Trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn nhiều hạn chế, việc định hướng hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tập trung vào các mục tiêu cụ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng để KH&CN phát triển có hiệu quả, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển trong những giai đoạn nhất định. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, chính sách hỗ trợ phát triển cho các ngành, lĩnh vực.
Tại Hội thảo “Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam” do Văn phòng Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia tổ chức ngày 20/8 mới đây, các vấn đề liên quan đến việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ đã được đưa ra giới thiệu, bàn thảo.
Bài 1: Kinh nghiệm quốc tế…
Ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan đã có bước phát triển thần kỳ với tỉ lệ nội địa hóa sản xuất từ 50% lên 90%; Tập đoàn Samsung đã tăng tỉ lệ kết quả R&D từ 18% trong thập niên 90 lên 80% vào năm 2004;… Đây là thành công từ việc sử dụng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ hiệu quả. Việt Nam cũng đang bắt đầu tiếp cận các khái niệm này, tuy vẫn còn nhiều khó khăn và cần giải pháp rõ ràng giúp các ngành xây dựng bản đồ và lộ trình công nghệ phù hợp.
Nền tảng phát triển các ngành công nghiệp
Chiến lược phát triển công nghiệp của một quốc gia phải mang tính cạnh tranh đối với nền công nghiệp của các nước khác, để sản phẩm xuất khẩu của một quốc gia có tính cạnh tranh. Ở Việt Nam hiện nay, với chủ trương phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ sản xuất và lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, hiệu quả ứng dụng của các hoạt động R&D là một vấn đề quan trọng và cần thu hút trí tuệ quản lý từ các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương.
Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong, áp dụng phương pháp luận lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ là một hoạt động mang ý nghĩa thực tiễn cao, có hiệu quả lớn hỗ trợ cho việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển KH&CN cũng như chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực hiện nay. Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp đánh giá được thực trạng công nghệ của mình so với các đối thủ cạnh tranh, từ đó có kế hoạch phát triển và đổi mới công nghệ thiết thực, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Các hoạt động nói trên cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhận diện những công nghệ quan trọng, công nghệ sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai; xác định những công việc bị trùng lặp trong hoạt động R&D; cho phép chính phủ tham gia tốt hơn vào các hợp đồng nghiên cứu và phát triển với các ngành công nghiệp cụ thể bằng việc xác định tốt hơn chương trình nghiên cứu, kế hoạch thực hiện.
Theo TS. Đỗ Hữu Hào, Ủy viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ sẽ xác định được các công nghệ chủ chốt liên quan đến phát triển các sản phẩm quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh; xác định khoảng cách công nghệ so với thế giới; xây dựng chiến lược phát triển và hành động cụ thể để đạt được mục tiêu trong tương lai dựa trên phân tích năng lực công nghệ, khoảng cách công nghệ và các nguồn lực cần thiết. Nếu làm tốt các hoạt động này sẽ thúc đẩy hợp tác công – tư trong việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ của quốc gia.
Lực đẩy phát triển năng lực doanh nghiệp
Lộ trình công nghệ được nghiên cứu từ những thập niên 70 của thế kỷ trước, và bắt đầu thành công ở Motorola khi áp dụng năm 1997. Trong 20 năm qua, hàng nghìn lộ trình công nghệ đã được xây dựng ở hàng chục quốc gia trên thế giới trong nhiều ngành, lĩnh vực cũng như doanh nghiệp với nhiều cách tiếp cận khác nhau được phát triển phù hợp với đặc thù của từng quốc gia. Đã có nhiều bài học thành công từ việc sử dụng lộ trình công nghệ như một công cụ hỗ trợ quá trình quản lý công nghệ ở các nước cũng như doanh nghiệp trong việc đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên thị trường thế giới như Hàn quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,...
Kinh nghiệm về lập bản đồ công nghệ.
Có thể lấy Thái Lan làm ví dụ. Giai đoạn 2007 – 2011, Thái Lan đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, trong đó có gắn kết với nội dung xây dựng lộ trình công nghệ. Trong 5 năm (2007 – 2012), số lượng xe sản xuất của Thái Lan đã tăng gần gấp 2 lần với tỷ lệ nội địa hóa từ 50 lên 80% (đối với xe con) và 90% (đối với xe tải và bán tải). Thành công ấy có vai trò không nhỏ của việc xây dựng chiến lược và lộ trình công nghệ. Trong giai đoạn 2012 – 2020, lộ trình công nghệ đã được xây dựng chi tiết hơn và là một trong 3 trụ cột chính để phát triển ngành ô tô của Thái Lan.
Cũng sớm chọn lựa con đường đúng đắn, Tập đoàn Samsung đã thực hiện việc kết hợp lộ trình công nghệ với chiến lược phát triển công nghệ và chiến lược thương mại hóa. Theo các nhà phân tích, tất cả các sáng chế của Samsung là các công nghệ ứng dụng được phát triển dựa trên các công nghệ đã được bảo vệ bằng sáng chế của các tổ chức, cá nhân. Tỉ lệ kết quả R&D được thương mại hóa tăng lên, từ 18% trong thập niên 90 lên 80% năm 2004. Định hướng R&D chuyển từ chi phí sang chất lượng sản phẩm.
Một ví dụ khác, Công ty Schott Glass được thành lập ở Đức năm 1884, chuyên sản xuất, chế tạo các loại kính cao cấp hàng đầu thế giới. Doanh thu năm 2010 đạt trên 3 tỷ Euro với 16.000 lao động. Tuy nhiên trong giai đoạn 1990 – 1995, doanh nghiệp này gặp phải sức ép cạnh tranh cao trên thị trường thế giới; hiệu quả R&D thấp, số lượng đăng ký patent mới thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng chưa chú trọng việc định hướng công nghệ theo sản phẩm. Nhưng sau khi áp dụng lộ trình công nghệ - sản phẩm, nguồn đầu tư cho R&D tăng gấp đôi trong giai đoạn từ 1997 – 2001, đạt trên 100 triệu Euro năm 2001. Schott Glass cũng đã tái cấu trúc phân bổ nguồn kinh phí R&D dựa trên đánh giá về thị trường và tính cạnh tranh. Số lượng patent đăng ký tăng gấp 4 lần trong cùng giai đoạn. Doanh thu tăng thêm 30% từ các sản phẩm mới dựa trên các kết quả nghiên cứu và bằng sáng chế.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, trước khi xây dựng lộ trình công nghệ, các nước đều tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ trong ngành công nghiệp cũng như năng lực R&D trong các Viện, trường. Cơ sở dữ liệu về hiện trạng, năng lực công nghệ cũng như khoảng cách công nghệ có thể được xây dựng trước hoặc song song với việc triển khai xây dựng lộ trình công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu về cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại trong lộ trình phát triển đến năm 2020, Việt Nam rất cần học hỏi và áp dụng kinh nghiệm xây dựng, sử dụng công bản đồ công nghệ, lộ trình và đổi mới công nghệ từ các quốc gia trên thế giới.
Bản đồ công nghệ là bộ tài liệu mô tả, phân tích hiện trạng, khả năng sử dụng công nghệ tại một thời điểm xác định; tương quan giữa các loại công nghệ với yêu cầu phát triển công nghệ phù hợp với mục đích sử dụng; xác định các xu hướng phát triển công nghệ, những công nghệ ưu tiên, dự báo nhu cầu công nghệ.
Lộ trình công nghệ là bản kế hoạch thể hiện diễn biến thay đổi và định hướng phát triển trong tương lai của đối tượng công nghệ đang xem xét để đạt các mục tiêu được xác định trong trung và dài hạn.
Lộ trình đổi mới công nghệ là quá trình xác định mục tiêu, nội dung, trình tự, phương án sử dụng nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong một thời gian xác định.
(TS. Đỗ Hữu Hào, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Ủy viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia)
|
Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh