Đó là mục tiêu được Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đưa ra tại các buổi làm việc với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên từ ngày 24-26/4/2013.
Thứ trưởng nhấn mạnh, dùng KH&CN để phát triển kinh tế xã hội một cách ổn định, bền vững chứ không dùng những thứ sẵn có trên địa bàn hay dựa vào các thế mạnh: nguồn tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ…
Thứ trưởng cũng đề nghị, mỗi tỉnh nghiên cứu tìm hướng đi để phát huy được thế mạnh tiềm năng của tỉnh mình, làm sao để sử dụng công nghệ mới, công nghệ phù hợp phát triển những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Từ đó tạo thu nhập và nâng cao đời sống của người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2012 - 2013, tỉnh tập trung nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các loại cây trồng có thế mạnh của từng địa phương, ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó, nhiều đề tài, dự án được đánh giá cao, điển hình như các đề tài, dự án: Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì (Hòa An); Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp hương Bảo Lạc và giống Pì Pất (Hòa An); Xây dựng mô hình trồng và chế biến chè chất lượng cao tại Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình); Dự án sản xuất miến dong chất lượng cao tại Nà Lèng, huyện Nguyên Bình.
Các Sở, ban ngành tỉnh Cao Bằng tham gia thảo luận tại buổi làm việc
Đối với Bắc Kạn, năm 2012, Sở KH&CN Bắc Kạn quản lý 56 đề tài, dự án. Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt danh mục triển khai mới 7 đề tài, dự án KH&CN. Nhìn chung các đề tài, dự án đa dạng và phong phú trên tất cả các lĩnh vực, tạo được những chuyển biến quan trọng trong nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Cụ thể như xây dựng thành công mô hình trồng chè shan tuyết theo hướng tập trung thâm canh tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; bước đầu xây dựng thành công mô hình phục tráng một số giống lúa bản địa (Khẩu nua lếch Ngân Sơn, bao thai Chợ Đồn); ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý và chấn thương bụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn; đề tài nghiên cứu về nấm độc; nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Tày, xây dựng phần mềm Từ điển Tày – Việt…
Đặc biệt, trong năm đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn và nhãn hiệu tập thể "Miến dong Bắc Kạn". Tính đến nay, tỉnh đã có 4 sản phẩm là đặc sản được cấp giấy chứng nhận, gồm: Chỉ dẫn địa lý hồng không hạt; Chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn; Nhãn hiệu tập thể gạo bao thai Chợ Đồn; Nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn, góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm đặc sản địa phương, quảng bá sản phẩm, tăng giá trị nông sản.
Tại Thái Nguyên, giai đoạn 2012-2013 hoạt động KH&CN trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tích, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp đã chú trọng đưa các giống mới vào khảo nghiệm như các giống lúa thuần năng suất chất lượng cao: SH2, SH4, HT6, HT9, N98. Một số giống lúa đặc sản như lúa đen (LDD1), lúa cẩm (LC4)… Đối với diện tích chè tập trung được cải tạo, thay thế bằng nhiều giống mới có năng suất, chất lượng và sản xuất theo hướng an toàn, đủ điều kiện xuất khẩu. Đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đang tập trung mở rộng mô hình chọn lọc, cải tạo và phát triển đàn trâu lấy thịt tại một số địa phương. Lĩnh vực công nghiệp tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử, tạo lập thị trường, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm… Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân… được quan tâm đúng mức.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tại Thái Nguyên
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực KH&CN của các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt phức tạp; xuất phát điểm kinh tế thấp nên sự tăng trưởng vẫn chưa thực sự tạo được bước tiến mạnh; cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn; nhiều tiến bộ KH&CN đã được khẳng định nhưng chưa được ứng dụng mở rộng sản xuất…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở ban ngành đã nêu lên một số vướng mắc, tồn tại và đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ như: xây dựng và nâng cao năng lực của một số trung tâm KH&CN; Bảo hộ nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm tiêu biểu; Có văn bản hướng dẫn thống nhất về hoạt động KH&CN cấp huyện, đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động KH&CN; Tăng cường kinh phí sự nghiệp KH&CN cho các tỉnh miền núi…
Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao tiềm lực KH&CN của các tỉnh. Thứ trưởng cho rằng các tỉnh cần xác định một số tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, du lịch…; phát triển một số vùng chuyên canh cây trồng, cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình đặc thù. Cần tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu, các tiến bộ KHKT đối với sự phát triển của địa phương. Khi xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực cần huy động trí tuệ của các nhà khoa học của Trung ương, tỉnh, các trường đại học trên địa bàn tham gia. Trong sản xuất cần có sự lựa chọn công nghệ. Quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm từ nông nghiệp.
Thứ trưởng cũng đề nghị, trong thời tới, các tỉnh cần tiếp thu và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, hoạt động của các tổ chức KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng KH&CN phát triển. Đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh cùng phối hợp, quan tâm đến lĩnh vực KH&CN nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương thành sản xuất hàng hóa có giá trị trên thị trường, xây dựng phương án sản xuất lâu dài, ổn định, bền vững…
Cũng trong chuyến công tác, Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với các Sở KH&CN của các tỉnh trên.
Thứ trưởng đã ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của ngành KH&CN đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh và định hướng một số hoạt động đối với ngành KH&CN trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng đến công tác đầu tư cho KH&CN, cơ chế tài chính và chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ KH&CN. Thứ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN luôn ủng hộ sự nghiệp phát triển KH&CN của các tỉnh, mong muốn nhìn thấy những dấu ấn của ngành KH&CN đối với sự phát triển KT-XH địa phương.
Tin, ảnh: Trần Hồng