KH&CN địa phương Thứ ba, 16/04/2024 , 03:47 pm
Cập nhật : 10/03/2017 , 10:03(GMT +7)
Hồng Hạc Trì, Gia Thanh ngon nhưng hiếm
Một cây hồng Hạc Trì được trồng và bảo tồn ở phường Bạch Hạc, Thành phố Việt Trì
Hạc Trì và Gia Thanh là 2 giống hồng ngâm không hạt ngon nổi tiếng lâu đời của Phú Thọ nhưng người dùng ít có cơ hội thưởng thức. Nguyên nhân là cây hồng Hạc Trì không thể chiết cành theo cách thông thường, còn hồng Gia Thanh chỉ có chất lượng tốt khi trồng ở xã này.

Chỉ đủ ăn và biếu

Quả hồng Hạc Trì hình trụ, hơi thuôn về đáy, với 4 rãnh chia quả thành 4 múi rõ ràng, thịt vàng đậm, giòn, thơm dịu, vị ngọt mát rất riêng. Quả hồng Gia Thanh to hơn, thịt màu vàng nhạt, không giòn bằng hồng Hạc Trì nhưng ngọt hơn.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ - cho biết, giống hồng Hạc Trì đang có nguy cơ thoái hóa. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc, Phú Thọ chỉ còn 249 cây trên 25 tuổi. Số cây trồng mới không đáng kể. “Số cây hồng Hạc Trì còn rất ít, năng suất thấp nên các gia đình hầu như chỉ để ăn và biếu chứ không có bán” - ông Tú Anh nói.

Tình hình khá hơn đối với hồng Gia Thanh - được trồng chủ yếu ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh. Ông Nguyễn Văn Bính - một hộ trồng hồng trong xã - hiện có khoảng 30 gốc cho thu hoạch, năng suất từ 50-70kg/cây. Năm tới, gia đình ông sẽ có thêm vài chục gốc bắt đầu cho thu hoạch. “Năm ngoái, giá bán tại gốc là 25.000 đồng/kg. Rất nhiều người thích vị ngọt đậm của giống hồng này nên hầu hết các gia đình không đủ bán” - ông Bính chia sẻ.

Chưa thể thành cây thoát nghèo

Do khó nhân giống nên dù đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Hồng Hạc”, hồng Hạc Trì vẫn chưa thể phát triển theo hướng hàng hóa để trở thành cây thoát nghèo. Ông Hoàng Văn Tuyển - Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Thọ - tiếc nuối: “Tỉnh đã đầu tư nhiều dự án nhân giống, mở rộng diện tích nhưng đều thất bại do cây hồng Hạc Trì không thể chiết như cam, quýt. Phương pháp tách rễ có được áp dụng nhưng cây chậm phát triển, cho trái ít và nhanh thoái hóa”.

Theo ông Tuyển, cây hồng Gia Thanh có nhiều hy vọng nhân giống hơn do tách chiết dễ dàng. Nhờ chương trình hỗ trợ trồng mới của tỉnh, nay tổng diện tích đạt khoảng 88ha, hơn 50ha đã cho quả với năng suất gần 15 tấn/ha.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Ngữ - một hộ có các cây hồng đầu dòng ở Gia Thanh - cho biết: “Giống hồng này chỉ trồng tại đất Gia Thanh mới cho vị ngọt đặc trưng và nhiều hạt đường. Đã có hàng nghìn cây giống được đưa đến các vùng khác nhưng quả không ngọt bằng. Do yếu tố thổ nhưỡng, ngay tại xã Gia Thanh cũng có chỗ ngon, chỗ không ngon”. Do đó, hiện dù đã có dự án của tỉnh nhưng quy mô sản xuất hồng Gia Thanh vẫn nhỏ.

Ngoài mong muốn tìm ra giải pháp tăng diện tích hồng Gia Thanh, ông Ngữ đề xuất một hướng đi cho hồng Hạc Trì, đó là nhân giống bằng nuôi cấy mô. “Hiện chúng tôi vẫn tắc ở khâu công nghệ nuôi cấy mô nên hồng Hạc Trì chưa thể trở thành cây kinh tế” - ông Ngữ nói và bày tỏ lo ngại, do thu nhập từ hồng Hạc Trì không đáng kể, người dân không quan tâm chăm sóc nên nguy cơ mất giống càng lớn.

 

Nguồn tin: Báo Khoa học và Phát triển

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner