Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển mạnh mẽ, KH&CN ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh, từng bước đưa KH&CN thật sự trở thành quốc sách hàng đầu.
Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cùng Đoàn công tác của các đơn vị trực thuộc Bộ đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang.
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Bộ có Cục Công tác phía Nam, Cục trưởng Vũ Văn Khiêm; Chánh Văn phòng Bộ, Bùi Thế Duy cùng đại diện lãnh đạo của các Vụ Địa phương, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ.
Về phía tỉnh Kiên Giang có các đồng chí Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở KH&CN; Dương Minh Tân, Phó Giám đốc Sở KH&CN cùng một số lãnh đạo các Sở ban ngành, doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang.
Báo cáo về hoạt động KH&CN của tỉnh, ông Dương Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN Kiên Giang cho biết: Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ triển khai trong điều kiện có nhiều thuận lợi. Công tác quản lý nghiên cứu từng bước chặt chẽ hơn, năng lực hoạt động của các tổ chức KH&CN trong tỉnh được nâng lên, nhiều dự án đã tích cực phục vụ các ngành, KT-XH của địa phương. Tiềm lực cơ sở vật chất KH&CN được tăng cường, cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại trong quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, ATBX, TCĐLCL hàng năm triển khai đạt kết quả tốt, tích cục thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, từ khi triển khai Kế hoạch số 16/KH-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về phát triển KH&CN đến năm 2020, sự nghiệp KH&CN của tỉnh đã có sự quan tâm nhiều hơn của các ngành, các cấp và đạt kết quả quan trọng, KH&CN ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh, từng bước đưa KH&CN thật sự trở thành quốc sách hàng đầu.
Tại buổi làm việc, Bộ trường cùng Đoàn công tác đã nghe báo cáo về hoạt động KH&CN của các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Kiên Giang. Sở KH&CN cũng báo cáo tình hình đầu tư nguồn kinh phí dành cho KH&CN giai đoạn 2010- 2015. Các đề tài/dự án đã triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, nhiều kết quả đề tài góp phần nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân... Đồng thời các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp đã được Đoàn công tác trao đổi giải đáp, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn và đi đến thống nhất chung.
Theo ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, hoạt động KH&CN của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, phản ánh được tình hình thực tiễn hoạt động KH&CN cũng như nhu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên hoạt động KH&CN vẫn còn có nhiều hạn chế. Đơn cử như trong việc chế biến thức ăn gia súc, đôi khi công sức của các nhà máy vượt xa sản lượng có khả năng khai thác nhưng công nghệ không đạt chuẩn, chất lượng đầu ra không đảm bảo vì vậy giá bán rất rẻ. Trong sản xuất lương thực, thực phẩm cũng vậy, công nghệ đạt chuẩn chất lượng xuất khẩu cũng như thương hiệu có nhiều nhưng không đạt. Vì vậy, cần thiết có quy hoạch đối với từng lĩnh vực phải có tiêu chuẩn riêng để địa phương thuận tiện hơn trong việc cấp phép đầu tư; thứ hai là phải định kỳ thay đổi công nghệ trong sản xuất nếu không sản phẩm ra không thể cạnh tranh được trước các thị trường khác.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Sở KH&CN, ông Ghi cho rằng: về kinh phí hoạt động định mức phân bổ đã có, nếu nhu cầu tính cấp thiết đặt ra phải đáp ứng thì tỉnh sẽ xem xét. Còn kinh phí đầu tư trong xây dựng cơ bản thì tỷ lệ sẽ giữ nguyên. Về biên chế căn cứ vào bộ máy tổ chức để có điều hòa, chủ động phối hợp với Sở Nội vụ để đề xuất lên UBND tỉnh. Với những đề xuất của các doanh nghiệp xuất phát từ thực tế sản xuất, kinh doanh liên quan đến Sở KH&CN, đề nghị Sở KH&CN hỗ trợ một cách tích cực, còn những vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị Sở KH&CN tham mưu, báo các UBND để có những hỗ trợ kịp thời nhất.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được về hoạt động KH&CN của tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Đã đến lúc phải đầu tư cho KH&CN, đó là con đường duy nhất nâng cao sức cạnh tranh và để các doanh nghiệp tồn tại được trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Hiện nay, giá trị gia tăng chiếm trong sản phẩm của chúng ta quá ít nên có hiện trạng càng làm càng thua lỗ vì giá trị gia tăng quá nhỏ, thậm chí là âm. Mặc dù nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân được hưởng lợi tối đa từ sản xuất lúa gạo nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Vì vậy chỉ có KH&CN mới có thể giải quyết được vấn đề về nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng và khi đó mới cạnh tranh được trên thị trường”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, đối với các kiến nghị của các đơn vị đề xuất với Bộ về việc triển khai các đề tài cấp thiết quốc gia là những vấn đề cần thiết. Tuy nhiên Sở KH&CN cần phân loại đề tài nào dùng ngân sách của tỉnh, đề tài nào dùng ngân sách quốc gia. Đối với các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, Sở KH&CN cần nghiên cứu các Chương trình Quốc gia để sắp xếp hợp lý các dự án thuộc Chương trình nào. Bộ KH&CN hoàn toàn ủng hộ việc Sở KH&CN tăng cường mở các khóa đào tạo, tập huấn và sẽ giao nhiệm vụ này cho Viện Chiến lược chính sách thực hiện.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu