Theo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành công bố mới đây, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Tuy vậy, công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sau 6 năm thực thi luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đi vào thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá giảm không đáng kể. Người dân có nhận thức về tác hại nhưng vẫn hút thuốc tại các cơ sở vui chơi giải trí, bệnh viện, nơi đông người.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, tỷ lệ người hút thuốc giảm chậm do giá thuốc lá rẻ. Những năm qua, giá thuốc lá hầu như không tăng. Sản phẩm được bán ở quầy tạp hóa, hàng rong, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi, bán lưu động trên phố, quán nước vỉa hè... Thuốc lá trở nên dễ tiếp cận với cả nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên.
Theo đánh giá của Bộ Y tế sau 6 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, mặc dù hầu hết các cấp chính quyền các địa phương đã có trách nhiệm triển khai luật, thành lập ban chỉ đạo (BCĐ), phân công, phân nhiệm từng thành viên tổ chức thực hiện, tuy nhiên hoạt động của BCĐ đa phần còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Hoạt động của BCĐ chủ yếu do thành viên thường trực của ban là Sở Y tế thực hiện, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên của BCĐ để triển khai các hoạt động PCTHTL lá nên chưa mang lại hiệu quả cao. Trong khi các hoạt động PCTHTL là hoạt động lĩnh vực y tế công cộng, cần có sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể; cần sự vào cuộc chủ động của các đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động, phối hợp tích cực với ngành Y tế để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ số, mô hình đề ra.
Một trong những khó khăn cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá là tình trạng bày bán tràn lan thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là tại quán cà phê, nhà hàng và các địa điểm vui chơi khác. Hành vi vi phạm quy định trưng bày thuốc lá diễn ra phổ biến tại các điểm bán lẻ.
Theo điều tra mới đây của Trường Đại học Y tế công cộng, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thu hút người sử dụng. Tình trạng trên gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta.
Trong khi đó, các nước khác kiểm soát việc bán thuốc lá khá chặt chẽ, có quy định cụ thể nơi được bán thuốc, người bán cũng chấp hành nghiêm quy định về bày bán số lượng thuốc lá, quy định về việc bán thuốc lá theo độ tuổi…
Bên cạnh đó, kế hoạch PCTHTL của các địa phương chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn, hưởng ứng ngày Thế giới không khói thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc nên các hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; các kế hoạch được xây dựng chưa chú trọng vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, chưa có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình ở từng năm, giai đoạn. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm pháp luật chưa đồng bộ, chặt chẽ, chưa thanh tra, kiểm tra các quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút, chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhân dân trong công tác PCTHTL.
Về kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho các hoạt động PCTHTL tại các địa phương rất hạn hẹp, thậm chí không bố trí kinh phí cho hoạt động này; không có kinh phí hỗ trợ cho các cán bộ trực tiếp triển khai các hoạt động PCTHTL tại các đơn vị, địa phương, tất cả đều kiêm nhiệm. Do vậy, không động viên, thu hút cán bộ, nhân viên, cộng tác viên tham gia tích cực, hiệu quả đối với công tác PCTHTL trên từng địa bàn.
Tin: Đăng Minh