Chiều ngày 18/7, tại Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) – Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chiến lược khoa học & công nghệ (KH&CN) ngành xây dựng và chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Xây dựng và Bộ KH&CN.
Tham dự và chỉ đạo, điều hành Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị liên quan của hai Bộ.
Triển khai hiệu quả nhiều chương trình trọng điểm
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 527/QĐ-BXD phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã nêu rõ các mục tiêu phát triển KH&CN, nhiệm vụ cho giai đoạn 2013-2020 đối với các lĩnh vực: công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tư vấn xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN ngành Xây dựng. Đồng thời, đề ra các giải pháp chủ yếu về cơ chế chính sách, các chương trình, đề án trọng điểm,…
Trong quá trình thực hiện Chiến lược, Bộ Xây dựng đã ban hành 05 Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ bao gồm: “Nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo”; “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác”; “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 2020”; “Chính phủ điện tử”; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo trong các công trình xây dựng và thúc đẩy phát triển công trình xanh”,…
“Với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính, những năm qua, kinh phí sự nghiệp khoa học của Nhà nước cấp cho Bộ Xây dựng đã tăng lên, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ KH&CN” ông Hùng cho hay.
Cho đến nay, sau 4 năm thực hiện, các nhiệm vụ KH&CN, các kết quả nghiên cứu KH&CN đã góp phần giúp ngành xây dựng làm chủ được công nghệ thiết kế, thi công nhà cao tầng, các công trình giao thông, thủy lợi,…Tiểu biểu có thể kể đến các công trình dân dụng cao 40 – 60 tầng, công trình thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Hà Nội – Hải Phòng, các công trình công nghiệp lớn Nhiệt điện Vũng Áng, Lọc dầu Dung Quất,… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cùng lãnh đạo các Cục, Vụ tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị, sản phẩm xây dựng của IBST.
Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN lĩnh vực vật liệu xây dựng đã tạo ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng tính năng cao, thân thiện môi trường. Các vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đã chiếm lĩnh được 60 – 90 % thị trường vật liệu xây dựng với các thương hiệu và chất lượng như kính tiết kiệm năng lượng low – e, gạch bê tông nhẹ khí chưng áp ACC,…
Đối với Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, từ năm 2015 đến nay, hai Bộ đã phối hợp, quản lý chặt chẽ 02 nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu, đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch đô thị ở Việt Nam” và “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, công xuất 200.000 m3/năm”
Ngoài ra, hai Bộ triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh một số nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghệ thi công công trình xây dựng; công nghệ sản xuất sản phẩm cơ khí và vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng,…
Về công tác xây dựng, thẩm định và công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Bộ Xây dựng đã xây dựng hơn 450 tiêu chuẩn xây dựng bao trùm tất cả các lĩnh vực hoạt động và quản lý của ngành. Đồng thời ban hành 08 QCVN. “Trong quá trình thực hiện xây dựng và thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Xây dựng luôn nhận được sự phối hợp, ủng hộ của Bộ KH&CN” Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định thêm.
Lượng hóa cụ thể hoạt động KH&CN
Đánh giá về hoạt động phối hợp giữa hai Bộ, Vụ trưởng Vụ KH&CN các Ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) Nguyễn Đình Hậu cho biết, trong 2016 – 2017, Bộ Xây dựng đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận KH&CN, ngành xây dựng đã có bước phát triển nhanh chóng, một số tập đoàn, tổng công ty trong ngành xây dựng đã nắm bắt làm chủ các công nghệ tiên tiến như: Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lilama,… luôn là những ví dụ tương đối điển hình về ứng dụng tiếp cận KH&CN trong sản xuất kinh doanh. Cùng với sự quan tâm của Bộ KH&CN, số kinh phí Bộ Xây dựng trong những năm vừa qua đã tăng gấp đôi, đây là trường hợp khá đặc biệt so với các bộ, ngành khác (năm 2013 là 92,46 tỷ, năm 2017 là 200,14 tỷ đồng).
“Bộ Xây dựng đã hình thành các chương trình trọng điểm cấp bộ, giải quyết các vấn đề KH&CN lớn trong ngành xây dựng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong đó gồm 5 chương trình, các chương trình đã đang thu hút số lượng các nhà khoa học trong cả nước tham gia” Vụ trưởng Nguyễn Đình Hậu chia sẻ.
Phát biệu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao vai trò cũng như sự phối hợp của lãnh đạo, cán bộ các Cục, Vụ thuộc Bộ KH&CN luôn sát cánh cùng ngành Xây dựng trong thời gian qua nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển KH&CN của cả nước nói chung cũng như nói riêng đối với ngành Xây dựng.
Qua việc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận phát triển nhiệm vụ KH&CN giữa hai Bộ ngành, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ luôn sát cánh, hỗ trợ kịp thời cho ngành Xây dựng bằng các việc làm được lượng hóa, cụ thể hơn, vốn đầu tư gia tăng cùng với tốc độ tăng trưởng của KH&CN hiện đại.
Đánh giá về sản phẩm vật liệu của ngành xây dựng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận nhiều bước tiến của ngành Xây dựng, từng bước đi lên làm chủ công nghệ. Trước đây phần lớn sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng, vật liệu xây dựng (VLXD) là hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm trong nước nhất là về VLXD đã có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài, cho thấy ngành Xây dựng đã bắt nhịp kịp thời về công nghệ xây dựng trên thế giới. Nếu như trước đây có những sản phẩm ngoại nhập về vật liệu xây dựng từ Ý, Tây Ban Nha… Thì nay, các sản phẩm này đã có thể sản xuất được ở trong nước, có chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập từ các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, một số sản phẩm phục vụ bảo vệ biển, đảo, biên giới (cột mốc) của ngành Xây dựng vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa mang ý nghĩa chính trị cao.
Doanh nghiệp - trung tâm đổi mới sáng tạo
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự bắt nhịp kịp thời về thể chế của Bộ Xây dựng. Đặc biệt sau khi Bộ KH&CN có chiến lược KH&CN tổng thể thì ngành Xây dựng cũng có chiến lược KH&CN của ngành. Bộ Xây dựng đã làm rõ tính đặc thù, tập trung vào các chương trình trọng điểm, đồng thời ban hành quyết định phê duyệt việc nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Xây dựng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, ngành Xây dựng cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đặt ra mục đích tiến tới là việc tạo ra những sản phẩm mang tính quốc gia, quốc tế với mục tiêu: doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, sáng tạo.
Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng hai Bộ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa 8 nội dung cụ thể liên quan đến: hệ thống định mức, đơn giá, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bởi theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đây là 2 hệ thống vô cùng quan trọng, mang tính cốt lõi không chỉ đối với ngành Xây dựng mà cả nền kinh tế, đã được đưa vào nội dung triển khai Nghị quyết Trung ương IV, khóa XII, có ảnh hưởng quyết định rất lớn đến hiệu quả đầu tư của từng dự án đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng như vật liệu xây dựng mới và vật liệu thay thế.
“Bộ KH&CN sẽ tiếp tục sát cánh cùng ngành Xây dựng để tạo ra những sản phẩm mang tính quốc gia, quốc tế, bắt nhịp với tốc độ phát triển khoa học công nghệ của ngành xây dựng toàn cầu luôn đổi mới, sáng tạo”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, hai Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã có buổi thị sát cơ sở vật chất, trang thiết bị và một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu các sản phẩm cụ thể của IBST, mang tính đặc thù của ngành Xây dựng. Điều này thể hiện phần nào sự bắt nhịp được với nhu cầu phát triển công nghệ xây dựng của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: Ngũ Hiệp