Không thể chắc chắn một đề tài khoa học có thể thành công 100% ngay từ thời điểm được cấp kinh phí. Đó cũng là lý do khó nói trước ngày giờ một công trình nghiên cứu thành công, đặc biệt là sản phẩm khoa học phức tạp như bộ KIT test Covid-19. 

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc nghiên cứu ra sản phẩm và sản phẩm đó được Bộ Y tế cấp phép là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Sau khi nghiên cứu, các sản phẩm như bộ KIT test sẽ được chuyển giao cho phía doanh nghiệp để làm hồ sơ cấp phép. 

Bên cạnh bộ KIT test, Robot Vibot cũng được các nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi. Đây là đề tài nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế được Bộ KH&CN phê duyệt trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng và đã được thử nghiệm tại bệnh viện Bắc Thăng Long vào tháng 4/2020. 

Robot Vibot hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được thử nghiệm thành công tại Bệnh viện Bắc Thăng Long

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết, đề tài chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là hình thành sản phẩm để phục vụ cho khu cách ly nên công nghệ mới chỉ ở mức vừa phải, nghĩa là mới chỉ là robot tự hành. Với sự nỗ lực và năng lực của các nhà nghiên cứu trẻ của Học viện Kỹ thuật Quân sự, chỉ trong vòng 3 tuần robot Vibot phiên bản đầu tiên tương đối đơn giản được chế tạo (có thể đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,…) và đã được thử nghiệm thành công ở bệnh viện Bắc Thăng Long – nơi Chính phủ quy hoạch sẽ là nơi dự phòng để đón tiếp bệnh nhân Covid trong trường hợp bùng phát dịch 

Giai đoạn hai tiếp cận với trình độ cao hơn đó là robot thông minh, việc di chuyển không phụ thuộc vào vạch chỉ đường mà phải theo bản đồ nạp sẵn hoặc robot tự xây dựng được bản đồ hoạt động của mình. Hiện nay về mặt công nghệ cơ bản đã được giải quyết, theo thời hạn đến tháng 6/2021 đề tài sẽ nghiệm thu cấp Nhà nước, trước đó phải nghiệm thu cấp cơ sở.  Ông Dương cho biết.

Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trả lời những điểm mới của Quyết định số 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, Quyết định số 188 thực chất là để thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020 của Thủ tướng Chính phủ để hướng đến hình thành mạng lưới hỗ trợ ĐMST quốc gia, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế, đặc biệt là người Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài. 

Theo Quyết định số 188, một số mục tiêu mới được đưa ra như: về việc hình thành mạng lưới hỗ trợ ĐMST quốc gia trên nền tảng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở miền Bắc, Trung, Nam đặc biệt là 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, sau đó lan tỏa ra các trường đại học và các địa phương khác.

Theo ông Phạm Hồng Quất, để triển khai quyết định này, Bộ KH&CN đã và đang đưa vào danh mục nhiệm vụ năm 2021 một số nhiệm vụ mới, trong đó có cả hoạt động truyền thông để thu hút các nguồn lực quốc tế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) đã ra đời được 5 năm, giai đoạn đầu đề án tập trung hỗ trợ thiết lập các nền tảng cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, từ việc hỗ trợ xây dựng các vườn ươm, rồi đến các trung tâm khởi nghiệp tại các trường đại học, địa phương, tổ chức sự kiện techfest hàng năm.

Với 5 năm đầu tiên, chúng ta có thể nhìn thấy những nền tảng, thành phần cơ bản rải rác khắp mọi nơi bước đầu được hình thành. Sau khi từng thực thể được hình thành, các vườn ươm, tổ chức hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh, starup, thì tiếp đến giai đoạn hiện nay chúng ta phải kết nối lại với nhau, thành mạng lưới mạnh mẽ, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy kết quả tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Việc sửa đổi QĐ 844 chính là đưa ra những nội dung mới để triển khai các bước tiếp theo của việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner