Tiềm lực KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 01:04 pm
Cập nhật : 12/09/2016 , 16:09(GMT +7)
KH&CN có vai trò then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp
Kỹ sư Phan Tử Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đã góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa của Dự án “Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05” lên 39% so với dự án Tam Đảo 03 là 34,7%, giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài từ khoảng 43.000 giờ (Tam Đảo 03) xuống 11.000 giờ (Tam Đảo 05),…

Đó là những con số ấn tượng do Kỹ sư Phan Tử Giang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (Tác giả cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” vừa được đề cử xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016) chia sẻ.

Tăng tỉ lệ nội địa hóa

PV: Những công nghệ, giải pháp KH&CN nào đã được đưa vào quá trình chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03 và hiệu quả của những ứng dụng đó như thế nào, thưa ông?

KS.Phan Tử Giang: Chúng tôi thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, cụ thể là thiết kế phục vụ dự án ngay từ ngày đầu tiên của Dự án “Chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03” và công tác thiết kế kéo dài toàn bộ thời gian của dự án cho đến thời điểm kết thúc là khoảng 32 tháng. Những giải pháp KH&CN đã được đưa vào quá trình chế tạo thành công giàn khoan và đã mang lại hiệu quả cao gồm:

Thứ nhất, chúng tôi đã áp dụng các quy trình thiết kế tiên tiến trong công nghệ chế tạo giàn khoan hiện đại. Thứ hai, chúng tôi cũng đã áp dụng một trong những phần mềm thiết kế tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Thứ ba, đã ứng dụng quy trình quản lý công tác chế tạo giàn khoan theo những mô thức hiện đại. Việc ứng dụng KH&CN đã góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa của Dự án “Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05” lên 39% so với dự án Tam Đảo 03 là 34,7%. Đồng thời, giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài từ khoảng 43.000 giờ (Tam Đảo 03) xuống 11.000 giờ (Tam Đảo 05). Bên cạnh đó, chúng tôi đã rút ngắn thời gian thi công dự án Tam Đảo 05 xuống 32 tháng, dù khối lượng chế tạo gấp 1,5 lần so với khối lượng chế tạo của dự án Tam Đảo 03.

PV: Được biết, toàn bộ thiết kế cơ sở giàn Tam Ðảo 03 được mua của nước ngoài. Vậy đội ngũ kỹ sư của chúng ta đảm trách những hạng mục nào? Liệu chúng ta đã thực sự làm chủ được những kỹ thuật công nghệ hiện đại và tiên tiến này, thưa ông?

KS.Phan Tử Giang: Ngay từ dự án đầu tiên chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã đảm trách phần thiết kế chi tiết (thiết kế kỹ thuật) và thiết kế thi công. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của PV Shipyard còn đảm nhiệm toàn bộ công tác chế tạo, lắp đặt, tổ hợp giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05. Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đã làm chủ những công nghệ nói trên và đang tiếp tục cải tiến để đạt hiệu quả cao hơn những công nghệ này trong thời gian tới.

PV: Mỗi một Giải thưởng không chỉ là sự tôn vinh, ghi nhận của xã hội mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế bền vững đối với mỗi doanh nghiệp khi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Xin ông cho biết, công trình sau khi đoạt giải sẽ được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn? 

KS.Phan Tử Giang: Đây là dự án thực hiện song song vừa nghiên cứu vừa áp dụng ngay vào thực tiễn, đó là dự án chế tạo giàn khoan đầu tiên của công ty. Sau đó, công trình nghiên cứu này đã phát huy hiệu quả rất cao cho dự án chế tạo giàn khoan thứ hai và mang lại những kết quả tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện hoạt động nghiên cứu giai đoạn 2 cho dự án KH&CN này. Song song với đó, chúng tôi vẫn sử dụng những kết quả nghiên cứu áp dụng ngay vào sản xuất.

Liên kết 3 nhà: Quan trọng nhất

PV: Giàn khoan Tam Đảo 03 đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan như thế nào, thưa ông? Công trình này có ý nghĩa, vai trò như thế nào trong việc giúp PV Shipyard hướng tới chủ động sản xuất các sản phẩm tiếp theo, ví dụ Giàn khoan Tam Đảo 05 mới bàn giao tháng 8.2016, thưa ông?

KS.Phan Tử Giang: Dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các bộ, ban, ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đầu tiên là sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - sự hỗ trợ cơ bản để thúc đẩy thực hiện dự án này, sau đó là sự hỗ trợ rất lớn của Bộ KH&CN và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia. Chúng tôi đánh giá sự hỗ trợ của Tập đoàn là sự hỗ trợ mang tính thời điểm, quyết định, còn sự hỗ trợ của Bộ KH&CN mang tính lâu dài và phát triển bền vững cho công ty. Dự án nghiên cứu KH&CN này là một yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 và sau đó có vai trò rất lớn trong việc thực hiện dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05, trong tất cả các khâu từ thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị và thi công chế tạo. Trong dự án giàn khoan Tam Đảo 05, PV Shipyard đã chủ động hoàn toàn trong việc thực hiện dự án, tăng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài so với dự án giàn khoan Tam Đảo 03.

Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03 đã được hạ thuỷ thành công năm 2011

PV: Ý kiến của ông thế nào về vai trò của việc phát triển KH&CN cũng như nền tảng công nghệ, đội ngũ nhân lực chế tạo giàn khoan của PV Shipyard hiện nay, thưa ông?

KS.Phan Tử Giang: Theo tôi, việc phát triển KH&CN, cụ thể là công nghệ thiết kế giàn khoan có vai trò then chốt trong sự phát triển của PV Shipyard. Cho đến thời điểm hiện tại, PV Shipyard có nền tảng công nghệ cơ bản và tiên tiến. Đội ngũ nhân lực chế tạo giàn khoan của PV Shipyard được đào tạo bài bản chuyên nghiệp thông qua dự án nghiên cứu KH&CN. 

PV: Điều gì ông thấy đáng nhớ nhất về những đóng góp của mình với lĩnh vực xây dựng công trình dầu khí trên biển, thưa ông? Để mỗi công trình khoa học phát huy giá trị và mang lại hiệu quả cao trong việc áp dụng thực tiễn, điều quan trọng nhất là gì, thưa ông?

KS.Phan Tử Giang: Đáng nhớ nhất là công sức của tập thể những người thợ cơ khí, dầu khí đã được xã hội và nhà nước ghi nhận bằng giải thưởng về KH&CN cao nhất này. Đây là niềm tự hào của chúng tôi - những người thợ cơ khí, dầu khí nói riêng và những người thợ cơ khí Việt Nam nói chung.

Hiện nay, Nhà nước, Chính phủ ngày càng quan tâm hơn việc nghiên cứu KH&CN và các chính sách vĩ mô hiện nay về KH&CN đã và đang dần dần tiệm cận với mục đích này. Chính sách về KH&CN của Nhà nước đã chủ động hơn cho người nghiên cứu, nhà khoa học, nhưng việc các nghiên cứu KH&CN mang lại hiệu quả cao trong áp dụng thực tiễn thì rất cần liên kết giữa 3 nhà: nhà quản lý - doanh nghiệp - nhà nghiên cứu khoa học là yếu tố then chốt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã ngày càng quan tâm hơn đến việc phát triển KHCN trong doanh nghiệp của mình, trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Tôi hi vọng rằng, những định hướng này sẽ được tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa. 

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Hạnh Nguyên – Đăng Minh (lghi)

 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner