Sáng 21/4, tại Thành phố Vĩnh Yên-tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) lần thứ VIII (giai đoạn 2009-2011).
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Ngọc Tư, Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ-Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Trì cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ của 11 Sở KH&CN vùng ĐBSH, một số Viện nghiên cứu, Trường đại học, nhà khoa học doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá của Ban KH&CN địa phương và tập trung thảo luận kết quả hoạt động KH&CN vùng ĐBSH giai đoạn 2009-2011 những vấn đề đã làm được, những khó khăn cần được tháo gỡ, đồng thời thảo luận những định hướng phát triển KH&CN của các địa phương trong thời gian tới giai đoạn 2011-2015.
Trong thời gian qua, hoạt động KH&CN của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH đã góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, của vùng và cả đất nước. Nhiều vấn đề về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý lãnh thổ, quản lý con người đã được nghiên cứu, tạo lập cơ sở khoa học cho các cấp ủy Đảng, chính quyền làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành, hoạch định chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật tiến bộ và các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao đời sống của người dân trong vùng giúp xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đã được chú trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu mô hình chuyền giao các tiến bộ khoa học được thực hiện tốt thu hút được ngày càng nhiều sự quan tâm cảu người dân. Các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý công nghệ cũng đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong Vùng.
Tại hội nghị lần này, các Sở KH&CN đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý hoạt động KH&CN và thảo luận những định hướng hoạt động KH&CN của các địa phương trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đã nêu ra những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong hoạt động KH&CN ở địa phương và kiến nghị với Bộ KH&CN có biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN địa phương tiếp tục phát triển, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến nhận định trong thời gian qua các tỉnh vùng ĐBSH đã triển khai hoạt động KH&CN toàn diện trên các lĩnh vực và tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh để xây dựng những đường lối chủ trương, chính sách phát triển cho các địa phương và đặc biệt đã đóng góp vào việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ tiến bộ kĩ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KH&CN cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực cũng như những kết quả đã đạt được trong hoạt động KH&CN của từng địa phương và cả vùng ĐBSH, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị từ các địa phương, đồng thời chỉ đạo các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN, tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong vùng để giải quyết các vấn đề có tính liên vùng, nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học đến gần người dân hơn. Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới các tổ chức KH&CN trong vùng cần làm thế nào để việc ứng dụng KH&CN sẽ đạt được hiệu quả cao nhất thiết thực đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH nói riêng và đất nước nói chung.
Hội nghị đã nhất trí giao cho Sở KH&CN Thành phố Hà Nội là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng ĐBSH lần thứ IX vào năm 2013.
Mai Chi