KH&CN địa phương Thứ sáu, 29/03/2024 , 03:38 pm
Cập nhật : 23/11/2018 , 17:11(GMT +7)
Hưng Yên: Nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất ngày càng lớn
Hội nghị đầu bờ của một dự án được triển khai tại Ninh Bình(Ảnh: HA)
Nhiều năm qua, nhờ ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tỉnh Hưng Yên đã có những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giống cây, con từ những kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hưng Yên là một tỉnh sản xuất chủ yếu là nông nghiệp nên nhu cầu ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực này còn rất lớn.

Phóng viên (PV) đã ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Trường Long - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN Hưng Yên về vấn đề trên.

PV: Xin ông cho biết, hiện có các kết quả nghiên cứu nào đã được chuyển giao thành công cho nông dân ở địa phương? Hiệu quả của chúng như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Long: Cá nhân tôi cho rằng, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo rất tốt các ngành vào cuộc, đặc biệt là ngành khoa học và công nghệ trong việc tăng cường ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ cho nhân dân thể hiện ở việc ban hành Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ ứng dụng triển khai, mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Hạn chế tối đa việc thí nghiệm, thực nghiệm “trên lưng bà con nông dân”; thể hiện ở việc đầu tư kinh phí cho khoa học và công nghệ năm sau cao hơn năm trước mặc dù chưa được nhiều (bình quân chỉ đạt mức 0,65 - 0,67% so với 2% tổng chi ngân sách mà Nghị quyết TW2 Khóa VIII đã quy định) nên các kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn.

Đến nay, nhiều công nghệ mới được ứng dụng làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất. Nhiều tiến bộ KH&CN trong sản xuất rau, hoa quả được thực hiện như trồng hoa công nghệ cao, trồng rau theo quy trình VietGap... Nhiều sản phẩm nông sản đã, đang và sẽ được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý như nhãn lồng Hưng Yên, tương bần, vải lai chín sớm Phù Cừ, gà Đông Tảo...

Trong sản xuất nông nghiệp, họat động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH&CN góp phần duy trì và đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 4%; năng suất lúa bình quân toàn tỉnh tăng từ 9,8tấn/ha/năm (2006) lên trên 13,5 tấn/ha/năm (2013-2014) góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn; giá trị sản xuất từ 28 triệu đồng/ha lên trên 60triệu đồng/ha. Giai đoạn 2006 - 2014 đã chủ động sản xuất và cung cung ứng 100% nhu cầu hạt giống lúa siêu nguyên chủng, trên 70% nhu cầu hạt giống lúa chất lượng tại địa phương (cao gấp hơn 9 lần so với năm 2000).

Đặc biệt dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất giống lúa tỉnh Hưng Yên” đã chọn lọc được giống lúa "Nếp thơm Hưng Yên", hiện đang hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công nhận “Giống lúa quốc gia”.

Sở KH&CN đã xây dựng được khu vườn bảo tồn các giống nhãn đầu dòng, tổ chức bình tuyển được 39 cây nhãn lồng đầu dòng, trong đó có 11 cây nhãn đầu dòng thuộc 3 trà nhãn là nhãn chín sớm, nhãn chín muộn và nhãn chín chính vụ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống đầu dòng quốc gia được phép nhân giống.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giống gia súc, gia cầm, thủy cầm năng suất, chất lượng được đưa vào nuôi thả với quy mô công nghiệp, hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ngan Pháp, gà hướng trứng HA1, gà tây Huba, bò lai shin, lợn hướng nạc, cá rô đầu vuông... Trong đó, shin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn là một trong những chương trình tiêu biểu, tạo điều kiện nâng cao chất lượng vật nuôi.

Nhờ vậy, đến hết năm 2008, toàn tỉnh đã có tỷ lệ bò lai shin chiếm 90%, đàn lợn hướng nạc chiếm gần 60% tổng đàn. Lĩnh vực thủy sản cũng có những bước phát triển vượt bậc. Nếu như trước đây, giống cá mới như rô phi đơn tính đều phải mua từ nơi khác nhưng đến nay nguồn giống sản xuất tại tỉnh không những đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thả trong tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận.

PV: Thưa ông, thực trạng nhu cầu công nghệ của nông dân ở địa phương thế nào? Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất gặp những khó khăn gì?

- Hiện nay, không chỉ ở Hưng Yên, mà hầu hết các địa phương trong cả nước nhất là khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số đang có nhu cầu lớn về khoa học và công nghệ. Người dân Hưng Yên không còn sản xuất tự phát mà đã thích ứng với nhu cầu của thị trường, đó là sản xuất hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, cho nên nhu cầu về khoa học và công nghệ đối với khu vực nông thôn hiện nay đang rất nóng bỏng.

Thậm chí, nhiều địa phương đã đề nghị các cơ quan khoa học, các viện, trường, mà cụ thể là ngành khoa học và công nghệ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học & công nghệ cho một sản phẩm đặc thù của địa phương đó.

Một khía cạnh khác, lao động chính phục vụ cho sản xuất hiện nay ở Hưng Yên còn rất ít, nhất là lao động hoạt động sản xuất nông nghiệp bởi những lao động chính này hiện nay vẫn coi sản xuất nông nghiệp là thứ yếu, việc tăng thu nhập trong gia đình của nhiều nhà dân là đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân cho các doanh nghiệp…

 

Dự án rau thuộc Chương  trình được triển khai tai Bình Phước (Ảnh: PH)

Trong mấy năm gần đây việc dồn điền đổi thửa đã giúp người dân chuyển từ nhiều mảnh ruộng nhỏ về còn 1 - 3 mảnh ruộng lớn, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cho nhau tạo nên những trang trại nhỏ và vừa, là cơ hội cho phát triển kinh tế tư nhân và tập thể, nên việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất là không thể thiếu.

Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tại Hưng Yên hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún cho phát triển kinh tế theo vùng sản xuất nguyên liệu lớn; nguồn lao động  tham gia sản xuất nông nghiệp không phải là lực lượng lao động chính trong nhiều gia đình, chủ yếu là người già và học sinh nên việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất còn hạn chế.

Tiếp đó là công tác tuyên truyền, chuyển giao KH&CN cho nhân dân chưa đồng bộ; việc quy hoạch thành vùng sản xuất các loại cây trồng trọng điểm, đặc thù của tỉnh, của địa phương trước đây còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng khoa học vào sản xuất hiệu quả chưa cao, vẫn mạnh ai người đó làm theo nhu cầu của thị trường mà chưa có đầu tư sản xuất lâu dài một sản phẩm nhất định.

PV: Theo ông làm thế nào để họ có thể tiếp cận và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao?

- Để việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trước hết phải xem hạn chế từ đâu. Do cơ chế chính sách để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa được đồng bộ. Chưa thoả mãn được nhu cầu tiếp thu về công nghệ của nông dân một cách dễ dàng và hiệu quả.

Do thị trường đòi hỏi nên người dân phải chạy theo thị trường. Do đó họ chưa yên tâm vào sản xuất các sản phẩm chính của mình, nhất là đối với mô hình trồng cây lâu năm, họ có thể phá bỏ cây trồng cũ bằng việc trồng cây mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Do trình độ của người dân tham gia trực tiếp vào sản xuất ở một số vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã khó khăn thì ứng dụng công nghệ cao càng khó khăn hơn.

Người dân còn chưa chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi, vẫn còn tư tưởng ỉ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chưa có những doanh nghiệp mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bởi nhiều rủi ro. Doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao và sản xuất hiện nay còn ít, bởi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nguồn nguyên liệu không đủ lớn để quay vòng sản xuất kinh doanh.

Để người dân tiếp cận tốt về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao, tuyên truyền các ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Cần phải có quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chính tạo cơ hội cho người dân có thể ứng dụng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và kinh doanh.

Xây dựng các chuỗi sản xuất, trong đó tạo điều kiện để cho người dân chủ động tiếp cận vào ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bằng các hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tập huấn, tuyên truyền.

Tạo hành lang về cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp bằng việc ứng dụng kĩ thuật một cách thuận lợi.

Tăng cường xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù làm tăng hiệu qủa kinh tế của các sản phẩm đó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Anh (Ghi)

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner