Đánh giá lại tác hại của sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung tháng 4/2016; các phương án khắc phục sự cố môi trường biển của 4 tỉnh ven biển miền Trung; phương án đánh giá, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đối với phương tiện lặn của ông Nguyễn Quốc Hòa ở thành phố Thái Bình...
Đó là một số vấn đề phóng viên đặt câu hỏi với Lãnh đạo Bộ KH&CN và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tại buổi họp báo thường kỳ quý II do Bộ KH&CN tổ chức sáng 5/7/2016.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ; các đơn vị báo chí thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện gần 60 cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, trong quý II/2016, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng phê duyệt nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, trong đó có Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 26/5/2016 về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5; Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030; Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập; Quyết định 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.
Cùng với đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 Quy định quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT ngày 05/4/2016 Quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;…
Bộ KH&CN đã tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; chuẩn bị ý kiến về các Nghị định quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm; Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nghị định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và tham dự phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Đặc biệt, ngay khi xảy ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau. Thêm vào đó, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan.
Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ô-xy, nhất là các loài cá tầng đáy. Tại phiên họp báo Chính phủ chuyên đề diễn ra chiều 30/6/2016, thông tin về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung đã được công bố.
Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng như: Chuỗi các hoạt động của “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4”; Lễ công bố công khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu phần mềm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước; Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (GPEA) năm 2015 và Lễ tôn vinh 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN 18 tháng 5 (Ngày hội STEM năm 2016, Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, tọa đàm khoa học và tham quan tại Bệnh viện Vinmec, Techmart chuyên ngành Chế biến và Bảo quản thực phẩm năm 2016,…);…
Trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch.
Liên quan đến xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, đây là hai giải thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tác giả/nhóm tác giả của công trình/cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội; có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Giải thưởng là động lực thúc đẩy những người làm khoa học nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để có được các công trình/cụm công trình, giải thưởng xuất sắc, có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rộng lớn, đóng góp cho thành công của công cuộc hội nhập của đất nước với thế giới. Dự kiến Lễ trao Giải thưởng đợt 5 sẽ được tổ chức vào tháng 9/2016.
Về sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Chương trình chính sẽ diễn ra từ ngày 7 - 8/7/2016, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dưới sự hỗ trợ tối cao của UNESCO, Bộ KH&CN và Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN), Viện quốc tế SOLVAY sẽ đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” - sự kiện lớn nhất trong chuỗi các sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12”. 6 Giáo sư đạt giải Nobel và 1 Giáo sư được huy chương Fields sẽ tham dự hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham gia của các giáo sư, nhà khoa học danh tiếng thế giới; các nhà quản lý khoa học; lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa trên KH&CN.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, PGS.TS Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Chánh Văn phòng Bộ Bùi Thế Duy cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã trả lời câu hỏi của các phóng viên và cung cấp thêm thông tin liên quan đến những nội dung như: Đánh giá lại tác hại của sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung tháng 4/2016; các phương án khắc phục sự cố môi trường biển của 4 tỉnh ven biển miền Trung; hải sản của vùng biển miền Trung đã thực sự an toàn sau sự cố môi trường; số lượng, chất lượng cũng như cách tính toán, thống kê các công bố quốc tế của Việt Nam; phương án đánh giá, hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với phương tiện lặn của ông Nguyễn Quốc Hòa ở thành phố Thái Bình; Bộ KH&CN có kế hoạch giám sát công nghệ nhập khẩu như thế nào; những dự án ở mức nào khi cấp phép đầu tư phần công nghệ sẽ do Bộ KH&CN đảm nhiệm?; Bộ KH&CN có vai trò thế nào khi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhập khẩu các dây chuyền công nghệ để sử dụng;…
Hạnh Nguyên