Nhằm thúc đẩy hơn nữa, việc ứng dụng KH&CN trong việc phát triển nông nghiệp; vừa qua Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Vùng đã tổ chức hội thảo “Khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá”.
Bên lề hội thảo PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tất Khương – Giám đốc trung tâm nghiên cứu và Phát triển Vùng về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này.
PV: Xin ông cho biết tình hình ứng dụng KH&CN trong việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và những thành tựu nổi bật đạt được trong thời gian qua?
Từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, thiếu lương thực triền miên, đến nay nông nghiệp Việt Nam đã chuyển dần sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu điều, hồ tiêu, đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, cà phê…,
Thành tựu nổi bật nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là GDP nông nghiệp tăng tương đối ổn định qua các năm, đạt bình quân khoảng 4,2 – 4,5%/năm. Tổng sản phẩm nông nghiệp (giá 1994) năm 2000 đạt 63.717 tỷ đồng, tăng lên 76.888 tỷ đồng năm 2005 và 88.168 tỷ đồng năm 2009.
Đạt được thành tựu trên, luôn có vai trò tích cực của KHCN đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hương sản xuất hàng hoá, thể hiện rõ nét trong những điểm sau:
Thứ nhất: Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo, chuyển giao, ứng dụng thành công vào sản xuất: tỷ lệ giống mới trong nông nghiệp đạt từ 30- 80 % diện tích gieo trồng. Trong đó cao nhất là sản xuất lúa: 75 – 80%; ngô: 80% , Các giống đậu đỗ: 50 – 60% diện tích…
Thứ hai: Nhiều quy trình kĩ thuật canh tác mới, công nghệ tiên tiến như kĩ thuật thâm canh, kĩ thuật trồng cây trong nhà lưới, nhà kính, kĩ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất nông nghiệp tốt (Viet GAP) ... được nghiên cứu, áp dụng thành công đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tê.
kĩ thuật nhân giống vô tính như nuôi cấy mô tế bào, kĩ thuật giâm cành đã cung cầp hàng triệu cây giống chất lượng cao phục vụ cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây lâm nghiêp…
Thứ ba: Thực hiện cải tạo đàn giống gia súc như Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn đang đem lại những thay đổi lớn về chất lượng tổng đàn. Hiện nay đàn bò lai mới giống bò có u chiếm khoảng trên 75% so với tổng đàn. Đàn lợn lai 2 – 3 máu chiếm khoảng trên 80% so với tổng đàn.
Nhiều giống gia súc địa phương: bò vàng, gà Mông, lợn Móng Cái... được phục hồi, phát triển tạo nên những sản phẩm hàng hoá đặc sản, giá trị cao được thị trường quan tâm. Đặc biệt việc chuyển giao công nghệ về giống, nuôi thả, thức ăn và công nghệ chế biến thủy sản đã trở thành yếu tố quyết định đảm bảo lợi thế cạnh tranh của tôm, cá xuất khẩu ở thị trường Mỹ và EU.
Bước đầu hình thành các khu Nông nghiệp công nghệ cao được đưa vào sản xuất đã mang lại kết quả bước đầu như trồng hoa chất lượng cao, tạo giống sạch bệnh, gieo trồng trong nhà lưới, có kho mát bảo quản đóng gói… đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có số lượng lớn, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
PV: Còn những hạn chế nào cần khắc phục, thưa ông?
Đầu tiên phải nói đến là nềnsản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn tập trung; cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá; năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, sản lượng và chất lượng chưa ổn định, giá thành sản xuất cao, lợi thế cạnh tranh thấp.
Đặc biệt, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều cơ sở chế biến sâu, đa phần sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vẫn ở dạng nguyên liệu và bán thành phẩm. Và cuối cùng là công tác thông tin tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đặc biệt là thông tin KH&CN, thông tin về giá cả, thị trường tiêu thụ sản xuất.
Chăn nuôi Lợn siêu nạc tại Yên Bái (Nguồn:Hoàng Anh)
PV: Theo ông, để thúc đẩy hơn việc ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá thì cần chú trọng điều gì?
Để KH&CN được ứng dụng nhiều hơn nữa vào nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá thì chúng ta cần chú trọng một số vấn đề như: Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng vật nuôi, nghiên cứu ứng dụng quy trình công tiên tiến vào sản xuất. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, chọn tạo giống có chất lượng cao, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất hàng hóa nông sản.
Cần quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo vùng sinh thái như: vùng sản xuất lúa, vùng cây công nghiệp lâu năm. cây công nghiệp ngắn ngày, vùng rau, hoa, cây ăn quả..., để có thể sản xuất những sản phẩm hàng hoá với số lượng lớn, ổn định, có giá trị cao, có sức cạnh tranh lớn. Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến nông sản, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, đồng bộ, có khả năng chế biến sâu để nâng cao giá trị của sản phẩm chế biến,
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là thông tin KHCN, thông tin về giá cả, thị trường,thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến nhanh và gần với người nông dân .
Xin cảm ơn ông !