Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 01:11 pm
Cập nhật : 12/01/2018 , 14:01(GMT +7)
Kể chuyện lịch sử bằng công nghệ
Ngói úp nóc trang trí rồng, phượng thời Lý thế kỷ 11-12
Khu trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" được xem là Bảo tàng Khảo cổ học đầu tiên tại Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện. Đây là một bảo tàng sống động, hiện đang được ứng dụng những công nghệ trình chiếu hiện đại, khiến người xem có cảm giác như là ngược dòng thời gian hơn chục thế kỷ trước về với đất nước Đại Việt cổ xưa.

Trưng bày theo kịch bản

Dưới lòng đất Nhà Quốc hội, các nhà khảo cổ học đã có những khám phá mới mẻ các hiện vật từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê. Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2008 tại đây đã phát hiện 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ được tìm thấy,  góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1300 năm lịch sử. Đồng thời minh chứng rõ, khu vực xây dựng toà Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam của khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Để tạo nên sự kết nối hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, và để toà Nhà Quốc hội thực sự hoá thân vào tiến trình lịch sử vinh quang của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương dành một phần diện tích dưới tầng hầm của toà nhà để làm nơi trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất toà Nhà Quốc hội nhằm tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng trong việc quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.

Theo đó, tại văn bản số 855/TTg-KTN ngày 25/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện Khoa học xã hội Việt Nam nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Dự án "Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội". Sau gần 5 năm tổ chức thực hiện (2012-2017), Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã hoàn thành Dự án.

Với diện tích gần 1.700m2, tầng hầm dưới lòng đất của tòa Nhà Quốc hội là không gian trưng bày những di tích, di vật Thăng Long. Nét mới và mang tính đột phá của Khu Trưng bày là đưa ra giải pháp công nghệ trình chiếu hệ thống đèn cột chiếu sáng minh hoạ hình ảnh 42 cột gỗ của công trình kiến trúc cung điện thời Lý cùng hệ thống tủ trưng bày di vật trong lòng di tích và media trình chiếu ngay trong các không gian của di tích; nghiên cứu xây dựng nội dung, kịch bản trình chiếu Mapping về hình thái tường bao của kiến trúc thời Lý rất sống động bằng công nghệ 3D; phỏng dựng mô hình tháp Phật giáo và trưng bày hiện vật liên quan đến tôn giáo trong tủ kính, bên trên chiếu Media giới thiệu vua Trần Nhân Tông qua bức tranh "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ" tạo sống động và ấn tượng cho không gian trưng bày.

Bức tranh “Rồng bay” được ghép từ gạch tìm thấy tại khu khai quật

Dự án đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu để có cơ sở phục dựng lại hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý bằng công nghệ 3D. Dự án còn xây dựng thành công 7 phim trình chiếu tại các không gian trưng bày tại 2 Tầng hầm.

PGS.TS. Bùi Minh Trí, Chủ nhiệm Dự án trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã kể lại về những tâm huyết của ông cũng như của Viện Nghiên cứu Kinh thành, các đơn vị hỗ trợ đối với dự án. PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết, mục tiêu của Dự án là làm sao đưa lại một hình ảnh mới cho tòa Nhà Quốc hội để tòa Nhà Quốc hội hóa thân vào tiến trình lịch sử vinh quang của dân tộc, từ thời Thăng Long đến ngày hôm nay. 

“Chính từ ý tưởng xuyên suốt đó đòi hỏi các nhà khoa học như chúng tôi phải nghiên cứu để làm sao giải mã được những giá trị khoa học của phát hiện khảo cổ học. Nếu hiện vật đẹp hiện vật quý thì tôn vinh rất nhanh nhưng ở đây là trưng bày về khảo cổ học mà đó là hiện vật từ những mảnh vỡ, những dấu tích nhưng tại sao nó lại sống được? Đó là sắp xếp trưng bày hiện vật theo những kịch bản trưng bày và kể lại những câu chuyện liên quan đến hiện vật đó”, PGS.TS. Bùi Minh Trí cho hay.

Ông Trí cũng đã đưa ra ví dụ sinh động tại khu trưng bày, từ cái cóng đồ đựng thức ăn cho chim, một di vật được tìm thấy trong quá trình khai quật. Chỉ từ cái cóng này các nhà khảo cổ đã sáng tác, tạo ra góc trưng bày vừa có cái cóng vừa có lồng chim vừa nghe được tiếng chim hót và thấy chim bay nhảy trong lồng. Đó là giải pháp công nghệ hologram, đưa lồng chim treo vào không gian trưng bày, trình chiếu chim bằng công nghệ hologram trong lồng chim đó để người xem cảm nhận sâu hơn về thú chơi chim cảnh trong hoàng cung Thăng Long xưa. Như vậy, có thể thấy KH&CN hiện đại, kỹ xảo âm thanh, hình ảnh, những câu chuyện về lịch sử, câu chuyện về khảo cổ dường như rất khó kể nhưng đã được kể rất hay và vô cùng sống động. 

“Người ta nghĩ rằng làm bảo tàng là có hiện vật cứ thế là bày ra cho người dân xem tức là không cần kịch bản mà là bày đồ cổ. Thế nhưng ở đây với một tư duy mới là trưng bày bảo tàng phải tổ chức kịch bản. Kịch bản đó là những ý tưởng để diễn giải câu chuyện mà mình muốn nói. Một bảo tàng thành công hay không là chúng ta chuẩn bị tốt kịch bản đó không. Trưng bày ở tầng hầm Nhà Quốc hội đã đạt được một kịch bản khá là hoàn hảo để tạo ra một sự hấp dẫn”, PGS.TS. Bùi Minh Trí chia sẻ.

Khi hỏi PGS.TS. Bùi Minh Trí về điểm nhấn mà ông tâm đắc nhất tại khu trưng bày, ông bày tỏ: Nhiều người xem trưng bày nghĩ rằng thành công của trưng bày này chính là công nghệ. Nhưng theo tôi công nghệ là cái cớ để diễn giải nội dung khoa học và làm sống động hóa nội dung khoa học, còn thành công chính của trưng bày chính là khoa học. 

Đồ chơi dân gian thời Tiền Thăng Long thế kỷ 8-10

“Chúng tôi mong muốn thông qua bảo tàng này thì sẽ mang lại một hình ảnh mới, niềm tự hào mới cho đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Những giá trị của khảo cổ học không chỉ còn cất trong ngăn tủ của các nhà khoa học mà nó sẽ tiếp cận gần hơn với công chúng và trả lại đúng giá trị đó cho công chúng đó cũng là niềm hạnh phúc và ước mơ của các nhà khoa học”, PGS.TS. Bùi Minh Trí nhấn mạnh.

Đến hiện vật cũng có “hồn”

Để thực hiện Dự án nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng như các nhà nghiên cứu đã mất đến 5 năm, tạo nên Khu Trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội có nội dung trưng bày đẹp mắt và công phu. Đến nay, Trưng bày đã đón tiếp 13.780 khách tham quan với 315 đoàn khách trong nước và quốc tế. Theo đánh giá của các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, đây là một bảo tàng độc đáo nhất ở nước ta hiện nay và là bảo tàng hiện đại hàng đầu ở châu Á và trên thế giới. 

Dự án này không chỉ đem lại một hình ảnh mới, đầy tính sáng tạo cho tòa Nhà Quốc hội Việt Nam, tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống, góp phần quan trọng trong việc minh chứng qui mô lớn rộng của khu Di sản Văn hóa thế giới - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đồng thời phục vụ thiết thực cho công tác quảng bá giá trị di sản, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông chính là vị khách danh dự đầu tiên chiêm ngưỡng không gian trưng bày đã không giấu nổi cảm xúc của mình: “không thể tưởng tượng được ở trong bối cảnh của các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay lại xuất hiện ở ngay Thủ đô Hà Nội có một bảo tàng ngang với tầm cỡ quốc tế”.

“Khi đi xem, đi sâu đọc từng lời trong diễn giải bảo tàng, xem từng hiện vật điều mà làm tôi thấm thía bảo tàng này từ những hiện vật câm lặng những nhà khoa học đã thổi vào cho nó có một sức sống, cho nó có một hồn cốt làm cho người xem hiểu được giá trị sâu xa của những hiện vật mang tính lịch sử. Đó là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật và những công nghệ tiên tiến, những công nghệ hiện đại đã được ứng dụng vào”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Đến thăm bảo tàng, bạn Chu Lê Ánh Ngọc – Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhăn văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, có thể nói đây là một bảo tàng đẹp nhất, hiện đại nhất mà em được tham quan. Tai bảo tàng, thông qua hệ thống ánh sáng, cách bài trí, âm nhạc, em thấy rất tự hào về lịch sử đất nước mình. Em rất choáng ngợp về quy mô kỳ vĩ của các công trình kiến trúc của Việt Nam.

Nói về kế hoạch đón tiếp khách du lịch và khách tham quan Khu Trưng bày, PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết, các nhà khoa học đang trong quá trình hoàn thiện để bàn giao Khu Trưng bày, hi vọng sau Tết Âm lịch 2018, Chính phủ sẽ cho phép chính thức mở cửa đón công chúng tới xem.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho biết, Quốc hội và Chính phủ quyết định làm trưng bày ở dưới tầng hầm Nhà Quốc hội là một quyết định hoàn toàn phù hợp với xu thế dân chủ hóa của quốc tế. Vấn đề hiện nay là chúng ta chỉ chờ phương án để mở ra phục vụ công chúng như thế nào cho thuận lợi nhất trong vấn đề bảo vệ an ninh. Đây là câu chuyện cần phải tính toán. Tôi hi vọng rằng năm 2018 công chúng, nhân dân Việt Nam cũng như khách nước ngoài có thể đến thăm bảo tàng.

Qua không gian Trưng bày, người xem có thể cảm nhận được tràn ngập thanh âm của tiếng chim hót, tiếng nhạc, tiếng chuông, thậm chí là có thể cảm nhận được cả màu thời gian cổ kính của những viên gạch từ thời Lý, Trần. Dường như đến với nơi đây tất cả các giác quan đều có thể lắng nghe, quan sát và cảm nhận được những ký ức từ ngàn năm lịch sử của kinh thành xưa đang ào ạt dội về. 

Nhờ công nghệ hiện đại, những câu chuyện kể lịch sử đã đến gần hơn với người xem, khiến chúng ta thêm yêu thêm tự hào hơn về những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. 

Bảo Hà

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner