Các nhà khoa học Việt bào chế thành công hợp chất lycopen từ màng hạt gấc, kích thước nano giúp cơ thể dễ hấp thụ, vừa được cấp 2 bằng sáng chế.
TS. Đặng Thị Tuyết Anh và cộng sự Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ năm 2018 bắt đầu nghiên cứu tách chiết lycopen từ màng hạt gấc. Lycopen là một dạng sắc tố tự nhiên màu đỏ tươi có trong thực vật và một số loài sinh vật quang hợp khác, có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ phòng chống ung thư. Hoạt chất này được tìm thấy trong nhiều loại rau quả có màu đỏ như cà chua, đu đủ, nhưng ở màng gấc cao gấp 70 lần.
Từ màng gấc khô, nhóm nghiên cứu sử dụng các dung môi hữu cơ để tạo dịch chiết. Dịch chiết này được cô đặc để tinh chế lycopen bằng dung môi ethanol. Trải qua các công đoạn lọc, rửa, sấy, nhóm thu được bột lycopene độ tinh khiết cao trên 98%. Lượng lycopen chiết tách được chiếm khoảng 3,2-4,4g/kg từ màng hạt gấc khô. Hợp chất này có thể giữ nguyên chất lượng khi bảo quản trong giấy bạc, hút chân không và lưu trữ ở -16 độ C.
Để cơ thể có thể hấp thụ của lycopen dễ dàng hơn, nhóm tìm cách bào chế hợp chất dạng tinh khiết thành hợp chất với kích thước hạt dưới 100 nanomet. Với kích thước nanomet đưa vào điều chế vào bảo quản thuốc, việc hấp thụ cũng hiệu quả hơn.
Trong quá trình bào chế, nhóm nghiên cứu nhận thấy lycopen là hợp chất chống oxy hóa mạnh nhưng cũng rất dễ bị oxy hóa. Vì vậy quy trình bào chế, bảo quản được thực hiện trong phòng khép kín, điều chỉnh nhiệt độ để tránh hợp chất bị oxy hóa mất tác dụng. Nhờ vậy, sản phẩm bột nano thu được có hạt mịn, đồng đều, có khả năng phân tán tốt trong nước và có độ bền cao. "Sau 03 tháng bảo quản ở mức -16 độ C, hàm lượng lycopen còn lại trong hệ nano vẫn cao, khoảng 95,6%", TS Tuyết Anh nói.
Hiện các loại dược phẩm chứa lycopen từ dược liệu Việt và sản xuất trong nước chưa có mặt trên thị trường, trong khi các sản phẩm lycopen nhập khẩu có giá vài trăm USD.
Nhiệm vụ đã đưa ra được quy trình chiết tách lycopen tinh khiết từ quả gấc đơn giản, an toàn và dễ triển khai ở quy mô công nghiệp. Hơn nữa, sản phẩm lycopen thu được ở dạng bột mịn do đó dễ dàng bào chế thuốc, ứng dụng cho các ngành dược phẩm và thực phẩm chức năng.
TS Tuyết Anh cho biết, khi tách chiết ở quy mô công nghiệp, việc giảm giá thành sản phẩm phụ thuộc vào hiệu suất tách chiết, điều chỉnh dung môi phù hợp.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, với việc tách chiết thành công lycopen người dùng có thể tiếp cận dược phẩm Việt với giá thành thấp hơn, chất lượng ngang bằng, thậm chí cao hơn và giá trị kinh tế cho quả gấc cũng được nâng cao.