Ngày 17/01, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã tổ chức buổi Họp Ban Chỉ đạo Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tham dự và chủ trì buổi họp. Tham dự buổi họp có đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng; đại diện Trường Đại học Xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng.
Tại buổi họp, các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả hoạt động năm 2016 và dự kiến kế hoạch năm 2017; kết quả bước đầu thự hiện Chương trình 567 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và đề xuất khung chính sách phát triển vật liệu xây không nung; bài học kinh nghiệm thực hiện các dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch không nung. Các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận sôi nổi về kết quả năm 2016 và kế hoạch hoạt động năm 2017.
Nói về kết quả thực hiện Dự án "Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam" năm 2016, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Dự án đã hoàn thiện 4 chương trình đào tạo, tổ chức thành công 8 khóa đào tạo cho 352 cán bộ các đối tượng liên quan đến phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung; lựa chọn thực hiện thành công 3 dự án trình diễn sản xuất gạch không nung bằng công nghệ rung ép tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, Hải Phòng; thực hiện 9 hội thảo góp phần quảng bá, truyền thông về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật sản xuất gạch không nung”.
Chia sẻ về một số rào cản trong quá trình triển khai Dự án, TS. Đỗ Giao Tiến, Quản đốc Dự án cho biết, tại hầu hết các địa phương, người dân quen với tập quán sử dụng gạch đất sét nung; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm vật liệu xây không nung. Cùng với đó là công nghệ sản xuất tiên tiến và kỹ thuật sử dụng gạch không nung chưa được phổ biến rộng rãi, việc quản lý chất lượng sản phẩm gạch không nung còn nhiều bất cập, các chính sách ưu đãi đầu tư và sử dụng gạch không nung chưa đầy đủ và chi tiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận và thụ hưởng.
Toàn cảnh buổi họp Ban Chỉ đạo Dự Án
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã nhìn nhận về một số khó khăn, vướng mắc của Dự án đó là các chuyên gia tư vấn thường là kiêm nhiệm nên thời gian dành cho dự án chưa nhiều, việc tuyển chuyên gia quốc tế còn khó khăn, vốn ưu đãi cho đầu tư sản xuất gạch không nung còn hạn chế; chưa huy động được nguồn vốn ngoài kinh phí đã có. Do khối lượng công việc lớn trải rộng toàn quốc nên việc điều phối Dự án nói chung còn khó khăn.
Để dự án được thực hiện hiệu quả hơn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, năm 2017, Dự án tiếp tục tập trung vào các nội dung đã triển khai và phát triển, hoàn thiện cơ chế chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông đại chúng để mọi người dân nắm được thông tin về gạch không nung.
“Truyền thông là một vấn đề quan trọng, vì vậy tôi đề nghị chúng ta xây dựng một kế hoạch cho công tác truyền thông trong năm tới. Chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng, các nội dung rất cụ thể để xây dựng một kế hoạch truyền thông cho năm 2017, sau đó tuyển chọn đơn vị truyền thông” , Thứ trưởng Trần Quốc Khách cho biết.
TS. Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cũng cho biết, công tác truyền thông của Dự án có hai khía cạnh lớn, đó là chuyên sâu và nhân rộng. Năm 2017, Dự án sẽ có một cuộc họp để lựa chọn các đơn vị truyền thông. Ban Quản lý Dự án cùng với Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch nâng cấp wesite của dự án và lấy đó làm đơn vị kết nối dữ liệu về gạch không nung.
Ngày 19/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản dự án, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện.
Mục tiêu tổng quát của dự án là giảm mức phát thải nhà kính hàng năm bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung.
|
Tin, ảnh: Bảo Chi - Ngũ Hiệp