Startup được Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ AI hỗ trợ với mục tiêu trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ bằng giải pháp AI.
Chương trình "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021)" đã khép lại sau gần 9 tháng hoạt động. Với 111 hồ sơ tham gia từ vòng tuyển chọn đầu tiên, qua các vòng đào tạo, tập huấn, hội đồng đã tìm ra 5 startup có dự án xuất sắc (tMonitor, Movan ISO, EM&AI, CyberPurify và MiSmart) ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất.
Ông Chu Văn Thắng, Chuyên gia tư vấn chương trình Aus4Innovation - đại diện đơn vị tài trợ cho biết, một trong những mục tiêu của AAC 2021 là hướng các startup thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Startup tham gia chương trình đều mang tới những giải pháp AI ứng dụng trong kinh doanh, phát triển xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Chia sẻ về tính khả thi của các startup lọt top 15, top 5 trong chương trình, ông Thắng cho biết, các nhóm đều đã có doanh thu và đang phát triển.
"Tuy vậy, startup có ít khách hàng và doanh thu hơn chưa chắc đã gọi là ít khả thi", ông nói và cho rằng, nên quan tâm vào tiềm năng phát triển công nghệ, thu hút đầu tư của mỗi startup.
Trong thời gian tham gia chương trình, các startup được chọn có cơ hội tiếp xúc với mentor, chuyên gia, các hội thảo và chương trình tập huấn 1-1. Đặc biệt, kết nối họ với khách hàng, nhà đầu tư tiềm năng và các tỉnh thành địa phương.
"Vì tình hình dịch bệnh, mọi hội thảo, khóa đào tạo ngắn đều được tổ chức trực tuyến, nhưng chỉ trong một tháng, nhóm đã được kết nối với các vườn ươm, cách kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Hải Sơn, CEO của Nutrilife IO, top 15 chương trình chia sẻ.
Một số startup đem giải pháp AI hiệu quả như đội MiSmart nghiên cứu công nghệ tự động phát hiện những điểm bị sâu bệnh trên các cánh đồng, sau đó hệ thống gửi nhiệm vụ cho drone phun tưới chính xác, đúng vị trí cây trồng bị sâu bệnh, phát triển nông nghiệp số.
Drone phát hiện và phun thuốc trừ sâu ứng dụng AI của nhóm MiSmart. Ảnh: NVCC
Nhóm Movan giúp doanh nghiệp chuyển đổi số với chi phí hợp lý, cung cấp miễn phí chức năng nhận diện khuôn mặt và tính lương chấm công bằng nhận diện khuôn mặt.
Yến Hoàng, đồng sáng lập Movan chia sẻ, nhờ thành công với cuộc thi AAC 2021, Movan đã có đủ tự tin, kiến thức để mở rộng dự án ứng dụng AI và phát triển thêm một ngách sản phẩm Movan AI EHS để bán chéo cho cùng tập khách hàng nhà máy sản xuất hiện tại.
"Nhóm được tiếp cận được với nhiều quỹ đầu tư và tổ chức, từ đó có thêm động lực tham gia các cuộc thi tiếp theo", Yến Hoàng nói và cho biết dự án Movan ISO và Movan AI EHS được lựa chọn, trở thành một trong bảy startup đến từ Việt Nam, đứng cùng các startup công nghệ khác tới từ Singapore và Indonesia tham gia Block71 2021.
Nhóm Movan tư vấn cho khách hàng tại một sự kiện kết nối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NVCC
Nhóm Cyber Apply Vietnam chiến thắng với giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc nội dung có hại trên Internet. Thanh Trúc, đồng sáng lập CyberPurify cho biết, nhóm đang tìm kiếm các nhà đầu tư chia sẻ cùng tầm nhìn để đẩy mạnh và phát triển các giải pháp của CyberPurify trên quy mô toàn cầu.
Dự kiến tháng 1/2022, nhóm sẽ tiến hành test thị trường toàn cầu cùng chiến dịch gọi vốn cộng đồng với CyberPurify Egg - thiết bị giúp chặn 24/7 mọi web độc hại khỏi các thiết bị trong nhà. "CyberPurify cũng đẩy mạnh các giải pháp B2B đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp ngoài nước, trước mắt là Mỹ", Trúc cho biết.
CyberPurify được trao giải cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia 2021. Ảnh: NVCC
Lê Ngọc Trí, Giám đốc điều hành EM&AI đánh giá, AAC 2021 là một trong những chương trình chỉn chu với những chuyên gia tâm huyết nhất mà nhóm có cơ hội được tham gia. Sau buổi feedbackday, EM&AI đã có được những lời khuyên để có thể điều chỉnh nội dung truyền tải đúng trọng tâm, thu hút nhà đầu tư hơn.
Hiện EM&AI cung cấp nền tảng AI tự động hóa trong chăm sóc khách hàng. Với tính năng phân tích giọng nói, doanh nghiệp dễ dàng đánh giá 100% cuộc trò chuyện của tổng đài viên, từ đó đánh giá hành vi khách hàng, hiểu được nhu cầu số đông để thay đổi chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Bắt đầu triển khai từ đầu tháng 2, Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, với sự tài trợ và hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, thực hiện bởi VSV Foundation,VnExpress là đối tác truyền thông. Chương trình có mục tiêu thúc đẩy kinh doanh được thiết kế chuyên biệt dành cho các doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cơ hội của chương trình dành cho các ý tưởng xuất sắc hoặc các nhóm đã phát triển ý tưởng, xây dựng được sản phẩm thử nghiệm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.