Sáng nay 04/01/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Hội nghị được tổ chức với mục đích nhìn nhận lại những kết quả, hạn chế của KH&CN trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo để đưa KH&CN đóng vai trò quan trọng, trọng yếu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đầu cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đầu cầu địa phương tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn; Lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu các địa phương có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Sở KH&CN và các sở, ban, ngành. Về phía Bộ KH&CN, tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung.
Hoạt động KH&CN trong năm qua đã có nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trong các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các cam kết quốc tế và triển khai định hướng đổi mới trong lĩnh vực KH&CN, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ (ĐMCN), ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khoa học xã hội, nhân văn phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN ở địa phương; Phát triển tiềm lực KH&CN; Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Các hoạt động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hội nhập quốc tế về KH&CN;…
Theo đó, hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ĐMCN; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.
Khoa học Xã hội và Nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Năm 2015, 2016 các kết quả nghiên cứu đã phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016), soạn thảo các dự thảo văn kiện Đại hội XII và các Hội nghị Trung ương Đảng.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến một cách tập trung, thẳng thắn nêu những điểm còn khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, để KH&CN thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KH&CN. Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KH&CN thành công, phải có 6 yếu tố gồm thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH&CN.
Gợi ý về giải pháp để thúc đẩy KH&CN phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành cần phải tạo được thể chế thông thoáng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, quyền thực thi pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ; tiến hành rà soát và xây dựng đội ngũ cán bộ ngành KH&CN cân đối với các ngành, lĩnh vực; nghiên cứu KH&CN phải gắn với thị trường; tránh tình trạng hành chính hóa trong lĩnh vực KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực KH&CN; các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN chung tay trong phát triển KH&CN, kịp thời tháo gỡ khó khăn để đưa KH&CN vào cuộc sống.
Tin: Hạnh Nguyên
Ảnh: Ngũ Hiệp