Xuất bản 31 cuốn sách, công bố 220 bài báo khoa học, 23 kiến nghị cho các cơ quan, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cùng một khối tư liệu nghiên cứu với hơn 1.550 báo cáo chuyên đề... là một số kết quả của Chương trình KX.02/06-10 “Quản lý phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam”. Những kết quả nghiên cứu của Chương trình vừa được Ban Chủ nhiệm Chương trình công bố cuối tháng 4/2011, tại Hà Nội.
3 mục tiêu chính
GS. TS Lê Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, Chương trình có 23 đề tài được thực hiện từ năm 2006-2010 với những nội dung nghiên cứu: cơ sở của phát triển xã hội (PTXH), quản lý phát triển xã hội (QLPTXH) ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế; QLPTXH trên một số lĩnh vực và một số địa bàn trong nước; những định hướng, công cụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện QLPTXH ở nước ta hiện nay.
Chương trình hướng đến 3 mục tiêu chính: xây dựng cơ sở lý luận về PTXH và QLPTXH ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HđH) và hội nhập quốc tế; đánh giá thực trạng PTXH và QLPTXH ở Việt Nam qua hơn 20 năm đổi mới, dự báo PTXH ở nước ta đến năm 2020; cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, đề xuất giải pháp và khung chính sách quản lý phát triển xã hội Việt Nam đến năm 2020.
Nhiều kết quả quan trọng, khả thi
Chương trình đã đóng góp 23 kiến nghị cho các cơ quan, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đến Hội đồng lý luận Trung ương, đóng góp vào việc xây dựng văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và đều đã được ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, đã xuất bản 31 cuốn sách, công bố 220 bài báo khoa học, hoàn thành một khối tư liệu nghiên cứu lớn gồm hơn 1.550 báo cáo chuyên đề.
Chương trình đã xây dựng khung lý thuyết về nghiên cứu PTXH và QLPTXH ở Việt Nam, đưa ra những khái niệm, nội dung, phương pháp và những đặc điểm về PTXH và QLPTXH ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, đã kiến nghị quan điểm, định hướng các chính sách PTXH và QLPTXH đối với các vùng nông thôn ở nước ta hiện nay. Đề xuất hệ thống các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc ở nông thôn như: xóa đói giảm nghèo, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, ô nhiễm môi trường...; đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ giải quyết việc làm trong quá trình CNH, HĐH, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với những tác động của việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Những nội dung trên đã được kiến nghị vào việc xây dựng Nghị quyết Trung ương VII về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Để phát triển nông thôn, Chương trình đã đưa ra 8 giải pháp chính: giải phóng các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hoạt động phi nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư kỹ thuật và chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển lợi thế từng vùng, đổi mới chính sách xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở nông thôn.
Nhiều đề tài đã tập trung nghiên cứu về QLPTXH trên một số lĩnh vực, vùng miền và đã đề xuất nhiều cơ sở khoa học quan trọng, thiết thực về: việc xây dựng chính sách an sinh xã hội và mô hình tổng thể về an sinh xã hội ở nước ta trong 10 năm tới; xây dựng định mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo nhóm chẩn đoán hợp lý hơn vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, vừa thuận tiện cho người bệnh; dự báo sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và những giải pháp khả thi để giải quyết việc làm ở nông thôn…
Cụ thể, đã tập trung nghiên cứu QLPTXH ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trên cơ sở nhận dạng thực trạng xã hội, những vấn đề xã hội đang đặt ra ở những vùng này và phân tích những đặc điểm của các vùng dân tộc thiểu số. Chương trình đã đề xuất giải pháp chung với các vùng này là thành lập Hội đồng quản trị từng vùng, khơi dậy tiềm năng sẵn có của mỗi vùng, tăng cường vị thế người dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, coi trọng trí thức bản địa trong QLPTXH. Sử dụng đan xen thiết chế chính thống với thiết chế xã hội truyền thống trong QLPTXH.
Còn với vùng Tây Bắc, cần quan tâm đến vấn đề chống sa mạc hóa, giao thông biên giới, quan hệ ba nước Trung Quốc, Lào, Việt Nam, vấn đề người H’Mông… Với vùng Tây Nguyên, đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, luật tục, quan hệ 3 nước Đông Dương, vấn đề di dân gắn với biến đổi cơ cấu dân cư và tộc người cùng những vấn đề xã hội đặt ra.
Đồng thời, Chương trình cũng kiến nghị về quan điểm định hướng các chính sách PTXH và QLPTXH trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020: dự báo xu hướng phát triển xã hội ở nước ta giai đoạn 2011-2020, đề xuất được hệ thống quan điểm, định hướng về chính sách PTXH và QLPTXH trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2011-2020. Đề xuất hệ thống giải pháp để hoàn thiện và thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay.
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Ban Chủ nhiệm Chương trình, các chủ nhiệm đề tài và các nhà khoa học. Thứ trưởng cho rằng, những vấn đề nghiên cứu của Chương trình là những vấn đề có tính cấp thiết về lý luận và đòi hỏi bức xúc của thực tiễn đời sống xã hội. Tuy nhiên, cần phải công bố rộng rãi và làm thế nào để các cơ quan hoạch định chính sách biết đến và được sử dụng các kết quả nghiên cứu này.
Đồng thời, cần nhìn lại, phân tích những tồn tại và rút kinh nghiệm về các vấn đề như: tính logic; tính hệ thống; sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức của phía Nam còn ít; sự phối hợp giữa các đề tài trong một chương trình và giữa các chương trình thiếu chặt chẽ… và có cơ chế để tăng cường sự phối hợp giữa các đề tài trong một chương trình và giữa các chương trình với nhau tốt hơn. Bộ KH&CN ghi nhận những kiến nghị của Chương trình và sẽ nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế quản lý và mô hình hoạt động của Ban Chủ nhiệm Chương trình, cơ chế xác định nhiệm vụ nghiên cứu và hình thành các đề tài nghiên cứu.
Hoàng Khuê