Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 hướng tới một số mục tiêu đầy tham vọng, như hình thành 30 tổ chức KH&CN đẳng cấp khu vực và thế giới vào năm 2015, huy động tổng đầu tư xã hội vào KH&CN đạt 1,5% GDP vào 2015 và 2% GDP vào 2020, giá trị giao dịch trên thị trường KH&CN tăng 15-17%/năm. Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Tia Sáng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải lý giải những thách thức và giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược đề ra.
Xin Thứ trưởng cho biết từ khi Chiến lược Phát triển KH&CN 2011-2020 ra đời đến nay, công tác thực hiện Chiến lược đã được triển khai tập trung vào những mục tiêu trọng tâm nào?
Trong thời gian qua, những quan điểm, cơ chế, chính sách đề ra trong Chiến lược Phát triển KH&CN 2011-2020 đã được thể chế hóa vào Nghị quyết Trung ương 20, Luật KH&CN, và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, chúng ta đã xây dựng các đề án, kế hoạch thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong Chiến lược, bao gồm các mục tiêu định tính và định lượng. Trong đó, tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: 1. Quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động KH&CN trong những năm tới; 2. Đào tạo sử dụng đội ngũ nhân lực KH&CN, trong đó chú trọng sử dụng và đãi ngộ nhân tài; 3. Tập trung vào nguồn lực quốc gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN tầm quốc gia, có tính chất đột phá nhằm nâng cao năng lực KH&CN và giải quyết những vấn đề trọng yếu phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất cả các nhiệm vụ trên phải hoàn thành trong năm 2013, trước khi Luật KH&CN sửa đổi có hiệu lực.
Việc huy động tổng đầu tư xã hội vào KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và 2% vào năm 2020 –là một mục tiêu quan trọng, đồng thời cũng tạo điều kiện để thực hiện thành công các mục tiêu khác trong Chiến lược. Vậy chúng ta sẽ thực hiện mục tiêu này ra sao?
Chỉ tiêu đầu tư xã hội cho KH&CN là một mục tiêu quan trọng, đồng thời có sự liên quan mật thiết tới việc thực hiện các mục tiêu khác của Chiến lược. Hiện nay, tổng nguồn chi cho KH&CN của xã hội đạt khoảng 0,8-1% GDP, trong đó có 2% Ngân sách Nhà nước tương đương 0,5% GDP. Như vậy, trong thời gian tới, Nhà nước và toàn thể xã hội sẽ cần nhiều nỗ lực hơn. Trong thời gian tới chúng ta cần tích cực triển khai thực hiện quy định mới của Luật KH&CN sửa đổi. Về đầu tư công cần thực hiện theo Điều 46, quy định các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách Nhà nước phải có hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu phát triển phục vụ xây dựng luận cứ khoa học về giải quyết vấn đề khoa học và công nghệ trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đồng thời phải được thẩm định về khoa học và công nghệ trước khi phê duyệt. Về đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho KH&CN, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN thông qua các cơ chế ưu đãi như ưu đãi về thuế và tín dụng. Bên cạnh đó, chúng ta cần thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
Trong vấn đề phát triển thị trường KH&CN, Chiến lược đã đặt ra mục tiêu cụ thể là giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng 15-17%/năm. Giải pháp nào sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu này?
Hiện nay Bộ KH&CN đã chủ trì xây dựng Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 trình Thủ tướng ký quyết định ban hành. Trong chương trình này đặt ra 3 nhiệm vụ chính là: 1. Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thị trường KH&CN; 2. Thúc đẩy hình thành và phát triển các định chế trung gian phục vụ phát triển thị trường KH&CN như dịch vụ đánh giá, định giá, sở hữu trí tuệ, tư vấn; ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; 3. Thúc đẩy cung cầu công nghệ, nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ. Từng mục tiêu trên đều kèm theo những chính sách, giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, thị trường KH&CN sẽ không thể vận hành tốt nếu các tổ chức KH&CN thiếu năng lực trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hiện nay Chiến lược đã đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ hình thành 30 tổ chức KH&CN đẳng cấp khu vực và thế giới vào năm 2015. Chúng ta cần bắt đầu từ đâu để làm được điều này?
Thực tế ở nước ta đã hình thành được những tổ chức như vậy trong một số ngành, lĩnh vực trọng tâm như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y dược, nghiên cứu cơ bản và một số lĩnh vực khác. Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều tra rà soát đánh giá hiện trạng của các tổ chức này và sẽ xây dựng kế hoạch (trong quy hoạch tổng thể hệ thống tổ chức KH&CN công lập) thực hiện mục tiêu nêu trên. Kế hoạch này sẽ bao gồm cả việc sắp xếp lại, tập trung đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực. Giao một số nhiệm vụ KH&CN trọng điểm để đáp ứng trình độ, tiêu chí, chuẩn mực quốc tế.
Việc sắp xếp lại và tập trung đầu tư nguồn lực KH&CN nói trên tại các địa phương sẽ được tiến hành trên cơ sở nào?
Trong quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN và quy hoạch nhân lực KH&CN phải đảm bảo có sự phân bổ và liên kết hợp lý giữa quốc gia, vùng miền nhằm phát huy các lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước và các địa phương. Trên cơ sở xác định nhiều sản phẩm quốc gia, công tác đầu tư cho KH&CN sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Phải xây dựng năng lực KH&CN của mỗi tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí: vừa đáp ứng yêu cầu bức thiết của địa phương, nhưng không dàn trải; đồng thời tập trung vào một số sản phẩm chủ lực. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, việc liên kết giữa Trung ương và vùng, giữa vùng với vùng, được thuận lợi hơn lúc nào hết.
Có ý kiến cho rằng chúng ta không nên dành quá nhiều kinh phí KH&CN của Nhà nước cho các địa phương vì năng lực nghiên cứu của họ rất hạn chế, do đa số nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao trên cả nước tập trung nhiều ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng đánh giá quan điểm này như thế nào?
Đúng là hiện nay đang tồn tại tình trạng mất cân đối về phân bổ nguồn lực KH&CN – bao gồm cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực – giữa các trung tâm lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các địa phương. Nhưng tôi không tán đồng với ý kiến cho rằng chúng ta chi quá nhiều kinh phí KH&CN cho các địa phương. Thực tế là chi như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi còn tồn tại tình trạng sử dụng kinh phí KH&CN sai mục đích ở nhiều địa phương. Chúng ta không vì thế mà cắt giảm kinh phí KH&CN của các địa phương, mà thay vào đó cần hướng dẫn, chỉ đạo mỗi địa phương xác định đúng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KH&CN của địa phương mình phù hợp với mục tiêu của Chiến lược, từ đó có kế hoạch bố trí kinh phí và nguồn lực một cách tập trung, hợp lý cho từng nhiệm vụ, theo từng giai đoạn.
Một thực tế không thể phủ nhận là trong khi một số ít địa phương chú trọng thì đa số địa phương chưa thực sự đánh giá vai trò của KH&CN nên chưa quan tâm từ khâu bố trí cán bộ có đủ năng lực thẩm quyền đến việc tổ chức bộ máy, đầu tư nguồn lực. Đây là một trong những điểm nghẽn lớn làm kìm hãm sự phát triển KH&CN của địa phương cần phải khắc phục.
Xin Thứ trưởng cho biết nếu nhìn nhận một cách tổng thể thì những thách thức nào là cơ bản nhất mà chúng ta cần vượt qua để thực hiện Chiến lược thành công?
Chúng ta phải khẩn trương hành động để tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế. Trong đó, việc xây dựng môi trường sáng tạo, dân chủ kết hợp với chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt là nhân tài KH&CN, vẫn là một nhiệm vụ đang gặp nhiều trở ngại, nhưng lại là khâu then chốt nhất vì giới khoa học là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong thực hiện Chiến lược. Hiện nay Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị định về phát triển nhân lực KH&CN cùng với một số nghị định khác để hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN 2013, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng số một trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, dù các chính sách và pháp luật của Nhà nước có hoàn thiện đến đâu chăng nữa nhưng sẽ không thể đi vào cuộc sống nếu thiếu một nền hành chính minh bạch, có đủ hiệu lực, và hoạt động hiệu quả. Xét từ logic đó, sự thống nhất, đồng bộ là điều kiện quan trọng nhất và cũng là thách thức lớn nhất để thực hiện thành công Chiến lược.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.