Mới đây, tại Kiên Giang, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia đã tổ chức cuộc họp lần thứ 14 của Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN (Liên hợp).
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, , ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, ông Tạ Bá Hưng - Chủ tịch Liên hợp Thư viện Việt Nam về Nguồn tin điện tử, ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, cơ quan điều phối, chủ trì và bảo trợ Liên hợp, đại diện lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ và trên 170 đại biểu đại diện cho 80 cơ quan thông tin-thư viện trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, thư viện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình học tập, nghiên cứu và rèn luyện của bản thân. Ông đánh giá cao sự hợp tác, chia sẻ và phát triển nguồn tin KH&CN của Liên hợp dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN mà cơ quan điều phối, chủ trì là Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Thứ trưởng cũng hy vọng trong thời gian tới, Liên hợp sẽ phát huy vai trò hơn nữa trong việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, giáo dục đào tạo và nâng cao dân trí.
Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Lê Xuân Định đã trình bày dự thảo “Định hướng quốc gia về phát triển nguồn tin KH&CN” với hai nội dung chính: phát triển nguồn tin KH&CN trong nước và bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế. Bản Định hướng đề ra các nguyên tắc và mục tiêu chiến lược nhằm đảm bảo cộng đồng KH&CN nói riêng và người dân nói chung có cơ hội được tiếp cận và sử dụng các tri thức KH&CN của quốc gia và quốc tế nhằm phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi được thông qua, “Định hướng quốc gia về phát triển nguồn tin KH&CN” sẽ là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương xác định phương hướng và nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, v.v...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các báo cáo tổng kết hoạt động của Liên hợp năm 2015-2016 và phương hướng hoạt động 2016-2020; Liên hợp thư viện với công tác phát triển nguồn tin KH&CN; các nguồn tin miễn phí và chương trình đào tạo nâng cao năng lực của INASP dành cho các thành viên Liên hợp; tham luận về việc khai thác, sử dụng và quảng bá nguồn tin của Liên hợp tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Sở KH&CN Sơn La.
Các đại biểu tham dự cũng tập trung thảo luận những vấn đề có tính chiến lược của Liên hợp như: Quyết định việc đặt mua cơ sở dữ liệu của Liên hợp thư viện trong năm 2016-2017; đề xuất mở rộng sub-consortium khai thác sử dụng Science Direct; đề xuất giải pháp tăng cường chia sẻ nguồn tin điện tử giữa các đơn vị thành viên; lập kế hoạch hoạt động nhằm nâng cao năng lực của các đơn vị thành viên về quản lý và cung cấp các nguồn tin điện tử…
Hội nghị thường niên của Liên hợp được tổ chức luân phiên tại các tỉnh trên cả nước là dịp để các thành viên Liên hợp thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau mỗi năm hoạt động, đồng thời cũng là dịp để các cán bộ trong cả nước giao lưu, học hỏi và tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển.
Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN chính thức thành lập từ năm 2004 tại Hà Nội. Sau 12 năm hình thành và phát triển, Liên hợp đã thu hút được gần 100 thành viên, trong đó hiện tại có 45 thành viên đóng góp kinh phí phối hợp bổ sung nguồn tin nước ngoài. Với phương châm: “lợi ích tối đa, chi phí tối thiểu, hợp tác cùng phát triển”, thư viện lớn giúp đỡ thư viện nhỏ.
Năm 2016 có tính chất bước ngoặt lịch sử của Liên hợp với sự ra đời của sub-consortium bổ sung tập trung CSDL Science Direct cho các tổ chức thông tin KH&CN cấp quốc gia. Hội nghị cũng diễn ra Lễ Công bố mở truy cập và ký kết khai thác, sử dụng CSDL Science Direct và Scopus giữa Cục Thông tin KH&CN quốc gia - đơn vị bảo trợ thông tin và 03 cơ quan thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.
|
Tin, ảnh: Ánh Tuyết