Việt Nam đặt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Sự tiến bộ của trình độ khoa học công nghệ (KHCN) quốc gia sẽ là yếu tố quyết định có đạt được mục tiêu này hay không. PV Báo CAND đã có buổi trò chuyện cởi mở với tân Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân xung quanh vấn đề này nhân dịp ông vừa đảm nhiệm cương vị mới.
Trình độ KHCN của Việt Nam vẫn rất thấp
PV: Ông đánh giá trình độ KHCN của Việt Nam đang ở vị trí nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong khu vực, Việt Nam đang ở nhóm trung bình, ngang Philippines, Indonesia, thấp hơn Malaysia, Thái Lan, thấp hơn nữa so với Singapore. So với thế giới thì Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn. Song có những mảng chúng ta có sự tiến bộ rất nhanh. Ví dụ như chỉ số sáng tạo công nghệ toàn cầu tăng rất cao, năm 2011 tiến 20 bậc, xếp hạng 51 thế giới. Tuy nhiên trình độ chung vẫn rất thấp.
PV: Hạn chế lớn nhất của KHCN ở Việt Nam là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hạn chế lớn nhất là đầu tư cho KHCN còn ở mức rất thấp mặc dù Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm. Con số 2% tổng chi ngân sách đầu tư KHCN là tương đương so với khu vực, thế giới. Các nước trên thế giới cũng chỉ đầu tư ở con số 2% song do GDP của họ cao nên con số 2% cũng là rất lớn. Hơn thế, đầu tư xã hội, ngoài nhà nước của các nước rất cao, chủ yếu từ các doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn lực cho KHCN ít nên rất khó đem lại những sản phẩm tương xứng với mong mỏi của xã hội.
PV: Thưa Bộ trưởng, có nhiều đề tài khoa học được đánh giá rất cao về mặt lí thuyết nhưng khi đưa vào thực tế lại không áp dụng được. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cho rằng vấn đề là do thị trường. Chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường đã lâu nhưng thị trường công nghệ còn manh nha. Các thị trường khác đã có bề dày lịch sử, chứng khoán đã có 10 năm, bất động sản còn nhiều hơn. Nhưng KHCN thì chậm hơn rất nhiều. Thậm chí tới giờ các nhà khoa học còn tranh cãi, Việt Nam có thị trường khoa học hay chỉ có thị trường công nghệ? Thị trường KHCN còn ở giai đoạn manh nha nên chúng ta thiếu những tổ chức dịch vụ giúp các nhà khoa học đánh giá được các công trình của mình, tư vấn các doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ nào, giá cả ra sao. Hiện nay, ở Việt Nam, cung cầu đang lệch pha. Người có kết quả nghiên cứu thì không có nơi ứng dụng. Ngược lại, doanh nghiệp cần công nghệ lại phải nhập khẩu, nếu không được tư vấn lại nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
PV: Cụ thể, tỉ lệ những đề tài nghiên cứu được áp dụng thành công vào thực tế là bao nhiêu, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong giai đoạn từ 2005-2010, trung bình mỗi năm, Việt Nam có trên 100 đề tài cấp Nhà nước. Ở khối khoa học xã hội thì gần như các đề tài đều có thể được áp dụng hết. Tuy nhiên, với các đề tài về công nghệ, kĩ thuật, tỉ lệ áp dụng vào sản xuất không cao, chỉ đạt khoảng 20-30% (mức chung của thế giới cũng như vậy). Có những đề tài phải chờ áp dụng vì trình độ phát triển của ta chưa đạt tới mức đó. Số này ở Việt Nam khá nhiều. Tỉ lệ không thành công, không áp dụng được rất ít.
PV: Với cương vị Bộ trưởng, ông xác định những nhiệm vụ trước mắt nào mà nền KHCN Việt Nam sẽ phải làm để phát triển?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cho rằng có 4 trọng tâm. Thứ nhất là tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và sắp phê duyệt, trong đó có chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, chương trình phát triển thị trường công nghệ...Thứ hai là xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính cho KHCN, nâng cao đời sống cho những người làm khoa học. Thứ ba là triển khai tốt Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN, giao quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN để chủ động trong nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, phấn đấu năm 2015 có 3.000 doanh nghiệp KHCN. Trọng tâm cuối cùng là triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015 để các công trình nghiên cứu trọng điểm Nhà nước phải ra lò vào năm 2015.
PV: Với những giải pháp, cải cách có tính đột phá như trên, ông có thể đưa ra viễn cảnh, năm nào thì KHCN Việt Nam sánh ngang các nước trong khu vực?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Dự đoán chính xác thì khó. Theo mục tiêu của Chính phủ, tới năm 2020 Việt Nam phấn đấu để cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu tới 2020, Việt Nam có mức đầu tư cho KHCN bằng Thái Lan, Malaysia thì sẽ có một số lĩnh vực đạt trình độ tương đương. Tuy nhiên, mục tiêu ấy không phụ thuộc vào riêng lĩnh vực KHCN. Một nước công nghiệp không thể không có ngành cơ khí mạnh. Thế nhưng, vì nhiều mục tiêu kinh tế khác, các nhà máy cơ khí hàng đầu của Việt Nam đã bị xóa sổ: cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Ngô Gia Tự... Tới năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp KHCN, nếu mỗi doanh nghiệp đóng góp 5 triệu USD thì đóng góp cho GDP là 50 tỉ USD, bằng GDP hiện nay, bằng 1/6 GDP thời điểm đó.
Đầu tư thấp thì khó có sản phẩm đột phá
PV: Thưa ông, KHCN kêu thiếu tiền nhưng ngay cả khi khoản chi 2% từ tổng chi ngân sách Nhà nước, chúng ta cũng không tiêu hết. Phải chăng vấn đề của chúng ta là đã sử dụng đồng tiền kém hiệu quả?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chủ yếu là cơ chế, chứ không phải là chúng ta không sử dụng được tiền. Theo Luật Ngân sách, trước ngày 31/7 năm trước, các Bộ, ngành phải hoàn thành xây dựng kế hoạch chi tiêu tài chính cho năm sau. Các Bộ khác có thể kịp thời điểm. Nhưng KHCN có đặc thù, phải qua nhiều khâu nên mất rất nhiều thời gian. Để 31/7 năm nay lập kế hoạch cho năm sau thì phải khởi động từ tháng 8 năm trước, tức mất 1,5 năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển của KHCN như vũ bão. Ta lập kế hoạch trước 1,5 năm, tới khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc hội thông qua ngân sách thì nhiều kế hoạch đã lạc hậu, lỗi thời, thậm chí người khác đã làm rồi, chưa kể lạm phát mà nhiều mục chi không còn phù hợp. Vì thế khi được giao tiền, nhiều nơi không giải ngân được. Hơn nữa, KHCN hiện nay đang phải khuyết toán theo năm tài chính là bất hợp lí. Tháng 7 mới giao kinh phí, tháng 12 đã khuyết toán, nhiều đề tài buộc lòng phải trả lại ngân sách hoặc chuyển nguồn cho năm sau.
PV: Theo ông, đầu tư tài chính cho KHCN bao nhiêu là đủ?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Phải gấp 4-5 lần so với hiện nay. Năm 2011, KHCN mới huy động được khoảng 800 triệu USD từ ngân sách, doanh nghiệp, trong khi nhu cầu thực tế phải trên 3 tỉ USD. Trung Quốc đang đầu tư cho KHCN về giá trị tuyệt đối gấp hơn 100 lần so với Việt Nam.
