Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Liên hiệp, các hội văn học, nghệ thuật, hội khoa học-kỹ thuật và đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức cho biết.
Những kết quả đã đạt
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết thêm, KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hoá dầu, vật liệu, tự động hoá, nano, công nghệ tính toán, y học… được tăng cường. Hệ tri thức Việt số hoá được hình thành và phát triển. Hoạt động xúc tiến, hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, góp phần gia tăng số lượng các công bố quốc tế.
Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng được xây dựng và hoàn thiện, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia bước đầu hình thành. Các khu công nghệ cao đã góp phần thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và có những bước phát triển nhanh chóng, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và có tiềm năng tiếp cận thị trường toàn cầu.
Những đóng góp quan trọng của KHCN&ĐMST trong thành tựu phát triển chung của đất nước giai đoạn vừa qua được thể hiện qua các kết quả nổi bật sau:
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp nhất là Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn như: Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam; phục vụ nghiên cứu các xu thế mới của thế giới như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội 5.0...
Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Riêng trong năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam tăng 45% so với năm 2019.Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.
Khoa học công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%); KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa (trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi).
Hoạt động KH&CN liên tục đổi mới, đẩy mạnh, tham gia trong tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng…
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015);
Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020;
Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùngmức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia;
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt xấp xỉ 1 tỷ đô-la Mỹ liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn lực tài chính từ xã hội cho KH&CN tăng mạnh.Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Nếu như 10 năm trước đây kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.
Nghiên cứu KH&CN đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 (đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ trong một thời gian dài là nền tảng để các tổ chức nghiên cứu phát triển nhanh các sản phẩm như Test Kit, Vacxin, Robot tự hành, công nghệ truy vết...
Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực KH&CN phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (đạt 7,6 người/vạn dân), trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận.
Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Đóng góp của KHCN&ĐMST trong các ngành: Trong nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi,góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều nhân.
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông,hoạt động KHCN&ĐMST tiếp tục góp phần hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết được bài toán thay thế nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ,…
Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao rõ rệt chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam đã nằm trong tốp 3 nước ASEAN và 43 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin, rất thành công trong công tác phòng ngừa và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; làm chủ được các kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại ở trình độ cao như ghép tạng và đa tạng,… Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kit xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất robot, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, sản xuất vacxin.
Trong quốc phòng và an ninh quốc gia, đã thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. 85% vũ khí trang bị kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có nguồn gốc từ kết quả nghiên cứu trong nước, đáp ứng các yêu cầu tác chiến.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết thêm, mặc dù có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng thực trạng hoạt động KHCN&ĐMST còn có một số hạn chế như KH&CN chưa thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển KT-XH, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương chưa dựa trên cơ sở khoa học chuyên sâu, dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu tính khả thi. Một số nhiệm vụ nghiên cứu chưa bám sát yêu cầu sản xuất và đời sống.
Trình độ KH&CN quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng,… nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn.
Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển KH&CN và ứng dụng kết quả KH&CN vào sản xuất. Đặc biệt là các chính sách kinh tế (chính sách đầu tư, thuế, đấu thầu,…) đang cản trở sự hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.
Đầu tư cho KH&CN còn hạn chế; tỷ lệ chi cho KH&CN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập chưa cao. Hợp tác quốc tế chưa đi vào chiều sâu, thiếu trọng tâm, chưa chú trọng đến chuyển giao, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến.
Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ. Ở các địa phương, ngân sách đầu tư phát triển cho KH&CN còn được phân bổ, sử dụng chưa đúng mục đích; máy móc, trang thiết bị của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn nghèo nàn và lạc hậu, chưa được đầu tư, mua sắm kịp thời và đồng bộ.
Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm KH&CN trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Còn thiếu những cơ chế, chính sách thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Nhìn chung, các trung tâm dịch vụ KH&CN còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy dịch vụ môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ.
Hệ thống ĐMST quốc gia ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, các thành tố và các mối quan hệ giữa các thành tố trong hệ thống ĐMST quốc gia đang từng bước hoàn thiện và còn mờ nhạt. Hoạt động NC&PT trong khu vực doanh nghiệp còn hạn chế. Năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn rất thấp. Hoạt động đào tạo trong các trường đại học còn thiếu sự gắn kết với nghiên cứu khoa học. Thiếu gắn kết hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Chưa thiết kế được nhiều nhiệm vụ KH&CN có tầm vóc và phạm vi tác động sâu rộng liên ngành do đó mục tiêu cụ thể của một số chương trình KH&CN còn chưa đạt được như kỳ vọng, chưa tạo được kết quả, sản phẩm KH&CN thực sự mang tính đột phá.
Trình độ công nghệ nước ta còn thấp, hoạt động đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp chưa tích cực và hiệu quả.