Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 03/11/2024 , 02:18 am
Cập nhật : 12/01/2017 , 14:01(GMT +7)
Khi lựa chọn hướng nghiên cứu, nhà khoa học phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết
GS.TSKH Thân Đức Hiền đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh
Xây dựng thành công một tập thể khoa học mạnh, công bố trên 80 bài báo quốc tế ở thập niên 1980-2000, mở ra hướng nghiên cứu lâu dài và thiết thực về khoa học vật liệu, cụm công trình nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm-kim loại chuyển tiếp đã vinh dự được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5.

Nhân dịp cụm công trình được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, phóng viên đã có dịp trò chuyện cùng tác giả.

PV: - Xin chúc mừng Giáo sư! Được biết công trình mà Giáo sư là trưởng nhóm đã được thực hiện ở thời điểm kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn, vậy do đâu mà Giáo sư và các đồng nghiệp có kết quả ấn tượng như vậy?

GS.TSKH. Thân Đức Hiền: - Có được kết quả ấy, một phần là do các trường đại học của Hà Lan giúp đỡ, nhưng một phần chính là tinh thần và nỗ lực của cả nhóm. Thời điểm đó, ý thức nghiên cứu rất cao. Tinh thần làm việc và quyết tâm đạt mục tiêu cũng rất cao. Anh em trong nhóm, lúc đó nhiều tuổi nhất là tôi cũng mới bước qua ngưỡng 40, còn hầu hết chỉ trên dưới 30 tuổi. Anh em với tinh thần đoàn kết, sống có lý tưởng và hoài bão, làm việc hết mình và lấy đó làm nhiệm vụ cho mình. Ngoài ra, nhóm còn nhận được sự trợ giúp của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ đó, cụm công trình đã hoàn thành cả 3 mục tiêu về nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng và đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao.

Về cách thức làm việc, chúng tôi giác ngộ sâu sắc là, muốn nghiên cứu khoa học có hiệu quả phải làm việc theo nhóm; có cán bộ đầu đàn để dẫn dắt nhưng cũng không thể thiếu các cộng tác viên phối hợp. Chúng tôi áp dụng mô hình làm việc theo hình tháp: sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ trẻ, cán bộ có kinh nghiệm (là GS, PGS hay TS). Thầy giáo giỏi có học trò nối tiếp thì mới tạo ra đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn và hiệu quả công việc sẽ cao.

PV: - Thập niên 1980-2000, đất nước ta còn nhiều khó khăn. Nhóm nghiên cứu đã gặp những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?

GS.TSKH. Thân Đức Hiền: Nghĩ lại thấy thời kỳ đó, quả thật là rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là khó khăn chung bởi đất nước ta mới được thống nhất. Tuy chúng tôi có thuận lợi hơn một số nhóm nghiên cứu khác là được các trường đại học của Hà Lan giúp đỡ, hỗ trợ nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, nguồn điện thiếu để tiến hành thí nghiệm (nhiều thí nghiệm cứ phải làm đi làm lại vì đang làm dở thì mất điện), thiếu thông tin khoa học để nghiên cứu sâu, đời sống anh em khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn đó, anh em trong nhóm đều cố gắng tận dụng những gì đang có, nhất là những chuyến công tác ngắn hạn tại Hà Lan.

Thời kỳ đó còn có khó khăn nữa, đó là thủ tục hành chính rất phức tạp. Thập niên 1980 đi công tác, đón tiếp và trao đổi với khách nước ngoài không hề đơn giản. Bây giờ, thế hệ học trò của  chúng  tôi, những nhà khoa học trẻ đang làm việc tại các trường đại học, thuận lợi hơn nhiều trong công tác  nghiên cứu khoa học.

GS.TSKH Thân Đức Hiền luôn quan tâm đến thế hệ nhà khoa học trẻ.

PV: - Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, tại sao Giáo sư lại chọn hướng nghiên cứu về kim loại đất hiếm và tại sao lại chọn Hà Lan để hợp tác?

GS.TSKH. Thân Đức Hiền: Thật ra khi lựa chọn một hướng nghiên cứu nào đó, nhà khoa học phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Việt Nam rất giàu tiềm năng về đất hiếm nên nghiên cứu này sẽ mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng quý giá này cho phát triển. Một trong những định hướng của nhóm là nghiên cứu chế tạo nam châm đất hiếm có cường độ mạnh nhằm giảm thiểu kích thước của thiết bị đồng thời tăng tính năng sử dụng của thiết bị đó. Ý nghĩ làm sao khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm vốn rất dồi dào ở Việt Nam đã thôi thúc cả nhóm tìm cách để có được thiết bị nghiên cứu cần thiết, có tài liệu để đọc và từ đó thực hiện những nghiên cứu tầm quốc tế.

Việc chọn Hà Lan để hợp tác là quyết định của GS. Tạ Quang Bửu. Hà Lan là một trong số ít quốc gia có ngành vật lý nhiệt độ thấp phát triển. Hà Lan có Phòng thí nghiệm ở Leiden nổi tiếng thế giới về nghiên cứu vật lý nhiệt độ thấp. Hà Lan cũng nổi tiếng vì có Giáo sư Kamerlingh-Onnes, người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công hóa lỏng hêli và phát hiện ra khả năng siêu dẫn ở thủy ngân và nhờ đó, giành Giải thưởng Nobel về Vật lý. Ngoài ra, các giáo sư ở Trường Đại học Tổng hợp Amsterdam, nơi sau này chúng tôi trực tiếp hợp tác, rất quan tâm và phối hợp với chúng tôi thực hiện đề tài mà chúng tôi đề xuất.

PV: - Cho đến thời điểm này, sau hơn 20 năm nghiên cứu về hợp chất chứa đất hiếm, chế tạo nam châm, Giáo sư phát biểu gì về kết quả của công trình?

GS.TSKH. Thân Đức Hiền: Về nghiên cứu cơ bản, kết quả được thể hiện bằng công bố quốc tế và trong nước. Năm 1981, sau khi hóa lỏng được hêli, chúng tôi tiến hành nghiên cứu hợp kim từ liên kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp đầu tiên ở nhiệt độ thấp (4,2K) trong từ trường cuộn dây siêu dẫn (6T). Kết quả nghiên cứu do các cán bô phòng thí nghiệm ở trong nước thực hiện đã được trình bầy ở hội nghị quốc tế về nhiệt độ thấp tại Mỹ. Sau đó, báo cáo đã được đăng trong tạp chí Vật lý quốc tế. Điều đo khích lệ anh em trong nhóm phấn đấu và tin tưởng vào công việc mình đang làm, tạo tiền đề cho một loạt công bố sau này.

Cụm công trình có 80 bài báo trên các tạp chí khoai học quốc tế có uy tín thuộc hệ thống ISI, Scopus. Chúng tôi  lựa chon 50 bài báo để đăng ký xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt này. Tổng số trích dẫn 50 công bố này tính đến năm 2015 là 1.008 lần (nguồn Scopus), tính trung bình 20 lần/bài, bằng số trích dẫn trung bình cùa các bài ở các phòng thí nghiệm trên thế giới. Số lượng trích dẫn như vậy cũng chứng tỏ những vấn đề mà nhóm nghiên cứu là đúng và đã được các phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm. Đây cũng là thành tích quan trọng của khoa học Việt Nam ở thời kỳ 1980-2000, khi mà công bố quốc tế chưa được khoa học trong nước quan tâm nhiều.

Về định hướng ứng dụng, cụm công trình đã làm chủ được công nghệ chế  tạo nam châm đất hiếm chất lượng cao. Các nam châm chế taọ  đã được ứng dụng trong nhiều thiết bị ở trong nước với kết quả tốt. Nhưng có lẽ, kết quả quan trọng nhất mà công trình đạt được là đã tạo ra một tập thể khoa học mạnh với những nhóm nghiên cứu mạnh.

Nhờ tham gia công trình, nhiều nhà khoa học đã có công trình công bố trong nước và quốc tế, từ đó được công nhận là PGS và GS, như  GS.TSKH Nguyễn Phú Thùy, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương, GS.TS Nguyễn Huy Sinh, GS.TS Lưu Tuấn Tài, PGS Nguyễn Thế Hiện,.. Nhiều cán bộ khoa học ấy đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan đào tạo lớn của quốc gia, vẫn tiếp tục tham gia đào tạo những nhà khoa học trẻ. Ví dụ như cô Nguyễn Thị Kim Anh - người trẻ nhất trong nhóm nghiên cứu, giờ đã là PGS.TS và đang giảng dạy tại Trường Đại học quốc gia Hà Nội, không ngừng say mê với sự nghiệp đào tạo của khoa học nước nhà. Nói như GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, hầu hết những nhà khoa học tham gia cụm công trình đến nay“đã già” nhưng “đang có một đội ngũ trẻ kế cận và không ngừng lớn mạnh, làm việc có hiệu quả tại Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội”.

PV: - Chân thành cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ.


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner