Năng lượng nguyên tử Thứ sáu, 19/04/2024 , 03:05 am
Cập nhật : 16/10/2020 , 16:10(GMT +7)
Hoạt động nghiên cứu – phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân
ThS. Dương Hồng Nhật, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục ATBXHN báo cáo tại Phiên họp
Sáng 16/10, trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 4, đã diễn ra Phiên họp toàn thể về chủ đề Hoạt động nghiên cứu – phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN). Phiên họp do ThS. Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở KHCN Ninh Bình và TS. Lê Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Cục ATBXHN đồng chủ toạ.

Phiên họp đã nghe các báo cáo được trình bày và thảo luận các vấn đề liên quan đến Hoạt động nghiên cứu – phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác QLNN về ATBXHN.

Tại Phiên họp, ThS. Nguyễn Ninh Giang, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục ATBXHN đã trình bày về công tác ứng phó sự cố liên quan đến sắt, thép, phế liệu thành phẩm chứa phóng xạ và yêu cầu tăng cường công tác QLNN. Thời gian gần đây, trên thế giới đã ghi nhận nhiều vụ việc phát hiện vật liệu phóng xạ nhiễm trong sắt thép phế liệu, phôi thép, thép thành phẩm cũng như máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện và xử lý một số sự việc có vật liệu phóng xạ nhiễm trong phóng xạ trong thép phế liệu, lô hàng máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam và tại cơ sở thu mua, tái chế thép phế liệu.

Các nguy cơ và sự cố nêu trên đã đặt ra yêu cầu rà soát, đánh giá và tăng cường công tác quản lý vật liệu phóng xạ nằm ngoài kiểm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng phóng xạ đến con người và môi trường từ nguồn phóng xạ hoặc nhiễm bẩn phóng xạ đối với thép phế liệu hoặc máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.  

Liên quan đến việc triển khai diễn tập ứng phó sự cố cấp tỉnh, ThS. Dương Hồng Nhật, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, Cục ATBXHN cho biết, sau khi Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh được phê duyệt, một số địa phương đã tích cực tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh với quy mô khác nhau. Hoạt động diễn tập tại các địa phương về cơ bản đã giúp nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân có liên quan về chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, nâng cao vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, nâng cao năng lực một số tổ chức ứng phó sự cố chính tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn tồn tại những khó khăn nhất định tại địa phương liên quan tới cơ chế điều hành ứng phó sự cố, mô hình tổ chức ứng phó sự cố, nguồn lực con người và trang thiết bị, nguồn lực tài chính v.v.

Để nâng cao hơn tính hiệu quả của diễn tập ứng phó sự cố, hoạt động diễn tập thời gian tới cần tổ chức thực hiện theo hai hướng như sau: Các địa phương chưa hoặc chưa có kinh nghiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh cần khẩn trương tổ chức diễn tập để nâng cao nhận thức của tổ chức cá nhân liên quan, kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố. Hình thức diễn tập có thể bao gồm luyện tập chuyên đề, thảo luận xử lý tình huống và diễn tập vận hành cơ chế; Các địa phương đã có kinh nghiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của địa phương và trung ương, tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản và thực hiện diễn tập ứng phó sự cố thời gian thực.

Cũng tại Phiên họp, KS. Nguyễn Trọng Hiệp, Cục ATBXHN đã giới thiệu mạng quan trắc hạt nhân phóng xạ, các trạm quan trắc của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) xung quanh Việt Nam, nhất là các trạm của CTBTO đặt trên lãnh thổ Trung Quốc, số liệu quan trắc của CTBTO, sử dụng số liệu trong tai nạn hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011. Theo dõi thường xuyên số liệu quan trắc hạt nhân phóng xạ của CTBTO giúp ta có thể dự đoán hướng di chuyển và khả năng ảnh hưởng của đám mây phóng xạ từ tai nạn hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân nói chung và các nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam đến lãnh thổ Việt Nam và cung cấp thông tin hữu ích cho hoạt động ứng phó sự cố hạt nhân của Việt Nam nếu tai nạn hạt nhân do hoạt động của nhà máy điện hạt nhân xảy ra ở bất cứ nơi nào trên trái đất.

Báo cáo về kết quả thực hiện Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở xây dựng chương trình đào tạo về an ninh nguồn phóng xạ tuân thủ quy định của Thông tư số 01/2019/TT-BKHCN về Quy định bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do Trung tâm Đánh giá không phá hủy thực hiện năm 2020, KS. Đinh Chí Hưng, Trung tâm NDE, Viện NLNTVN nhấn mạnh, trong thời gian hơn mười năm gần đây, vấn đề an ninh nguồn phóng xạ trở nên nổi cộm sau một loạt các sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ. Bên cạnh hàng loạt các nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức, hiểu biết và ý thức của những người liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nguồn phóng xạ cũng cần phải được lưu ý. Do đó, công tác đào tạo, tuyên truyền, quản lý về an ninh nguồn phóng xạ cần thiết phải đẩy mạnh và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Nhà nước.

Tin, ảnh: Phương Nga

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner