Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 27/04/2024 , 12:46 am
Cập nhật : 01/09/2014 , 19:09(GMT +7)
Hướng đến xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ tại Việt Nam
Hiện Bộ Công thương đang xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành dệt may.
Trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn nhiều hạn chế, việc định hướng hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tập trung vào các mục tiêu cụ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng để KH&CN phát triển có hiệu quả, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển trong những giai đoạn nhất định. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, chính sách hỗ trợ phát triển cho các ngành, lĩnh vực.

Tại Hội thảo “Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam” do Văn phòng Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia tổ chức ngày 20/8 mới đây, các vấn đề liên quan đến việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ đã được đưa ra giới thiệu, bàn thảo.

Bài 2: Xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ tại Việt Nam

Nhiều đại biểu tại hội thảo “Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam” cho rằng, nếu xây dựng và thực hiện thành công bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ phù hợp, Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư lãng phí và trùng lặp trong các hoạt động R&D.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Trong các văn bản này và quy hoạch phát triển các ngành, đều đề cập đến mục tiêu, định hướng phát triển công nghệ cũng như các hệ thống giải pháp khoa học và công nghệ (KHCN) thực hiện chiến lược quy hoạch. 

Nhiệm vụ xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ đã được coi là một trong 18 nhóm nhiệm vụ của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. 

TS. Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng, Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2004 - 2006, Bộ Công Thương đã tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ trong 12 ngành (cơ khí, thiết bị điện, điện tử, sản xuất thép, giấy, dệt may, da giầy,…). Nhìn chung công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp phần lớn ở mức trung bình, khá lạc hậu (doanh nghiệp vừa và nhỏ) so với khu vực và thế giới, khá phổ biến trình trạng đan xen giữa các thế hệ công nghệ, thiết bị trong một ngành, thậm chí trong một doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Công Thương đang giao 2 viện đánh giá thẩm định công nghệ theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và xây dựng bản đồ công nghệ cho 2 ngành công nghiệp.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Huy Hoàn, việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển hiện gặp một số khó khăn như chưa làm rõ và coi trọng vai trò của phát triển công nghệ trong chiến lược, quy hoạch phát triển để đưa ra các nội dung, giải pháp KH&CN gắn với nội dung chiến lược, quy hoạch phát triển; việc đánh giá thực trạng, năng lực công nghệ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến định hướng, lộ trình phát triển công nghệ, giải pháp KH&CN còn chung chung, chưa cụ thể. 

Đặc biệt, Việt Nam chưa có các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng của các ngành công nghiệp, trong khi việc này rất cần thiết để so sánh với các nước. Chúng ta cũng chưa có các kế hoạch cụ thể về đánh giá trình độ công nghệ, xây dựng lộ trình công nghệ, nghiên cứu phát triển công nghệ,… Do đó, thiếu các cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các thông tin về hiện trạng, khoảng cách công nghệ, năng lực R&D,… phục vụ việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ cũng như đổi mới công nghệ.

Ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực để thực hiện

Kinh nghiệm cho thấy, trước khi xây dựng lộ trình công nghệ, các quốc gia trên thế giới đều tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ trong ngành công nghiệp cũng như năng lực R&D trong các viện, trường. Cơ sở dữ liệu về hiện trạng, năng lực công nghệ cũng như khoảng cách công nghệ có thể được xây dựng trước hoặc song song với việc tiến hành triển khai xây dựng lộ trình công nghệ tùy thuộc vào mức độ phát triển của quốc gia đó.

Việc xây dựng lộ trình công nghệ giúp doanh nghiệp biết được giải pháp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Để hình thành bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam, theo các chuyên gia, trước hết cần khảo sát, tập hợp số liệu, hiện trạng KH&CN Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất. Trên cơ sở đó so sánh trình độ KH&CN của Việt Nam với các quốc gia khác để xem xét mối liên kết và khoảng cách trong trình độ của hai bên. Để hoàn thiện bản đồ công nghệ cần dự báo được khả năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển trong ít nhất 15 năm tới. Bản đồ công nghệ nên được xây dựng theo các cấp độ từ quốc gia đến cấp bộ, ngành, phân ngành và doanh nghiệp. 

Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ sở triển khai; xác định lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên; chuẩn bị nguồn lực (nhân lực, vật lực) từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện, trường; nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; lựa chọn cơ quan đầu mối quản lý; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xây dựng lộ trình và đổi mới công nghệ. 

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), kinh nghiệm của các nước cho thấy về nhân lực, cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý đến từ chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Ví dụ: Nhật Bản có hơn 870 chuyên gia tham gia xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ quốc gia năm 2009; Mỹ có 72 chuyên gia từ 45 tổ chức tham gia xây dựng lộ trình công nghệ cho ngành công nghiệp sản xuất kính; Úc có 220 chuyên gia từ 160 tổ chức tham gia xây dựng lộ trình công nghệ cho ngành ô tô.

Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực để xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình và đổi mới công nghệ. Ông Tạ Việt Dũng cho biết, Mỹ thực hiện xây dựng lộ trình ngành công nghiệp điện tử bán dẫn vào năm 1997 với kinh phí khoảng 1 triệu USD. Canada thực hiện xây dựng lộ trình công nghệ cho các ngành, lĩnh vực với kinh phí hàng trăm nghìn USD dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ công nghệ đã được xây dựng.

Về xây dựng bản đồ công nghệ, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể áp dụng hệ thống và chuẩn hóa lại các công nghệ đã được điều tra, đánh giá, xây dựng hồ sơ cho mỗi công nghệ đã được chuẩn hóa gồm các thông tin như: năng lực công nghệ, khả năng ứng dụng, khoảng cách công nghệ, mức độ sẵn sàng công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý. Có thể xây dựng bảng tổng hợp hiện trạng chung như Nhật Bản đã làm.

Về xây dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ, có thể áp dụng 3 quy trình xây dựng cho 3 mức độ khác nhau: Lộ trình công nghệ ở quy mô quốc gia: nghiên cứu sử dụng các phương pháp, quy trình tương tự như của Hàn Quốc, Nhật Bản; lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở quy mô ngành, lĩnh vực: nghiên cứu sử dụng các phương pháp, quy trình tương tự như Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản; lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở quy mô doanh nghiệp: nghiên cứu sử dụng các phương pháp, quy trình của Đức, Mỹ đối với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu, phương pháp quy trình của Hàn Quốc, Singapore đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước. 

Trên cơ sở ý kiến đồng thuận từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp, Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phương pháp luận cũng như các điều kiện đặc thù để báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành về cơ chế cần thiết để hỗ trợ quá trình xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia. Cùng với đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các hoạt động điều tra, đánh giá hiện trạng công nghệ, xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ cho các ngành, lĩnh vực cũng như hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng lộ trình công nghệ cho các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh 





 

 

 

 

 

 

 

 

 






 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner