KH&CN địa phương Thứ năm, 25/04/2024 , 11:39 pm
Cập nhật : 16/11/2018 , 15:11(GMT +7)
KH&CN ưu tiên hướng đến nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số
Mô hình sản xuất chè chất lượng cao tại Lai Châu
Việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KH&CN) đã góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và cải thiện đời sống ở nhiều vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, cần lựa chọn công nghệ, đối tượng, địa bàn và phương thức chuyển giao phù hợp.

Xoay quanh câu chuyện này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN.

- PV: Thưa ông, những năm qua, việc  ứng dụng thành quả KH&CN vào khu vực nông thôn miền núi đạt kết quả thế nào? Việc ứng dụng này đóng góp gì vào việc thay đổi, nâng cao đời sống cho bà con?

- Ông Chu Thúc Đạt: Trong những năm vừa qua, Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương tình Nông thôn miền núi (Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015), Bộ KH&CN đã tập trung triển khai thực hiện bám sát mục tiêu nội dung và yêu cầu sản phẩm của Chương trình, đến nay đã có hơn 500 quy trình công nghệ mới, tiến bộ KH&CN được ứng dụng chuyển giao, đã xây dựng được hơn 400 mô hình ứng dụng và đạo tạo được gần 1000  lượt người dân. Các tiến bộ KH&CN này bước đầu có những đóng góp cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Ví dụ như trong mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo công nghệ mới từ Israel là công nghệ Bioflock. Công nghệ này nâng năng suất nuôi cá rô phi, cá diêu hồng lên gấp 3 lần so với quy trình cũ. Lượng nước để nuôi giảm đi chỉ bằng 1/3. Kinh phí xử lý môi trường chỉ bằng 1/3, hiệu quả kinh tế tăng lên 3-4 lần so với quy trình cũ. Mô hình này đã triển khai ở Thái Nguyên, người dân có thể đến Công ty Thuỷ sản Đông Bắc, Đại học Nông lâm Thái Nguyên để học tập mô hình này.

Hay, mô hình sản xuất chè chất lượng cao như chè xanh chất lượng cao, chè ô long, bột chè, các sản phẩm được chế biến từ chè như kem chè, sữa chè… của Công ty Chè Tam Đường (Lai Châu). Đây là mô hình hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới từ giống, quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến, xây dựng thương hiệu, tạo ra các dòng sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Trước đây cả tỉnh Lai Châu ngành chè bị suy giảm nghiêm trọng, người dân bỏ trồng chè vì hiệu quả thấp, giống cũ, năng suất thấp. Khi được chuyển giao công nghệ, diện tích chè tăng lên hàng nghìn ha chè giống mới tạo ra nhiều sản phẩm, tạo cho người dân một nghề sản xuất chè đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/tháng, đây là sản phẩm chủ lực của địa phương để phát triển.

Các mô hình chuyển giao tạo ra công ăn việc làm, mỗi dự án mô hình tạo ra 5-10 việc làm, chưa kể giá trị sản phẩm tăng lên, tạo ra ngành nghề mới cho địa phương.

- Xin ông cho biết việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở nông thôn và khu vực miền núi là sử dụng những công nghệ như thế nào?

- Có rất nhiều công nghệ thuộc các lĩnh vực khác nhau, phụ thuộc vào từng sản phẩm, từng đối tượng, từng địa phương cụ thể. Do vậy, bà con nên ứng dụng những quy trình công nghệ do các cơ quan có chức năng nghiên cứu, chuyển giao, thực hiện… tránh trường hợp những quy trình công nghệ không có xuất xứ rõ ràng, khi áp dụng chưa có hiệu quả chắc chắn, khi đó, hiệu quả sẽ không cao.

- Việc ứng dụng KH&N vào khu vực nông thôn miền núi có những bất cập, hạn chế nào, thưa ông?

- Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thực tiễn vừa qua cho thấy bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, bất cập như: Quy định về cơ chế tài chính thực hiện chương trình: Theo quy định những tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án thuộc Chương trình phải có nguồn kinh phí đối ứng, trong khi ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm một phần, thường là dưới 50% tổng kinh phí thực hiện dự án.

Đối với loại dự án ủy quyền địa phương đòi hỏi phải có nguồn ngân sách địa phương đối ứng là 50%. Do vậy nhiều dự án sau khi được Trung ương hỗ trợ ngân sách nhưng địa phương không bố trí được nên khó khăn trong thực hiện, thậm chí dừng dự án.

Bên cạnh đó, trình độ, năng lực, kinh phí đối ứng để tiếp nhận, nhân rộng kết quả dự án của nhiều người dân vùng núi, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Kết quả mô hình tốt, hiệu quả nhưng khi nhân rộng rất khó. Ví dụ như mô hình nuôi cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi ở vùng miền núi cho hiệu quả rất cao, nhưng khi nhân rộng đòi hỏi người dân phải có tiềm lực kinh tế cũng như năng lực tiếp nhận công nghệ cao. Những điều này người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi còn hạn chế, làm cho khả năng nhân rộng mô hình gặp khó khăn.

Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, trong khi thời gian thực hiện một dự án từ khi đề xuất đến khi thực hiện thường kéo dài, do vậy có một số dự án, công nghệ không dáp ứng được yêu cầu của thị trường.

- Theo ông, người nông dân thường gặp khó khăn gì khi tiếp cận với KH&CN?

- Người sản xuất nói chung, nông dân nói riêng có những khó khăn nhất định khi tiếp cận với tiến bộ KH&CN như họ chưa cập nhật quy trình công nghệ mới, giống nào mới, tốt có giá trị kinh tế cao hơn; hoặc không biết mua ở đâu? Hợp tác với ai? Ai bảo đảm chất lượng và thậm chí bao tiêu sản phẩm cho họ…

Khi triển khai các mô hình thì người dân thường rất khó thay đổi thói quen sản xuất cũ với việc tiếp nhận quy trình công nghệ mới. Hai là khi tham gia các mô hình này phải có kinh phí đối ứng cũng là một khó khăn. Tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh do sự thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Cơ chế hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp nhiều khi còn chưa đảm bảo được quyền lợi hài hoà.

Xuất phát từ những khó khăn như vậy, Chương trình nông thôn miền núi có những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người dân như xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ mới để người dân học tập, thông qua doanh nghiệp để tạo ra cơ chế hợp tác chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ thông tin về thị trường... giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dự án thuộc Chương trình.

Ông Chu Thúc Đạt tại Chương trình Giao lưu trực tuyến bàn giải pháp tăng cường ứng dụng KH&CN vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số (Ảnh: MH)

- Vậy khi có nhu cầu về KH&CN, muốn kết nối với doanh nghiệp, người nông dân phải tìm đến đâu? Hiện có chính sách nào trợ giúp nông dân trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, thưa ông?

- Hiện nay, có nhiều kênh kết nối nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH&CN giữa nông dân và doanh nghiệp, họ có thể trực tiếp tìm đến nhau để trao đổi, thương thảo và hợp tác. Đồng thời, Bộ KH&CN có những kênh thông tin như các điểm kết nối cung cầu công nghệ do mạng lưới các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN đang thực hiện.

Do đó, người dân có nhu cầu tìm hiểu về công nghệ, muốn kết nối doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất thì có thể tìm đến các Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN các địa phương để được hỗ trợ.

Hiện nay đã có 7 điểm kết nối ở các vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, TP HCM, Cần Thơ, Phú Yên…. Người dân có thể truy cập vào trang web của các điểm kết nối này sẽ được hỗ trợ về thông tin. Đây là kênh thông tin tốt cho nông dân và doanh nghiệp hợp tác với nhau.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất thì có nhiều như chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ vay vốn… Đối với Bộ KH&CN hiện có Chương trình Nông thôn miền núi đang triển khai hỗ trợ thực hiện các dự án ứng dụng chuyển giao và xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

- Xin cảm ơn ông!

Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 có 3 sự khác biệt cơ bản so với giai đoạn trước đó là: Tăng cường tập trung, hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; Thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất; Quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin truyền thông góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. 

Chương trình được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chính như: Xây dựng được ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn NTMN, vùng dân tộc thiểu số; chuyển giao được ít nhất 3.000 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý, 4.000 kỹ thuật viên cơ sở, 140.000 lượt nông dân…

Bài, ảnh: Hồng Hà

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner