Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 10:18 am
Cập nhật : 26/12/2011 , 15:12(GMT +7)
KH&CN ngành công thương: Thành công từ mô hình tự chủ
Lắp tuabin cho nhà máy thủy điện (Nguồn: Nguyễn Uyên)
Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai hiệu quả việc thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP tự trang trải kinh phí. Mô hình này đã đưa đến kết quả nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của ngành được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gắn khoa học với sản xuất

Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng bộ Công thương cho biết, thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hoạt động KH&CN của Ngành theo hướng đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển đổi mô hình phù hợp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả nghiên cứu, triển khai của các tổ chức KH&CN. Để gắn nghiên cứu với sản xuất một cách bài bản và hiệu quả, Bộ Công thương đã đa dạng hoá hình thức hoạt động và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, ngành công thương đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn, trong đó có thiết bị thủy công cho nhà máy thủy điện Sơn La; hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600MW, v.v...

Đã làm chủ công nghệ cơ giới hóa khai thác sử dụng dàn chống tự hành phù hợp đối với điều kiện địa chất các vỉa có độ dốc 35o tại vùng Quảng Ninh, công nghệ khai thác lò chợ hạ trần thu hồi than nóc sử dụng giá khung thủy lực di động các mỏ hầm lò, công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác lò chợ hạ trần than nóc, công nghệ thiết kế và chế tạo hệ thống giám sát khí mê tan phục vụ an toàn lao động trong khai thác than hầm lò, v.v...

Thành công trong lĩnh vực năng lượng đã giúp Việt Nam nghiên cứu làm rõ bức tranh tiềm năng dầu khí và chính xác hóa trữ lượng dầu khí toàn khu vực thềm lục địa và lãnh thổ, phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, góp phần quan trọng vào công tác tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các mỏ dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam thềm lục địa Việt Nam; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo máy biến áp 220/110/22kV - 250 MVA, v.v...
Đáng chú ý, là việc nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại thông qua kỹ thuật nuôi cấy Invitro để sản xuất và cung cấp hạt giống thuốc lá chất lượng cao; chọn tạo giống thuốc lá vàng sấy mới; tạo các giống bông mới, được công nhận giống quốc gia, v.v...

Theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ công thương thì hiện nay các chương trình, đề án được Chính phủ giao chủ trì tuy mới triển khai thực hiện nhưng cũng đã có một số kết quả khả quan đáng khích lệ; một số sản phẩm tá dược như amidon, methadone hydroclorid, kháng sinh cefaclor, bột can xi hydroxyapatile nano để bào chế thuốc chống loãng xương, catharanthin làm thuốc chống ung thư máu… đã được nghiên cứu sản xuất thử và đang được bán cho các công ty dược phẩm để thử nghiệm; sản phẩm nhiên liệu sinh học đang được sản xuất và pha chế thành xăng E5 bản thử trên thị trường hay một số nhà máy đang được đầu tư xây dựng.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ công thương đã và đang phối hợp cùng các công ty trong nước thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án thủy điện với giá trị hợp đồng lên tới hàng ngàn tỷ đồng như Dự án thủy điện A Vương, Buôn Kuốp, Sesan 3, 4; Đồng Nai 3, 4, 5, Sơn La, Lai Châu... Viện đã làm chủ việc thiết kế, tích hợp hệ thống tự động hóa cho nhà máy thủy điện và triển khai vào các dự án như dự án Daskrông, Buôn Kuôp, Đồng Nai, 3, 4.

Mạnh dạn đổi mới

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu KH&CN của Bộ Công Thương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề huy động vốn. Ông Đỗ Hữu Hào – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: hiện nay, các Viện trước sức ép đầu tư đổi mới nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và hình thành nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động kinh doanh, chuyển giao công nghệ.

Vì vậy, nhằm tạo điều kiện về vốn đầu tư cho các hoạt động KH&CN, mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi vốn cho các công trình nghiên cứu, các dự án vừa kết hợp nghiên cứu khoa học vừa có thể cho sản phẩm ngay. Bộ Công Thương cũng cần rà soát, sắp xếp lại hợp lý và phân định rõ chức năng quản lý giữa các viện của Bộ và các viện của Tập đoàn.

Theo số liệu báo cáo của Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị Đổi mới cơ chế tài chính của Bộ KH&CN tổ chức mới đây cho thấy, một số viện như Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện IMI, Viện KHCN mỏ Vinacomin, Viện Dầu khí, có doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu, tư vấn KH&CN và sản xuất kinh doanh năm 2010 đạt trên 500 tỉ; một số viện khác như Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim, Viện KTKT Thuốc lá, Viện Cơ khí năng lượng và Mỏ - Vinacomin ... có doanh thu trên 100 tỉ đồng. Điều này thể hiện sự tự chủ, năng động của các viện đã được nâng cao nhờ thực hiện cơ chế của Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

Do vậy, ông Đỗ Hữu Hào khẳng định, để các tổ chức KH&CN thực sự phát huy được hiệu quả hoạt động sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần của Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ và để KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy và đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì Chính phủ cần có cơ chế hình thành và gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của đất nước, thông qua đó KH&CN trong nước có điều kiện để phát triển, làm chủ các công nghệ mới, tạo ra được các sản phẩm của Việt Nam với tỉ lệ hàm lượng KH&CN trong nước cao hơn.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN phát triển; tháo gỡ cơ chế để các viện sau chuyển đổi được bình đẳng trong đối xử về đầu tư phát triển từ nguồn Ngân sách nhà nước, được miễn giảm thuế khi sản xuất thử, vay vốn ngân hàng, tạo vốn lưu động phục vụ cho các hoạt động sản xuất, chuyển giao công nghệ ...

Xem xét, bổ sung các cơ chế và định mức chi cho các chuyên gia nước ngoài trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; điều chỉnh cơ chế quản lý theo hướng khoán sản phẩm đầu ra đối với các đề tài nghiên cứu; xem xét ban hành cơ chế giao và quản lý đất và tài sản cho các đơn vị đã chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn triển khai các hợp đồng lớn. Thực hiện tốt được những điều trên thì mới thực sự tạo ra luồng gió mạnh thúc đẩy  hoạt động KH&CN phát triển.

Đăng Minh – Mai Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner