Hội nhập Quốc tế Thứ bảy, 04/05/2024 , 04:31 pm
Cập nhật : 23/06/2023 , 12:06(GMT +7)
Hợp tác thông tin KH&CN thúc đẩy sự thịnh vượng 2 nước
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng 23/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Lê Xuân Định đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc (MSIT) Lee Jong Ho và đoàn công tác.

Hợp tác về thông tin KH&CN đạt được một số kết quả rõ nét

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, Bộ KH&CN đánh giá cao mối quan hệ hợp tác toàn diện về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa Hàn Quốc và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, lĩnh vực thông tin, thống kê KH&CN được Bộ KH&CN dành sự quan tâm và đầu tư đặc biệt, thể hiện qua việc giao cho Cục Thông tin KH&CN quốc gia (NASATI) triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, giúp tạo nền tảng thông tin hỗ trợ hoạch định chiến lược, chính sách và điều hành các hoạt động nghiên cứu KH,CN&ĐMST của Bộ KH&CN.

Được biết, MSIT rất chú trọng công tác thông tin KH&CN với mục tiêu hướng tới xây dựng hạ tầng KH&CN hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số và sẵn sàng kiến tạo một tương lai dựa trên dữ liệu. Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI) trực thuộc MSIT là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thông tin, dữ liệu KH&CN. Qua hàng chục năm phát triển, KISTI đã xây dựng được nền tảng tích hợp dữ liệu KH&CN quốc gia dựa trên những công nghệ mới nhất về Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn và Trung tâm siêu máy tính.

NASATI và KISTI là hai tổ chức có sự tương đồng về chức năng và nhiệm vụ, đã hình thành và phát triển mối quan hệ hợp tác về thông tin KH&CN từ nhiều năm cũng như đạt được một số kết quả rõ nét. “Bộ KH&CN luôn ủng hộ sự hợp tác này và đánh giá cao những hỗ trợ về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của các chuyên gia KISTI đối với NASATI trong quá trình xây dựng hệ thống thông tin, thống kê KH&CN của Việt Nam, đặc biệt là việc chuyển giao Hệ thống phân tích thông tin công nghệ phiên bản tiếng việt (V-COMPAS) trong thời gian qua”, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị hai bên tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phân tích, dự báo thị trường công nghệ của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tiềm năng hợp tác chuyển giao công nghệ từ KISTI cho NASATI nhằm phát triển các hệ thống dữ liệu khoa học quốc gia.

 

Bộ trưởng MSIT Lee Jong Ho phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng MSIT Lee Jong Ho cho biết, lượng thông tin số trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng và cần có công nghệ để thu thập, phân tích và vận dụng dữ liệu lớn nhằm xây dựng các chính sách và đưa ra quyết định cũng như tăng cường thêm các năng lực công nghệ tiên tiến đang ngày càng thay đổi liên tục.
 
Hiện nay, MSIT với vai trò là cơ quan xây dựng và triển khai chính sách thúc đẩy sự phát triển của KH&CN Hàn Quốc. MSIT đang nỗ lực tạo ra sự linh hoạt, đổi mới nền kinh tế dựa trên nền tảng dữ liệu và tăng cường năng lực cạnh tranh của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Trên phương diện quốc tế, dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc và nền tảng công nghệ truyền thông tiên tiến, MSIT cũng tích cực giao lưu trao đổi kiến thức, hỗ trợ xây dựng hệ thống hợp tác số với các quốc gia. Cùng với đó, MSIT đã và đang triển khai các dự án hợp tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống ĐMST số bằng việc xây dựng và sử dụng hiệu quả hạ tầng phân tích thông tin KH&CN.
 
“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy một trong những thành quả là V-COMPAS được ứng dụng, vận hành ổn định và có hiệu quả, hi vọng thời gian tới hai Bộ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm để tăng cường hợp tác toàn diện lĩnh vực KH&CN”.
 



Toàn cảnh buổi làm việc.

V-COMPAS: Công cụ hỗ trợ phân tích thông tin công nghệ toàn cầu
 
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng NASATI cho biết: Trong thời gian qua, nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam thúc đẩy hoạt động ĐMST số thông qua việc sử dụng các công cụ phân tích công nghệ dựa trên dữ liệu lớn, NASATI và KISTI phối hợp triển khai V-COMPAS phiên bản tiếng Việt. Đây là công cụ hữu ích giúp xây dựng chính sách phát triển KH&CN phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 và chuyển đổi số. V-COMPAS giúp các nhà chính sách, quản lý đánh giá được hiện trạng KH&CN của đất nước, xu thế phát triển của thế giới, phân tích được các tiềm năng và triển vọng của từng ngành, lĩnh vực, từ đó đề ra các chính sách phù hợp.
 
“COMPAS đã được KISTI triển khai, ứng dụng hiệu quả với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn Quốc, đồng thời chuyển giao cho một số nước đang phát triển. Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa hai bên, V-COMPAS phiên bản dành cho Việt Nam đã được chuyển giao cho NASATI để phục vụ cho cộng đồng nghiên cứu và ĐMST của Việt Nam”, ông Đào Mạnh Thắng cho biết thêm.
 
Ông Lee Hyuck JAI, Giám đốc dự án của KISTI cho biết: V-COMPAS giúp phát hiện và phân tích hoạt động thông tin công nghệ toàn cầu thông qua đánh giá các tài liệu về sáng chế, bài báo khoa học. Hệ thống hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tìm kiếm dữ liệu và ra quyết định liên quan đến công nghệ, giúp đơn vị quản lý phân tích thông tin, so sánh khách quan xu hướng công nghệ, công nghiệp, thị trường; giám sát và phản ứng với công nghệ cạnh tranh.
 
Hiện tại, V-COMPAS đã được chuyển giao và đưa vào sử dụng miễn phí đối với người dùng. NASATI đã phối hợp với KISTI tổ chức 4 hội thảo giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn sử dụng dành cho đội ngũ kỹ thuật của NASATI và các nhà khoa học, doanh nghiệp. Một số đơn vị như Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Học viện KH,CN&ĐMST, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam… đã sử dụng và đánh giá tích cực về V-COMPAS. Số người dùng đăng ký sử dụng tính đến thời điểm hiện tại trên 500 người và hàng nghìn lượt sử dụng để phân tích, tạo lập các Hồ sơ công nghệ.
 
Hệ thống V-COMPAS đã bước đầu được Việt hoá và chuyển giao thành công cho NASATI phục vụ cộng đồng khoa học, doanh nghiệp ĐMST. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống, phát triển các mô-đun phân tích chuyên sâu về công nghệ cũng như khả năng phân tích các dữ liệu về sáng chế và công bố khoa học của Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, KISTI còn có thế mạnh trong việc phát triển các cơ sở dữ liệu KH&CN cũng như các công cụ chuyển đổi số hoạt động thông tin KH&CN như: nền tảng dữ liệu khoa học quốc gia - DataOn, nền tảng tích hợp thông tin khoa học - ScienceON, hệ thống tự động tìm kiếm và thu thập các công bố khoa học truy cập mở AccessOn, nền tảng nghiên cứu thương mại hoá công nghệ KMAPs… Đây là những lĩnh vực tiềm năng để hai bên tiếp tục hợp tác chuyển giao trong tương lai./.
 
Tin, ảnh: Đăng Minh

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner