Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung và nỗ lực hoàn thành 4 nhiệm vụ rất quan trọng.
Nghị quyết về phát triển KH&CN được thông qua:
Bộ KH&CN đã cùng với Ban tuyên giáo Trung ương xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) ban hành Nghị quyết về “phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đây là một Đề án với nhiều nội dung hết sức đổi mới, đã được Trung ương nhất trí thông qua làm căn cứ định hướng chỉ đạo cho việc thể chế hóa các chủ trương đổi mới của Đảng đối với hoạt động KH&CN.
Một trong những điểm mấu chốt của Nghị quyết Trung ương 6 đã đề cập đến là vấn đề phát triển đội ngũ trí thức, thu hút, trọng dụng các nhà khoa học thúc đẩy KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đã đề ra mục tiêu: "Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Phát triển các tổ chức, tập thể khoa học và công nghệ mạnh, các nhà khoa học đầu ngành. Số cán bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển đạt mức 11 người trên 1 vạn dân; tăng nhanh số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài". Để đạt được mục tiêu như vậy, giải pháp đầu tiên cần “xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”…
Nhiều nội dung đổi mới trong Luật KHCN:
Bộ KH&CN đã xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 xem xét cho ý kiến để trong kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) sẽ thông qua. Luật có rất nhiều nội dung đổi mới, trong đó tập trung vào 3 vấn đề chính : Đổi mới phương thức đầu tư; Đổi mới cơ chế tài chính và xây dựng các cơ chế chính sách sử dụng, trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN.
Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ ban hành:
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với những mục tiêu rất cụ thể như: Tỷ trọng đầu tư cho KH&CN đạt mức 2% GDP; chỉ tiêu về tốc độ đổi mới công nghệ ở mức 15-20%/năm; tốc độ tăng trưởng thị trường KH&CN phải đạt từ 15-17% mỗi năm. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt từ 35-40%. Như vậy có nghĩa KH&CN sẽ có đóng góp rất lớn cho kinh tế xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.
Đề án về đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN:
2012 là năm tập trung xây dựng “Đề án tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN”. Đây có thể coi là Đề án tiếp tục của Quyết định 214/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý KH&CN. Đề án đổi mới lần này được xây dựng trên nền tảng của Nghị quyết Trung ương 6, của Chiến lược phát triển KH&CN và đã cụ thể hóa các giải pháp, những cơ chế và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, của các tổ chức KH&CN và đặc biệt là vai trò của Bộ KH&CN.
Thành quả của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN năm 2012:
- Đã chế tạo, hạ thủy thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90M nước, khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, thi công.
- Năm 2012, Việt Nam đã bắt đầu dự án sản xuất chip, đã ghép tim thành công do các bác sỹ Việt Nam thực hiện.
- 2012 cũng là năm đầu tiên Bộ KH&CN triển khai tổ chức thực hiện 10 chương trình Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt.
- Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chương trình Quốc gia quan trọng đó là Chương trình hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN chuyển sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm và phát triển Doanh nghiệp KH&CN, Đề án hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN….
|