16 công trình/cụm công trình vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần này là những công trình, cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN và thực tiễn. Xung quanh sự kiện trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Huấn, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ KH&CN.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 5?
Ông Đặng Quang Huấn: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý thuộc lĩnh vực KH&CN do Đảng và Nhà nước xét để trao tặng cho tác giả/đồng tác giả có công trình/ cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN và thực tiễn.
Giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học đã cống hiến cho nền khoa học nước nhà; có tác động tích cực để khích lệ các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, sáng tạo khoa học, xây dựng các nhóm nghiên cứu, tạo niềm tin, nghị lực và cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Các giải thưởng đã được trao tặng giúp cộng đồng khoa học trong nước và thế giới thấy được diện mạo của nền KH&CN Việt Nam.
PV: Thưa ông, nhiều doanh nghiệp trong nước, liên doanh nước ngoài có nghiên cứu áp dụng tiến bộ KH&CN có giá trị nhưng tại sao họ không "mặn mà" tham gia giải thưởng?
Ông Đặng Quang Huấn: Theo quy định của Nghị định 78/2014/NĐ-CP ngày 30.7.2014 về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN khuyến khích các nhà khoa học tham gia thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nghị định này cũng quy định rõ, tác giả, đồng tác giả có công trình, cụm công trình KH&CN (công trình nghiên cứu KH&CN; công trình nghiên cứu phát triển công nghệ và công trình ứng dụng KH&CN) phải được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam. Như vậy, quy định pháp luật không giới hạn các đối tượng tham gia các giải thưởng này.
Trên thực tế, đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng từ các tác giả thuộc khối doanh nghiệp như: Công ty TNHH Minh Long I (tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Long An), Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC,TP Hà Nội)...
PV: Ông có thể chia sẻ với độc giả về số lượng những công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng trong đợt 5 này?
Ông Đặng Quang Huấn: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 có tổng số 102 công trình/cụm công trình KH&CN (công trình KH&CN) được Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng (bao gồm 7 công trình Mật). Trong đó: có 32 công trình KH&CN đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 70 công trình KH&CN đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước, 89 công trình/cụm công trình được đề nghị từ 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và có 13 công trình/cụm công trình được đề nghị từ 07 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
PV: Ông có thể cho biết những quyền lợi, trách nhiệm của tác giả, nhóm tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN?
Ông Đặng Quang Huấn: Tác giả, đồng tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được hưởng rất các quyền lợi như sau: Được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Bên cạnh đó, tác giả, đồng tác giả được nhận tiền thưởng từ ngân sách nhà nước, cụ thể: Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN nhận số tiền thưởng tương đương 270 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng. Hiện tại, mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng thì tương đương với số tiền thưởng là 326.700.000 đồng; Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng. Hiện tại, mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng thì tương đương với số tiền thưởng là 205.700.000 đồng.
Ngoài ra, tác giả, đồng tác giả được tham dự Lễ trao giải thưởng và được hưởng các quyền lợi khác có liên quan đến Giải thưởng.
Bên cạnh việc được hưởng các quyền lợi nêu trên thì tác giả, đồng tác giả cũng phải có trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng. Trường hợp bị phát hiện không trung thực về hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng thì tác giả công trình sẽ bị huỷ bỏ quyết định tặng giải thưởng, thu hồi Bằng chứng nhận và tiền thưởng; tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Ánh Tuyết – Nguyễn Hạnh (lược ghi)