Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học quốc gia TP.HCM vừa cho biết đã nghiên cứu chế tạo thành công linh kiện QCM làm cảm biến sinh học.
Đây là kết quả của nghiên cứu đề tài khoa học “Chế tạo bộ KIT từ linh kiện cảm biến vi cân tinh thể thạch anh kiểm tra vi khuẩn E. coli trong nước” do ThS. Ngô Đức Hoàng và TS. Dương Minh Tâm làm chủ nhiệm, vừa được Sở khoa học và công nghệ TP.HCM nghiệm thu.
ThS. Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, , có nhiều phương pháp chuẩn trong phòng thí nghiệm đang được sử dụng, nhưng thời gian kiểm tra khá lâu, sử dụng nhiều hóa chất đắt tiền, người kỹ thuật viên đòi hỏi có trình độ tay nghề... Cảm biến sinh học dựa trên linh kiện QCM là một giải pháp hữu hiệu trong việc thay thế các phương pháp truyền thống, do có độ nhạy khối lượng cao và thời gian phát hiện nhanh. Nguyên lý cơ bản của cảm biến sinh học QCM là việc suy giảm tần số cộng hưởng của linh kiện QCM khi có sự gắn kết của các tác nhân sinh học. Ðiểm chính của nghiên cứu này là chế tạo thành công KIT QCM 5 MHz và ứng dụng để kiểm tra vi khuẩn E. coli O157:H7.
Chế tạo linh kiện vi cân tinh thể thạch anh tại Khu Công nghệ cao TP HCM.
Ðây là dự án bao gồm 3 phần: thiết kế, chế tạo và ứng dụng. ThS. Ngô Ðức Hoàng nói: “Chúng tôi đã hoàn thành việc thiết kế mạch và phương pháp hoạt động cho bộ KIT dựa trên linh kiện QCM 5MHz với các tiêu chuẩn của KIT như: một bộ KIT cầm tay, KIT có thể hoạt động dựa trên linh kiện QCM với tần số dao động 5 MHz, màn hình LCD có kích thước 2 x 16 ký tự và đồng thời có thể kết nối máy tính để xử lý dữ liệu. Kết quả kiểm tra hoạt động của bộ KIT này là tương đương với hệ máy chuẩn QCM200 của hãng SRS - Mỹ”.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài có khả năng ứng dụng rất lớn trong kiểm tra chất lượng vi sinh trong nước và thực phẩm tại các bênh viện, trung tâm, cơ sở y tế, giúp giảm thiểu được chi phí cũng như nâng cao chất lượng chẩn đoán so với việc sử dụng một số phương pháp cổ điển.
Tin và ảnh: Minh Châu