PV: Cơ chế tài chính là một lĩnh vực nhạy cảm. Cá nhân ông, đứng trên cương vị Bộ trưởng, ông có đề xuất giải pháp nào để tháo gỡ cơ chế tài chính cho lĩnh vực KHCN?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KHCN đang xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính trình Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho KHCN ở mức tối thiểu 10% so với lợi nhuận trước thuế, mức tối đa là 20%. Việc phân bổ kinh phí đầu tư cần điều chỉnh để tránh dàn trải. Lẽ ra nơi nào làm tốt, có hiệu quả thì phải đầu tư nhiều hơn. Nơi nào yếu kém, dùng tiền sai mục đích phải đầu tư ít hơn, thậm chí không đầu tư. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn phân bổ tài chính một cách định tính, cứ năm sau cao hơn năm trước mà không tính đến hiệu quả sử dụng.
PV: Như vậy, theo Bộ trưởng, KHCN cần một cơ chế tài chính đặc biệt?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng thế. Chính phủ đã giao Bộ KHCN phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính, cố gắng trình Chính phủ vào năm tới.
PV: Yếu tố "đặc biệt" ấy, theo ông, nó thể hiện ở những điểm nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thử nghiệm cơ chế tài chính đặc biệt. Theo đó, Nhà nước mua sản phẩm KHCN theo cơ chế khoán thông qua hình thức đặt hàng. Khi bàn giao sản phẩm, Nhà nước cho khuyết toán mà không đòi hỏi hóa đơn chứng từ. Thứ nữa, KHCN cũng sẽ không thực hiện khuyết toán theo năm tài chính.
Làm gì để các nhà khoa học có thể làm giàu bằng nghề?
PV: Hầu hết nhà khoa học ở Việt Nam đều sống chật vật với nghề. Phải chăng, KHCN ở Việt Nam không cất cánh được là vì chúng ta đối xử chưa đúng mực với chất xám?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chế độ tiền lương cao cho nhà khoa học là bất khả thi vì ngân sách Nhà nước rất khó khăn. Nâng lương cho các nhà khoa học gấp đôi đã khó, nâng lương cho cả hệ thống lại càng khó. Tuy nhiên, Bộ KHCN đã đề xuất giao quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học sống được bằng nghề. Khi được giao quyền tự chủ, các tổ chức KHCN, ngoài việc nghiên cứu theo đặt hàng của Nhà nước, có thể nghiên cứu cho các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để có nguồn thu, ngoài ra còn được quyền tổ chức kinh doanh như doanh nghiệp, mặc dù vẫn là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Khi đó nhà khoa học có thể đem kết quả nghiên cứu áp dụng trực tiếp vào sản xuất, và được chia lợi nhuận theo tỉ lệ vốn góp, tạo thu nhập lâu dài. Các nhà khoa học cũng có thể thành lập doanh nghiệp KHCN. Đây là loại hình doanh nghiệp đặc thù, được ưu đãi cao nhất về tất cả các mặt như đất đai, thuế, cơ chế hoạt động (miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm trong 9 năm, hưởng thuế xuất 10%...) Ở giai đoạn đầu, khi hoạt động sản xuất còn chưa có lợi nhuận, Nhà nước vẫn hỗ trợ.
PV: Lĩnh vực KHCN đang đối mặt với câu chuyện chảy máu chất xám. Đã từng là nhà khoa học, nay trở thành người đứng đầu ngành, Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Để thu hút những người giỏi, phải giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là tiền lương, thu nhập phải đủ sống. Thứ hai là phải tạo môi trường làm việc tốt, có phòng thí nghiệm hiện đại, cơ chế thích hợp. Ở Việt Nam, cả hai yếu tố này đều khó khăn, vì chúng ta là nước nghèo. Tuy vậy, Việt Nam cũng có những điểm sáng về thu hút chất xám.
PV: Bộ trưởng vừa nhắc tới những điểm sáng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hầu hết các địa phương chưa thu hút được chất xám KHCN, trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhưng chủ yếu cũng là những đơn vị Nhà nước đóng trên địa bàn chứ không hẳn là về địa phương.
PV: Trong cương vị mới, điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chính sách đãi ngộ với người làm khoa học, cơ chế tài chính cho KHCN. Chúng ta chưa thực sự có chính sách trọng dụng những người có tài năng.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!