Một số nhà khoa học lớn tuổi cho rằng, không nên bắt những nhà khoa học trẻ phải chú ý nghiên cứu những công trình, đề tài quá cao, quá mới để rồi dang dở và không ứng dụng được trong thực tế.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Chương trình Vườn ươm - Sáng tạo KH&CN trẻ tổ chức tại Thành đoàn TP. HCM vừa qua, các nhà khoa học đã ngồi lại với nhau và phân tích cụ thể về những ưu, nhược điểm của chương trình này trong suốt một chặng đường dài vừa qua.
Các nhà khoa học đều nhất trí rằng chương trình Vườn Ươm giúp cho các nhà Khoa học trẻ tuổi có một kinh phí nhất định để thực hiện mơ ước nghiên cứu mà không phải ai cũng có cơ hội.
Tuy nhiên, PGS. TS Võ Thị Bạch Huệ, Giảng viên khoa Dược, ĐH Y Dược TP.HCM kể một câu chuyện rất đáng chú ý. Trong một lần PGS. TS Bạch Huệ vinh dự thuộc thành viên Hội đồng đánh giá đề tài khoa học Vườn Ươm, đề cương của đề tài lần đó là nhắm vào việc hướng nghiên cứu một vấn đề rất mới, dường như chưa ai nghiên cứu. Song, khi đọc những trang nội dung báo cáo, PGS. TS Bạch Huệ rất bất ngờ là trong nội dung báo cáo không nhấn mạnh đến những vấn đề quá mới như đề cập ở tên của đề cương.
Câu chuyện đó có thể thấy rằng, nhiều nhà khoa học trẻ tuổi khi đăng ký đề tài nghiên cứu thường “nhắm đến” mục tiêu rất cao, nghiên cứu trong phạm vi rộng và chưa ai từng làm. Chẳng hạn như hiện nay trong ngành dược, điều cần giải quyết là đa số nguyên liệu để bào chế tân dược - thậm chí những nguyên liệu rất thông thường - dân Việt Nam vẫn phải sử dụng nguyên liệu ngoại nhập để bào chế thuốc thành phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam. Nghĩa là không có nguyên liệu ngoại thì không thể nào có thành phẩm nội.
“Vấn đề đặt ra là tại sao không hướng thêm cho các nhà khoa học trẻ tuổi của chúng ta định hướng vào nghiên cứu những nguyên liệu thông thường đó, có thể lúc đầu giá thành sẽ cao hơn hàng ngoại nhập, nhưng khi đã biết thực hiện rồi thì các em sẽ tìm cách cải tiến cho tốt hơn, rẻ hơn, hiệu suất cao hơn”- PGS. TS Bạch Huệ thẳng thắn.
Các nhà khoa học trẻ tuổi – chủ nhiệm các đề tài dạng Vườn ươm - cũng có thể bắt đầu công trình nghiên cứu từ những sản phẩm cần thiết trong thực tế, giải quyết nhu cầu xã hội và mang thương hiệu “made in Vietnam”.
Đồng quan điểm với PGS. TS Bạch Huệ, TS, bác sỹ Trần Chí Cường, đến từ bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM chia sẻ, đến nay găng tay cao su dùng trong y tế Việt Nam cũng phải nhập khẩu từ Malaysia.
“Tại sao nước ta là nước xuất khẩu mủ cao su nhưng lại sử dụng một vật dụng từ cao su nhập ngoại. Một chuyện tưởng như nghịch lý mà lại có thật trong ngành y tế hiện nay. Các nhà khoa học chúng ta hãy bắt đầu từ những cái đơn giản như vậy” – bác sỹ Cường nhấn mạnh.
TS, bác sỹ Trần Chí Cường. Ảnh: Hà Thế An.
Trong khi đó, để tăng tính hiệu quả trong việc tuyển chọn đề tài, một số nhà khoa học nhất trí với hình thức “đấu thầu”. Theo PGS.TS Vũ Ngọc Bích, Trưởng phòng KH&CN, nghiên cứu và phát triển, trường ĐH giao thông vận tải TP.HCM, việc đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học theo hình thức “đấu thầu” có nhiều ưu điểm.
Cụ thể, sau khi công bố công khai danh mục các đề tài và mời các nhà nghiên cứu tham gia đăng ký xin thực hiện các đề tài, cơ quan chủ trì sẽ tổ chức đánh giá các hồ sơ đăng ký và chọn hồ sơ xứng đáng nhất để cấp kinh phí.
Với hình thức “đấu thầu” sẽ thật sự tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ có năng lực được tham gia chủ trì các đề tài trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách đầu tư cho khoa học.
“Đấu thầu công trình nghiên cứu, Hội đồng tuyển chọn sẽ chọn được nhóm nghiên cứu tốt nhất để cấp kinh phí thực hiện đề tài. Với hình thức này, chúng ta loại bỏ được cơ chế xin – cho trong quá trình đăng ký thực hiện đề tài”- TS Bích nói.