Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 19/04/2024 , 08:55 pm
Cập nhật : 01/09/2015 , 21:09(GMT +7)
Khoa học cần sự tập trung tư duy và kiên trì
PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp trong Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình trên con đường nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người vừa giành giải thưởng trẻ của giải thưởng Tạ Quang Bửu, vinh danh những nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học cơ bản đã cho biết như vậy.

Người Việt Nam trẻ nhất được phong hàm Phó giáo sư

Được biết đến như một nhà khoa học trẻ thành danh rất sớm khi mà mới ở tuổi 29 – lúc đó đang là giảng viên chuyên ngành toán (Đại học Sư phạm Hà Nội)- Phạm Hoàng Hiệp đã là người Việt nam trẻ nhất được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư (PGS).

Cho đến nay, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp đã đạt được khá nhiều thành công trên con đường nghiên cứu khoa học mà cụ thể là những công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Gần đây nhất, công trình “Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc” của anh đã được xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ có nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Công trình này đã đưa ra một số kết quả cơ bản của đại số địa phương đã và sẽ có những ứng dụng quan trọng trong giải tích và hình học phức. Công trình đã được đăng tải trên Tạp chí Toán học Acta Mathematica là một trong năm tạp chí Toán học đỉnh cao và kinh điển nhất của các tạp chí Toán học trên Thế giới.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp còn có một số công trình nghiên cứu khoa học tầm thế giới như: Nghiên cứu phương trình Monge-Ampere trên miền siêu lồi cho độ đo không triệt tiêu trên tập đa cực xuất bản ở trên 2 tạp chí Transactions of the American Mathematical Society và Journal de Mathematiques Pures et Appliquees ; Mối liên hệ giữa tính khả tích mũ của hàm đa điều hoà dưới và Monge-Ampere của nó, xuất bản ở tạp chí Advances in Mathematics…

Có thể với nhiều người, những thông tin trên thật lờ mờ và quá xa vời khiến nhiều người cho rằng, Toán học khô khan, thậm chí là vô bổ. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp rất tâm huyết khi nói về khoa học cơ bản, nhất là lĩnh vực Toán học của mình. Anh cho biết, khoa học cơ bản là rất quan trọng giúp nâng tầm hiểu biết của con người về thế giới vật chất khách quan cũng như giúp con người những định hướng phát triển trong tương lai. Trong lịch sử của con người, khoa học cơ bản và ứng dụng đã đồng thời phát triển, là động lực của nhau, cùng hỗ trợ lẫn nhau.

Cả hai đều có những vai trò riêng như khoa học cơ bản giúp con người hiểu biết về quy luật của thế giới vật chất để từ đó khoa học ứng dụng tìm ra những ứng dụng thực tế vào cuộc sống của con người. Đồng thời khoa học cơ bản đóng góp rất lớn vào nền giáo dục giúp con người hiểu biết về các lĩnh vực khoa học một cách sâu sắc và có hệ thống.
Chúng ta nói cụ thể về một lĩnh vực như Toán học. Toán học đã mô tả thế giới hiện thực bằng những con số, những mô hình trong Toán học. Toán học giúp chúng ta nhận thức về thế giới vật chất từ đơn giản đến phức tạp một cách chính xác và logic. Như chúng ta đã biết quỹ đạo của vật thể trong không gian là các đường cong  được mô tả bởi các phương trình Toán học.

Bí quyết thành công: Đam mê+ kiên trì

Chia sẻ về bí quyết thành công, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp cho rằng: Là những người còn trẻ tuổi, chúng ta phải hiểu rằng làm bất cứ một vấn đề gì để đạt được thành công đều phải có niềm đam mê, nhiệt huyết về vấn đề đó. Hơn nữa khoa học luôn yêu cầu chúng ta phải tập trung tư duy và sự kiên trì, nhẫn lại. Chúng ta cố gắng giải quyết các vấn đề khoa học đơn giản trước để tạo sự hứng thú, niềm đam mê tiếp tục giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp. Do điều kiện lịch sử, nền khoa học cơ bản và ứng dụng của các nước phát triển đã có từ lâu, với nhiều thành tựu và được ứng dụng vào đời sống phục vụ con người.

PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp

Chúng ta đã hội nhập, kế thừa và phát triển những thành tựu khoa học cơ bản và ứng dụng của thế giới. Vì vậy, chúng ta cần phải học tập, trau dồi ngoại ngữ  để có thể tiếp cận các kiến thức khoa học của cộng đồng quốc tế để từ đó tiếp thu kho tàng tri thức của thế giới.

Trong quá trình học tập, nghiên cứu, chúng ta nên thường xuyên tham các seminar khoa học đề cùng nhau trao đổi những kiến thức mới. Chúng ta chủ động, tích cực tự đọc tài liệu khoa học nắm vững những kết quả quan trọng, đồng thời cập nhật những kết quả nghiên cứu mới trên thế giới, trau dồi khả năng ngoại ngữ để khi có cơ hội chúng ta có thể phát huy được hết khả năng của mình.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp, hiện nay, cơ chế và chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng đã có nhiều đổi mới, thông thoáng. Anh cho biết, cá nhân anh cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Bộ KH&CN mà cụ thể là tài trợ chương trình phát triển một nhóm nghiên cứu gồm các thành viên là các giảng viên ở các trường Đại học về giải tích và hình học. Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản về khoa học đã rất quan tâm đến các nhà khoa học trẻ, thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ cho rất nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học với cơ chế thông thoáng cho các nhà khoa học.

Được biết, dự định sắp tới của PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp là nghiên cứu một số vấn đề, câu hỏi mở trong Toán học, đồng thời xây dựng một nhóm nghiên cứu gồm các em sinh viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học. Mục tiêu lâu dài của nhà khoa học trẻ này là tiếp tục cống hiến cho khoa học và giáo dục như phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ Toán học để góp phần xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu, các giảng viên trẻ ở các viện và trường Đại học.

Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner