Lần đầu tiên Ngày hội STEM quốc gia tạo diễn đàn riêng để các em học sinh từ thành thị đến nông thôn, miền núi giới thiệu các hoạt động STEM tại chính ngôi trường của mình.
Ngày hội STEM 2022 với chủ đề "Vượt lên biến động" khai mạc sáng 20/5 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ và hơn 10 điểm cầu các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Tĩnh... cùng chia sẻ và giới thiệu các hoạt động học tập, sinh hoạt câu lạc bộ theo định hướng STEM.
Phát biểu khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, giáo dục STEM khơi gợi đam mê sức sáng tạo, khám phá, kết hợp "học và hành" thu lượm và có được tri thức mới thông qua trải nghiệm thực tiễn. Đây là ưu thế của giáo dục STEM khi các bạn trẻ nhận được tri thức do chính mình trải nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại sự kiện sáng 20/5. Ảnh: Tùng Đinh
Theo Thứ trưởng, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến việc dạy và học có sự xáo trộn lớn về không gian học tập, tư duy với các thách thức không nhỏ, song học sinh, giáo viên đã có những nỗ lực vượt lên biến động thích nghi. "Đây là lý do chọn chủ đề Vượt lên biến động, nhằm tạo ra diễn đàn chia sẻ trải nghiệm, tôn vinh sự nỗ lực thầy cô giáo và học sinh trên hành trình tìm kiếm mở mang tri thức", Thứ trưởng Định nói.
Ông nhận định, phương pháp tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM là một cách tiếp cận phù hợp để nâng cao các kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho người trẻ. "Ngày hội năm nay là sự kiện rất có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số với mục tiêu phát triển nhanh năng lực tiếp cận số cho cộng đồng, nhất là giới trẻ ở vùng sâu, xa, dân tộc miền núi và được tổ chức theo hình thức nguồn mở", Thứ trưởng nói và kỳ vọng sẽ lan truyền tinh thần ngày hội STEM đến với các đơn vị, các học sinh, trên cả nước qua đó xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trẻ đối với "thế hệ măng non".
Chia sẻ những trải nghiệm thực tế, Lê Khánh Linh, một học sinh chuyên văn đến từ trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái), cho biết em theo đuổi niềm đam mê khoa học. Linh chia sẻ, quyết tâm này đến kể từ khi bố em mắc bệnh khiến việc đi lại gặp khó khăn, luôn trăn trở muốn làm gì đó. Linh phát triển thiết bị E-FAS hỗ trợ đi lại sau hàng trăm lần thử nghiệm thất bại.
Nữ sinh trung học nhiều lần tưởng chừng "gục ngã" khi máy hoàn thiện lại hỏng mạch, lỗi dòng xung và phải làm từ đầu.
Linh bảo, chỉ khi khoảnh khắc nhìn thấy bố đeo thiết bị lên chân và di chuyển dễ dàng hơn, em mới thấy mọi thứ là xứng đáng. "Việc tham gia câu lạc bộ STEM đã giúp em có đề tài nghiên cứu khoa học nhưng hơn cả đã giúp em bày tỏ tình yêu với người bố của mình", Linh nói.
Lê Thùy Linh, lớp 9A1 trường THCS TT Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết, rất vinh dự và có chút bỡ ngỡ khi đại diện nhóm trình bày tại ngày hội. Thùy Linh chia sẻ, hoạt động STEM tại tỉnh miền núi như Lào Cai cũng vô cùng sôi nổi không kém thành phố lớn. Tại đó, em cùng các bạn tham gia câu lạc bộ STEM Robot - câu lạc bộ thành lập từ đầu mỗi năm học, gồm các bạn học sinh từ lớp 6 đến lớp 9.
Các thành viên sẽ được tham gia các hoạt động STEM tái chế và nghiên cứu khoa học, trong đó có lập trình robot. Thông qua hoạt động STEM như tập huấn lập trình, kết hợp kiến thức khoa học, toán học và kỹ thuật đã giúp hình thành các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo. Có thể kể đến thiết bị theo dõi và cảnh báo chất lượng môi trường cho người bị hen suyễn; hệ thống phân loại rác sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hay bộ dụng cụ thí nghiệm để học tốt phần quang học- ánh sáng; máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động; mô hình trang trí được tái chế từ rác thải nhựa.
Từ đầu cầu THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hai học sinh Lê Anh Tuấn Bằng và Nguyễn Văn Tình cho biết, hoạt động STEM tại trường áp dụng kiến thức tích hợp ở lĩnh vực khoa học, công nghệ kỹ thuật và toán học để giải quyết bài toán thực tế. Nhóm chia sẻ về các dự án như thuyền đa năng phục vụ nuôi trồng thủy hải sản, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật điều khiển bằng giọng nói hay máy lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tự động. Các dự án đều đạt giải cao trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật quốc gia.
Nguyễn Lương Bằng (14 tuổi), THCS Trưng Vương (Hà Nội) chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Tùng Đinh
Đến từ THCS Trưng Vương (Hà Nội), Nguyễn Lương Bằng (14 tuổi) chia sẻ những trải nghiệm STEM dưới góc độ học sinh thành phố. Bằng tiếp cận sớm với STEM khi có bố là kỹ sư công nghệ thông tin và mẹ là giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. "Bố mẹ đều am hiểu về STEM nên em được tạo điều kiện học hỏi và tìm tòi", Bằng nói.
Cậu học trò ngay từ cấp 2 đã tham gia hơn 10 dự án trong nước và nước ngoài. Em được trải nghiệm và tìm hiểu về hệ thống điều khiển tự động, các linh kiện điện tử, lắp mạch điện kết nối hay lập trình sử dụng phần mềm mBlock khi tham gia dự án thiết kế hệ thống đèn giao thông. Thiết kế đèn ngủ, máy thức ăn tự động cho thú nuôi hay tham gia các trại hè quốc tế STEM, tìm hiểu lập trình trong thiết kế nhà thông minh, học cách tạo nên sản phẩm trí tuệ nhân tạo là những điều em được trải qua.
Dẫu vậy Bằng nói, vẫn có một số điểm thách thức như chưa được tiếp cận chuyên sâu, ít có cơ hội tiếp cận với môi trường tự nhiên ngoài thành phố và cần phải cân bằng giữa việc học tập, nghỉ ngơi và nghiên cứu STEM.
Còn Lã Thị Hường, Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội chia sẻ câu chuyện đầy xúc động về đường tới đam mê không trải hoa hồng. Nữ sinh Ninh Bình là con thứ hai trong gia đình 4 chị em gái có bố bị thiểu năng trí tuệ, điếc bẩm sinh, mẹ sức khỏe yếu. Ngay từ cấp 3, Hường đã thể hiện niềm hứng thú khoa học khi biến phòng ngủ thành "workspace đầu tiên" - nơi cô tự làm chiếc kính thiên văn từ ống nước. Nghỉ hè năm lớp 11, Hường đạp xe 20 km lên thành phố xin học việc tại xưởng làm biển quảng cáo và nội thất kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tại đây, Hường được tiếp xúc với máy cơ khí hạng nặng, được xem máy CNC thực tế giúp cô học được cách xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh.
Từ những thiết kế ban đầu thuần cơ khí, nữ sinh tiến tới kết hợp điện tử và lập trình rồi đưa ra sản phẩm. Nhờ niềm đam mê và nỗ lực, Hường tham gia các cuộc thi khoa học toàn quốc, tham gia cuộc thi robocon... "Có lúc nhà khó khăn em tưởng chừng phải bỏ học, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô tại trường Đại học Khoa học và công nghệ cùng các mạnh thường quân đã giúp em tiếp tục theo đuổi việc học và đam mê", Hường nói. Câu chuyện của Hường khiến nhiều người tham dự xúc động.
Từ đầu cầu Mỹ, Nguyễn Bảo Ngọc, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Môi trường tại ĐH California, Berkeley - cựu học sinh từng đạt giải cao trong các cuộc thi STEM quốc tế kể hành trình theo đuổi khoa học. Con đường mở ra khi cô nghiên cứu về kim loại nặng ở sông Tô Lịch và nhận được học bổng du học. Sau đó Ngọc tiếp tục theo đuổi nghiên cứu việc đốt rơm rạ để định lượng, giải quyết lượng khí CO2 phát thải trên toàn cầu...
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, kết nối đại học với phổ thông trong hỗ trợ giáo dục STEM định hướng nghề nghiệp cho học sinh là điều cần thiết. Ông cho biết nhiều ngành nghề thay đổi, đòi hỏi lớp trẻ chuẩn bị kĩ về hành trang, trong đó thay đổi tư duy tiếp cận. Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai hoạt động mô hình STEM từ năm 2018 và mong muốn kết nối với trường phổ thông - nơi có vai trò định hướng vô cùng quan trọng.
Ông Thắng đề xuất phối hợp như tổ chức cho các em tham quan trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, gia nhập nhóm nghiên cứu khoa học của giảng viên, lab hỗn hợp (học sinh cấp 3 và sinh viên năm 2-3)... "Việc phối hợp giữa các trường cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất", ông nói cho rằng kết nối là giải pháp đẩy mạnh giáo dục, mang lại lợi ích cộng đồng.
Ngày hội STEM được tổ chức lần đầu vào năm 2015. Sự kiện này được tổ chức thường niên vào dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Ngày hội nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM - một mô hình giáo dục hiện đại đã triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Link bài: https://vnexpress.net/hoc-sinh-ke-chuyen-nghien-cuu-khoa-hoc-qua-giao-duc-stem-4465917.html