Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là chương trình hỗ trợ phát triển của hai chính phủ Việt Nam và Phần Lan, được ký kết giữa Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan. Một trong những mục tiêu của Chương trình IPP là hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, thử nghiệm và ứng dụng những thành tựu mới trong sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tăng cường đổi mới sáng tạo
Phần Lan là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về đổi mới sáng tạo trong 50 năm qua. Bộ KH&CN đã kí biên bản ghi nhớ hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Phần Lan năm 2008, các chương trình hợp tác KH&CN được hình thành, trong đó có IPP.
PGS.TS Trần Quốc Thắng – Giám đốc chương trình IPP cho biết: IPP có ngân sách 7,1 triệu EUR trong đó Phần Lan tài trợ 89%, Việt Nam đóng góp 11% được tiến hành trong nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn I được bắt đầu từ năm 2009 - 2012 nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trong đó, IPP hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động, quá trình đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với lĩnh vực ưu tiên là công nghệ thông tin (ICT), công nghệ sạch, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, cơ khí (cơ khí chính xác) và ưu tiên hỗ trợ 8 tỉnh bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, TPHCM, Cần Thơ, An Giang.
Trong thời gian qua, IPP hỗ trợ mối quan hệ đối tác công – tư, liên kết nghiên cứu với thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, dự án nào được IPP hỗ trợ phải mang tính đổi mới sáng tạo hoặc góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; đã có kế hoạch hoạt động - kinh doanh khả thi cả ở góc độ thực hiện và tài chính; có cam kết chia sẻ đóng góp; khả năng quản lý tốt và đáp ứng nguồn lực để thực hiện dự án.
Ông Trần Quốc Thắng đã đưa ra các con số về kết quả ban đầu của chương trình như: 60 tiểu dự án được triển khai. Có 29 tiểu dự án đạt kết quả tốt (49%); 20 tiểu dự án đạt kết quả trung bình (34%) và 10 tiểu dự án còn có vấn đề (17%) .Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Phần Lan tham gia với hơn 60 cơ quan/doanh nghiệp/viện nghiên cứu của Việt Nam và 8 Công ty Phần Lan.
Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Dự án IPP sẽ mang lại cho Việt Nam một hệ thống đổi mới – sáng tạo mạnh hơn, tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Các bên tham gia khác cũng sẽ có thêm kỹ năng mới trong việc quản lý đổi mới – sáng tạo và phát triển các mô hình kinh doanh. Cho đến nay, những dự án đào tạo quản lý về đổi mới sáng tạo, xúc tiến công nghệ thông tin và cơ khí, thống kê về chuyển giao, ứng dụng công nghệ bước đầu đã có hiệu quả nhất định.
Kỹ sư Nguyễn Đoàn Thăng, công ty Bóng đèn Rạng Đông cho biết: Công ty thực hiện tiểu dự án đổi mới công nghệ và đã hoàn thành các hoạt động nghiên cứu theo kế hoạch của Tiểu dự án. Công ty đã sản xuất được 6.000 sản phẩm được dán tem Ngôi sao Năng lượng và trình diễn trong thực tế.
Bên cạnh đó, Công ty đã chế tạo thử nghiệm phục vụ các hoạt động nghiên cứu công nghệ hàng nghìn mẫu bóng đèn và ballast ( từ CL1 đến CL6 ), sản xuất pilot hoàn chỉnh bóng đèn CFL 10000 giờ (cho 02 loại công suất 15W và 20W): đợt 1 gồm 100 bóng (20/5/2013), đợt 2: 1900 bóng (cuối tháng 5) và đợt 3: 4000 bóng (đầu tháng 7) có chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu phục vụ các công trình xanh và xuất khẩu.
Công ty đã ấp ủ và chuẩn bị ý tưởng về sản phẩm từ năm 2012 nhưng nhờ sự hỗ trợ của dự án sản phẩm bóng đèn CFLs 10000 giờ ra đời nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đặc biệt, Công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Mô hình Trung tâm R&D là nơi quy tụ tri thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học hàng đầu và biến các ý tưởng khoa học công nghệ thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. IPP là một chương trình tiên phong trong việc hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh, thương mại hóa thành công các sản phẩm, dịch vụ mới. Mô hình đổi mới sáng tạo mở dựa trên hợp tác 3 nhà, bước đầu cũng đã được áp dụng thành công, đặc biệt là hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu đã mang lại nhiều kết quả. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các dự án để nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp KH&CN góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Đăng Minh