Nền kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình đã có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Một trong những yếu tố quyết định để có được thành công đó chính là nhờ lãnh đạo các cấp của tỉnh luôn quan tâm, đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), xác định KH&CN là chìa khóa, động lực then chốt để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Chuyển biến lớn trong ngành nông nghiệp
Hơn 10 năm qua, kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng nông – lâm – thủy sản tuy có giảm nhưng giá trị vẫn tăng gần 1.500 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến rõ rệt và tạo diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Cơ cấu giống lúa ngắn ngày ở vụ mùa tăng cao. Giai đoạn 1995 – 2000, cơ cấu lúa ngắn ngày chiếm từ 55 – 66% ở vụ xuân và 50% ở vụ mùa. Năng suất đạt 116 tạ/ha/năm. Nhưng giai đoạn 2001 - 2011, cơ cấu xuân muộn tăng từ 65,58% lên trên 93,5%. Năng suất lúa bình quân đạt trên 132 tạ/ha/năm (năm 2009), sản lượng hơn 1,1 triệu tấn (năm 2010).
Việc chuyển đổi sang gieo cấy lúa chất lượng để tăng giá trị thu nhập đã được mở rộng khắp các địa phương. Diện tích, năng suất lúa chất lượng tăng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, một số địa phương có diện tích lúa chất lượng trên 40% và thu nhập tăng so với lúa thường từ 3.500.000 – 4.000.000 đồng/ha.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát triển, mở rộng diện tích cây màu hè, tăng nhanh diện tích cây vụ đông. Ba cây chủ lực được tập trung chỉ đạo phát triển là ngô, khoai tây, đậu tương. Với diện tích cây vụ đông hơn 40 nghìn ha đã cho giá trị thu hoạch 611 tỷ đồng năm 2008, tăng 11 tỷ so với năm 2007. Diện tích cây màu đã tăng nhanh đạt 3.360 ha (năm 2009), giá trị sản xuất ước đạt trên 90 tỷ đồng. Ba vụ cây màu trong năm đã trở thành truyền thống ở nhiều địa phương, cho thu nhập gấp 2 – 3 lần cây lúa, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu. Vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính ở nhiều vùng.
Mô hình chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao tại Công ty TNHH Thuấn Hoa – Thái Bình. ( Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi tập trung, áp dụng các công nghệ tiên tiến đã đem lại hiệu quả lớn trong chăn nuôi tại Thái Bình. Qua khảo sát, có nhiều mô hình chuyển đổi nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao gấp 5 – 6 lần so với cây lúa. Giá trị tăng trưởng bình quân trong chăn nuôi giai đoạn 2006 – 2010 đạt 9,11%/năm.
KH&CN là chìa khóa, động lực then chốt
Để có được những thành tựu nói trên, có thể nói KH&CN là tiền đề và là khởi đầu của mọi sự thành công.
Trong lĩnh vực trồng trọt, vốn là một tỉnh có trình độ thâm canh cao nên năng suất lúa của tỉnh đã ở mức trần, nếu không có sự săn tìm và áp dụng một cách đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật thì khó có thể cải thiện được mức năng suất như hiện tại.
Đối với việc đánh giá, tuyển chọn và khảo nghiệm giống cây trồng nông nghiệp, nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học của tỉnh luôn dành cho chương trình này sự quan tâm thích đáng. Nhờ các tiến bộ về cơ cấu giống, các mức kỷ lục năng suất lúa của Thái Bình đã tăng từ 11 lên 13 tấn/ha/năm. Đề tài “khảo nghiệm, tuyển chọn các giống lúa và màu mới có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, thích ứng rộng để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh” luôn được bố trí kinh phí hàng năm.
Cũng từ kết quả nghiên cứu, tuyển chọn của đề tài, một loạt các giống lúa thuần, lúa lai chống chịu tốt, năng suất và chất lượng cao đã đi vào sản xuất, trở thành giống chủ lực của tỉnh như TBR1, BC15, khang dân đột biến, DDB6,… Đặc biệt, một tập đoàn các giống lúa ưu việt từ kết quả nghiên cứu như BT7, nàng xuân, nếp 99,… đã nhanh chóng đi vào cơ cấu giống lúa chất lượng ở các vùng, giúp cải thiện đáng kể về giá trị thu hoạch. Từ nghiên cứu khoa học, Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình đã đóng góp 4 giống lúa lai, 5 giống lúa thuần và 1 giống lạc vào danh mục giống quốc gia. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu về giống cây màu như dưa, bí, ớt, khoai tây,… cho năng suất cao, giá trị lớn, đã giúp người dân tăng cao thu nhập.
Cùng với đó, đề tài nghiên cứu và đề xuất chiến lược cơ giới hóa đã thực sự giải quyết các vấn đề mấu chốt trong sản xuất nông nghiệp khi thời vụ yêu cầu khẩn trương, lao động sản xuất nông nghiệp không còn lực lượng trẻ, khỏe như trước. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã giúp ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cơ giới mạnh, góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong nông nghiệp, ứng phó tốt hơn với sự biến động thất thường của thời tiết.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều đề tài, dự án có giá trị áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như cải thiện đáng kể phương thức chăn nuôi. Đề tài nuôi và lai giữa lợn rừng thuần và lợn móng cái, nâng tỷ lệ máu của lợn rừng bằng cách cho lai lợn thế hệ F1 đã mở ra hướng chăn nuôi mới với giống lợn tốt hơn, điều kiện chăn nuôi đơn giản, chất lượng thịt ngon hơn, đáp ứng nhu cầu về lợn rừng, lợn mường của thị trường.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi thủy sản cả nước mặn, nước ngọt và nước lợ.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống rô phi lai xa dòng GIF, rô phi đơn tính hiện đã trở thành một trong những đối tượng nuôi thả ở vùng nước ngọt và cả nước lợ khắp các địa bàn trong tỉnh, trọng điểm là các vùng chuyển đổi, 16 vùng thủy sản tập trung. Các giống cá lóc bông, cá chép 3 máu, cá trắm xám cũng đã được các trung tâm, trại giống thủy sản của ngành cho lai tạo, đẻ thành công. Gần đây, một số đối tượng con nuôi có năng suất cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ tốt đã được nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học hỗ trợ và bước đầu đang có triển vọng mở rộng vùng nuôi như cá rô đầu vuông, cá chim lai vây vàng,...
Cũng phải kể đến một loạt các đối tượng nuôi mới như tôm thẻ chân trắng, cá chim, cá vược, cá song, hải xâm; sò huyết, sò lông, ngao Bến Tre; cua xanh;... đã được đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, tạo ra sự sôi động cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh, đặc biệt các huyện ven biển. Nhiều hộ nuôi trồng đã có thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống mới.
Thái Bình, một tỉnh nông nghiệp với 86% dân số sống ở nông thôn và gần 74% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tỉnh đã có tốc độ tăng trưởng thuộc mức cao so với các tỉnh trong khu vực, nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, trong thập niên tới tỉnh vẫn xác định nông nghiệp là một lĩnh vực chủ đạo, có tầm quan trọng số một trong việc ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhân dân.
Với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, nông nghiệp cũng đứng trước những thách thức không nhỏ, nếu không có sự hỗ trợ tiên phong và đắc lực của KH&CN, nông nghiệp sẽ khó có thể phát triển một cách bền vững. Vì thế, thời gian tới, KH&CN sẽ tiếp tục là động lực then chốt, vừa giải quyết các vấn đề cấp thiết của thực tế cuộc sống, đồng thời tiên lượng để nghiên cứu đón đầu các vấn đề sẽ xảy ra, góp phần giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Trần Xuân Định
(Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình)