Nhằm ghi nhận tình hình hoạt động của các khu CNC đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, định hướng, nhu cầu phát triển của các khu CNC cao hiện hữu; nhu cầu thành lập khu CNC mới của các địa phương có tiềm năng trong thời gian tới; nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng khu CNC, đầu tư vào khu CNC; mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và tiềm năng KH&CN khu CNC, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo về mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu CNC ở Việt Nam ngày 24/3/2022 tại khu CNC thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Bộ KH&CN có sự tham gia của đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy iên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Thế Duy nhấn mạnh, với tốc độ phát triển như hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh thì các khu CNC là cấu phần không thể thiếu đối với phát triển kinh tế xã hội. Như vậy có thể thấy, các khu CNC để phát triển được không chỉ từ sự quan tâm của ngành KH&CN mà cần đặt sự quan tâm trong tổng thể phát triển các khu công nghiệp nói chung gắn với mô hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Từ thực tế phát triển các khu CNC vừa qua, Bộ KH&CN nhận thấy cần có sự nhìn nhận lại những vấn đề đang vướng mắc cần tháo gỡ từ địa phương, kiến nghị từ các Bộ, Ban, Ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách pháp luật cũng như những ưu đãi đầu tư vào các khu CNC. Đặc biệt yêu cầu từ thực tiễn về việc sửa đổi bổ sung Luật CNC (ra đời năm 2008).
Đồng chí Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo
Mặc dù sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao được tập trung chủ yếu thông qua một số nhiệm vụ chủ chốt, trong đó có tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu CNC, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp lớn về công nghệ cao trên thế giới, đảm đương vai trò đầu tầu về phát triển công nghệ cao, tạo hiệu ứng lan toả… Tuy nhiên đến đến thời điểm này, nhiều ưu đãi dành cho công nghệ cao không còn phù hợp.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ lấy được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương… để tổng hợp báo cáo tình hình phát triển các khu CNC trình Thủ tướng.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Thi, trưởng Ban quản lý khu CNC TP Hồ Chí Minh cho biết, khu CNC thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả đáng ghi nhận thời gian qua có sự đóng góp của các yếu tố sau: Quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị thành phố; Tập trung đầu tư; Linh hoạt trong thu hút đầu tư; Cơ chế Một cửa tại chỗ; Chính sách đãi ngộ đặc thù cho nhân sự BQL khu CNC thành phố Hồ Chí Minh.
Còn ông Lưu Hoàng Long, trưởng ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc trao đổi về một số vấn đề lưu ý trong quá trình phát triển khu CNC thì có một số đề xuất về việc lựa chọn Nhà đầu tư theo tiêu chí 3 cao: công nghệ cao, vốn đầu tư cao, mang lại giá trị gia tăng cao. Ba thấp: ô nhiễm thấp, sử dụng ít lao động, sử dụng ít năng lượng.
Ông Lưu Hoàng Long đưa ra kiến nghị: Tăng cường liên kết với các khu CNC và các tổ chức R&D mạnh có liên quan (trường đại học, viện nghiên cứu), đẩy mạnh thu hút đầu tư R&D từ bên ngoài, thu hút nhân tài trong KH&CN đến làm việc tại Khu, có tính đến các startup từ nước ngoài. Bên cạnh đó là chính sách hạ tầng phù hợp, song song là hệ thống Chính sách của Nhà nước hỗ trợ các nhiệm vụ trên. Chính phủ cũng cần có chính sách đón đầu các ngành công nghiệp mới, đầu tư từ sớm để làm chủ từng phần trong đó vai trò của khu CNC là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đại diện BQL Khu CNC Đà Nẵng kiến nghị, cần xây dựng Khung mô hình quản lý các khu công nghệ cao quốc gia. Thứ nhất, quy định Ban Quản lý là cơ quan chuyên môn đối với các hoạt động QLNN chính, đặc biệt là hoạt động QLNN đặc thù về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, xác định rõ việc phân cấp, uỷ quyền, phối hợp và các điều kiện, nguồn lực kèm theo, là cơ sở để xây dựng mô hình quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển đồng thời đảm bảo mối quan hệ trong công tác QLNN với các cơ quan chuyên môn. Thứ hai, quy định khung bộ máy tổ chức, số lượng biên chế hành chính nhà nước để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nội dung theo mô hình QLNN các khu CNC. Do các mô hình quản lý các khu CNC đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa thực hiện các chính sách tái sắp xếp, tinh giảm biên chế mà cần phải ưu tiên bố trí thêm biên chế để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ QLNN đặc thù nếu cần thiết. Thứ ba, xác định địa vị pháp lý của các Ban Quản lý nhằm đảm bảo công tác phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác QLNN và việc xây dựng và phát triển các khu CNC. Trước mắt, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về Khu CNC, trong đó xác định khung mô hình QLNN và cơ chế phân cấp, uỷ quyền hoạt động QLNN dưới sự giám sát của Bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các Khu CNC trên cả nước. Về dài hạn, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị định nêu trên để phát triển các Khu CNC, kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội xây dựng một Luật riêng về Khu CNC, trong đó có nội dung điều chỉnh mô mình quản lý, phân quyền, phân cấp uỷ quyền đối với Ban Quản lý.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra điểm yếu đang làm cản trở sự phát triển của các khu CNC đó là chưa hình thành được hệ sinh thái KH&CN nói chung và CNC nói riêng. Trong đó, ông nhấn mạnh 3 yếu tố: phòng thí nghiệm, đơn vị sản xuất, trung tâm khởi nghiệp hỗ trợ DN là 3 cấu phần để tạo một hệ sinh thái. Bên cạnh đó, yếu tố phát triển hạ tầng liên kết tạo ra hệ sinh thái, cơ chế mềm để kết nối … cũng đóng vai trò quan trọng.
Tại hội thảo, các tham luận về kinh nghiệm và định hướng xây dựng phát triển các mô hình khu CNC của đại diện các khu CNC, tỉnh, thành phố cũng thu hút sự chú ý của các đại biểu trong đó Hà Nam đưa ra ý kiến về định hướng thành lập, xây dựng khu CNC, một số vấn đề đặt ra khi nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng khu CNC; Cần Thơ, Thừa Thiên Huế trao đổi về định hướng thành lập, xây dựng khu CNC, khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng; Đồng Nai, An Giang phát biểu về định hướng mở rộng khu CNC, hành lang pháp lý liên quan đến khu CNC; An Giang trao đổi về quy mô, mô hình nào phù hợp xây dựng khu CNC An Giang…
Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến của đại diện Bộ Tài Nguyên Môi trường về các vấn đề liên quan đến xây dựng khu CNC, thủ tục đất đai liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng khu CNC có sự tham gia của tư nhân; Bộ Tư pháp là các vấn đề pháp lý chung liên quan đến xây dựng khu CNC, vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng khu CNC có sự tham gia của tư nhân…
Tại Hội thảo, đồng chí đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ KH&CN đề xuất các nghiên cứu và bước đi cần thiết hình thành sandbox về cơ chế chính sách phát triển các khu CNC. Đồng chí Phan Văn Mãi cam kết, TP Hồ Chí Minh sẽ đồng hành cùng cùng Bộ để thực hiện việc này.
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy iên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN kêu gọi sự đồng hành và ủng hộ của các Bộ, Ngành cùng Bộ KH&CN nghiên cứu đề xuất các chủ trương phát triển khu CNC cho phù hợp thực tế trình Chính phủ. Đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương thực hiện cơ chế một cửa tại khu CNC; hình thành hệ sinh thái các khu CNC; Thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng cho phát triển các khu CNC. Chúng tôi tiếp tục nhận đóng góp và hy vọng sẽ nhận được sự đồng hành từ các Bộ, Ngành để hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng về tình hình phát triển các khu CNC trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Nhóm PV