Hoạt động KH&CN Thứ năm, 28/03/2024 , 07:49 pm
Cập nhật : 25/01/2019 , 15:01(GMT +7)
KH&CN là yếu tố chính nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Bà con nông dân Hải Dương canh tác giống lúa RVT và Thiên Ưu 8 đem lại hiệu quả kinh tế cao
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa 10, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong những kết quả đó có thể thấy khoa học và công nghệ (KH&CN) đã trở thành một trong những yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Vai trò của KH&CN trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã được thể hiện trên các mặt.

Nghiên cứu đưa ra thị trường giống lúa chất lượng cao

Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm KH&CN với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống cây trồng, chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp tập trung chính vào cây lương thực. Vinaseed xác định KH&CN là đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh, lấy công nghệ làm nền tảng và là động lực để tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như đảm bảo cho Công ty phát triển bền vững, nhiều công nghệ đã được Vinaseed đầu tư, ứng dụng để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất trong đó có các giống lúa chất lượng cao.

Thời gian qua, bà con nông dân tỉnh Hải Dương đã canh tác bộ giống lúa RVT và Thiên Ưu 8 trên diện tích cánh đồng rộng 100 ha. Đây là một trong những vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao. Mô hình này nằm trong chương trình liên kết bốn nhà và liên kết gắn với sản xuất nông sản của Vinaseed. Là đơn vị doanh nghiệp KH&CN đã khẳng định được vị thế trên thị trường nghiên cứu và sản xuất lúa giống, trong những năm gần đây Vinaseed đã chuyển mạnh sang thị trường lúa gạo chất lượng cao với bộ giống như RVT hay Thiên Ưu 8… đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Ông Phạm Tiến Bình, Phó Chủ nhiệm HTX Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cho biết, hợp tác xã đã tổ chức liên doanh, liên kết với Vinaseed để tổ chức một vùng giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên. Bà con xã viên thấy có lợi hơn, đến vụ tổ chức gieo cấy 1 vùng 1 giống mà không phải lo khâu giống ban đầu. Đến lúc thu hoạch bà con yên tâm không phải tổ chức tiêu thụ, cứ gặt đến đâu công ty giống và hợp tác xã tổ chức thu mua đến đó.

Ông Đỗ Bá Vọng, Phó Tổng Giám đốc Vinaseed cho biết, 5 năm gần đây số lượng giống tham gia công tác nghiên cứu khoảng 66 giống trong đó có lúa lai, lúa thuần, ngô và các giống rau. Những sản  phẩm do Công ty nghiên cứu cũng như chuyển giao đem lại hiệu quả kinh tế tốt.

Những giống lúa cho năng suất cao là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Vinaseed trong nhiều năm, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến. Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất, đơn vị xác định chỉ có KH&CN mới giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của thực tế sản xuất.

Ông Đỗ Bá Vọng cho biết, trong những năm vừa qua, Công ty đã làm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học tạo giống lúa thuần năng suất và chất lượng cao đã thực hiện từ năm 2012 đến năm 2018, trong đề tài đó doanh nghiệp đã tạo ra hai giống lúa tham gia ngay vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty đó là Thiên Ưu 8 và giống Thụy Hương… Vì vậy qua đó Công ty thấy chủ trương của nhà nước cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học là chủ trương rất đúng đắn vì các sản phẩm được các doanh nghiệp nghiên cứu ra được ứng dụng ngay vào sản xuất.

Khi Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN ra đời, Công ty là doanh nghiệp đầu tiên của ngành giống cây trồng Việt Nam được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Với việc hợp nhất các trung tâm nghiên cứu, thành lập viện nghiên cứu ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại được đầu tư đồng bộ đây sẽ là nơi hội tụ của các nhà khoa học có khát vọng cống hiến cho nền nông nghiệp Việt Nam để từ đó tạo nên những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ thông minh nhân giống khoai tây sạch bệnh

Nghị quyết Trung ương 7 Khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo ra nhiều đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất cũng như là tinh thần cho người nông dân và dân cư nông thôn, nhất là ở những vùng khó khăn.

Mô hình nhân giống khoai tây sạch bệnh tại Viện Sinh học Nông nghiệp

Nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh đã được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công từ nhiều năm trước. Hiệu quả có thể thấy rõ sản lượng thu hoạch từ giống khoai tây sạch bệnh đã được tăng lên đáng kể. Tiếp nối kết quả này, gần đây Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tích hợp công nghệ 4.0 trong sản xuất, nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh.

Viện Sinh học Nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và triển khai mô hình sản xuất nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh ở quy mô công nghiệp. Mới đây, mô hình này được ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình triển khai. Với công nghệ mới, người ta có thể phối trộn dinh dưỡng nuôi cây theo thời gian nhất định chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng. Và cũng chỉ với điện thoại, đơn vị có thể quản lý, vận hành được toàn bộ quy trình đưa làn qua chất dinh dưỡng, cũng như đưa chất dinh dưỡng qua nuôi cây giống. Các cảm biến được gắn ở những khu vực cây giống được theo dõi chính xác về chất dinh dưỡng, độ ẩm, nước và không khí cung cấp cho cây.

TS. Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, trước kia mỗi lần phối trộn dinh dưỡng phải mất từ 30 phút đến 1 tiếng mới xong, nhờ ứng dụng công nghệ thông minh nên giờ thời gian chỉ cần 10 phút là xong hết. Nếu có sai sót gì thông tin được gửi qua điện thoại để chúng ta biết được. Như vậy đã giảm nhiều về nhân lực trong bối cảnh đang khan hiếm về nhân lực.

“Chúng ta cần tiếp cận các công nghệ mới này, làm sao đưa công nghệ mới bằng cách hoàn toàn tự động hóa. Khi chuyển giao công nghệ xong ở tất cả các nơi họ tiếp cận công nghệ này, chúng ta có thể biết được chỗ khác đang làm gì. Với công nghệ mới, chỉ với 50.000 cây nuôi cấy mô ban đầu, trong vòng 1 tháng Viện đã nhân lên được 1 triệu cây giống”, TS. Nguyễn Xuân Trường cho hay.

 TS. Nguyễn Xuân Trường cho biết thêm, từ khi có công nghệ này giúp cho việc nhân giống được từ rất sớm, từ tháng 8 đã đưa ra ngoài khí canh để nhân, trong khoảng thời gian sau khi công nghệ tiếp nối được thì hệ số nhân của công nghệ khí canh cao gấp 25 lần so với nuôi cấy mô, cây rất khỏe và hệ số nhân nhanh, trong 3-4 ngày có thể cắt ngọn được 1 lần.

Thành công của mô hình được thể hiện rõ khi toàn bộ khoai tây của Viện Sinh học Nông nghiệp sản xuất ra được Tập đoàn Orion Hàn Quốc thu mua làm nguyên liệu phục vụ chế biến tại hai cơ sở sản xuất ở Việt Nam, với nhu cầu khoảng 2 vạn tấn từ đối tác. Viện Sinh học Nông nghiệp đã phối hợp rất nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là các địa phương để sản xuất đủ giống cung cấp cho thị trường. Hiện công nghệ này đã được chuyển giao cho 6 địa phương trong nước và 1 đơn vị nước ngoài là Bộ KH&CN Indonesia.

Trong những vấn đề lớn của xây dựng nông thôn mới đặt ra cho khoa học, công nghệ có những vấn đề đã đang được nhiều đề tài, dự án tiến hành nghiên cứu trong các chương trình khoa học, công nghệ khác nhau, từ cấp quốc gia đến các chương trình, nhiệm vụ cấp ngành và địa phương. Thời gian tới, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết cho từng vùng, từng địa phương, mở ra những nhiệm vụ mới của KH&CN.

Bài, ảnh: Lê Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner