Với nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục,...mà Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đem lại góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, KH&CN cũng còn nhiều bất cập trong cơ chế quản lý tài chính gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học. Trong thời gian tới, cần phải tháo gỡ khó khăn trên để tạo điều kiện cho KH&CN phát triển.
Nhiều bất cập
Trong những năm qua, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN là một vấn đề còn nhiều vướng mắc nhất. Những vướng mắc chưa được giải quyết như tình trạng phân tán nguồn vốn ngân sách nhà nước về đầu tư phát triển KH&CN; vấn đề về tạo nguồn, cơ cấu và phương thức phân bổ, điều tiết, sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KH&CN…Ngoài ra, chưa hình thành được cơ chế phù hợp và chưa có chế tài đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động KH&CN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Bộ KH&CN được nhà nước giao quản lý chung hoạt động KH&CN của toàn ngành nhưng thực tế đã phân cấp nhiều cho các ngành và địa phương. Ví dụ như về kinh phí cho hoạt động KH&CN chiếm 2% chi ngân sách nhưng Bộ KH&CN chỉ quản lý 10% trong tổng số kinh phí được cấp. Vốn đầu tư phát triển cho KH&CN chiếm đến 40% nguồn ngân sách được cấp lại do Bộ Kế hoạch & Đầu tư quyết định. Nguồn vốn về các địa phương nhiều khi sử dụng không đúng mục đích, Bộ KH&CN cũng không nắm được. Nguồn vốn cho KH&CN đã ít nhưng quyết toán chỉ khoảng 86% chỉ vì cơ chế thủ tục rất “nhiêu khê”, phi thực tế của tài chính làm nản lòng các nhà khoa học.
Thí dụ như Luật Ngân sách quy định: "Ðối với chi phí đầu tư phát triển, việc lập kế hoạch dự toán phải căn cứ vào quy hoạch, chương trình, dự án đầu tư đã có quyết định của cấp có thẩm quyền". Tuy nhiên, nhiều năm Bộ Tài chính áp đặt cứng nhắc quy định này đối với các nhiệm vụ KH&CN. Ðể đáp ứng yêu cầu này, việc đề xuất xây dựng các đề tài, dự án phải làm trước đó từ 15 đến 18 tháng. Việc áp đặt cứng nhắc cơ chế hành chính hóa cho hoạt động sáng tạo khoa học có tính đặc thù riêng là không phù hợp, gây ức chế cho giới khoa học. Một ý tưởng hay một vấn đề khoa học khi đã được nhận dạng cần phải giải quyết ngay nhưng phải đến hơn một năm sau mới có kinh phí thì có thể đã trở nên lạc hậu, không còn tính cấp thiết.
Bên cạnh đó việc đầu tư cho hoạt động KH&CN còn nhiều dàn trải, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đầu tư nhiều khi ko đúng địa chỉ, có những kinh phí đưa về những ngành lẽ ra dành cho đầu tư phát triển, xây dựng phòng thí nghiệm thì lại chuyển sang xây dựng các phòng học. Tiền đầu tư cho nghiên cứu ko nhiều, nhưng nhiều khi lại dàn trải, cấp cho các đơn vị mang tính chất phân phối, chưa dành cho từng nhiệm vụ, từng sản phẩm trọng điểm quốc gia.
Những bất cập trong cơ chế tài chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình thực trạng các công trình nghiên cứu dừng lại ở giai đoạn nửa vời. Ông Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Với cơ chế quản lý như hiện nay thì tài chính là “nỗi ám ảnh lớn” làm nản lòng những người nghiên cứu khoa học sử dụng kinh phí nhà nước, làm giảm hiệu quả nghiên cứu khoa học, cản trở quá trình đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.
Một ví dụ minh chứng cho điều trên là quá trình thanh quyết toán đề tài nghiên cứu khoa học. Một đề tài nghiên cứu khoa học đúng nghĩa phải ẩn chứa nhiều nội dung chưa biết, cần phải nghiên cứu. Vì vậy, tổng kinh phí dành cho nghiên cứu, vẫn mang tính chất dự toán. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều nội dung có thể thay đổi dẫn tới kinh phí nghiên cứu cần thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, điều này hầu như không thể thực với cơ chế quản lý hiện hành dẫn đến người nghiên cứu thường chọn những đề tài dễ để tránh gặp rủi ro trong quá trình nghiên cứu, chất lượng công trình không cao, công trình thường bị kéo dài.
Một trong những rào càn hiện nay là thủ tục hành chính còn rườm ra, thiếu thực tế. Ông Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nasia cho biết: một đề tài được hỗ trợ vài tỷ đồng, song mỗi chuyên đề chỉ được giới hạn trong khoảng chục triệu, vì vậy để có được gói tiền vài tỷ phải bóc tách đề tài thành hàng trăm phần. Thậm chí đề tài hoàn thành xong rồi, nhưng để giải ngân lại phải “giải trình ngược” chỉ để tìm cách chi hợp lý.
Hướng đến cơ chế “khoán”
Hiện nay, nhà nước đã dành nhiều quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, cơ chế tài chính chưa xứng tầm với vai trò quan trọng thúc đấy sự phát triển KH&CN, đặc biệt là chưa khuyến khích lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sáng tạo công nghệ. Ngân sách nhà nước dành cho KH&CN là 2% tổng chi ngân sách (0,5% GDP) tính trung bình đầu người là con số quá thấp so với khu vực (Việt Nam: 6USD, Trung Quốc: 25 USD, Hàn Quốc: 1050 USD).
Trong thời gian tới cần thực hiện cơ chế tài chính theo hình thức khoán các nhiệm vụ KH&CN cho các nhà khoa học. Đây là bước đi căn bản để tháo gỡ “nút thắt” trong hoạt động tài chính cho các tổ chức nghiên cứu. Cơ chế này sẽ hướng đến sản phẩm đầu ra cuối cùng, đây là thước đo cho hiệu quả của công trình nghiên cứu khoa học. Với cơ chế này sẽ cho phép lước bỏ các khâu trung gian, giảm bớt các thủ tục thanh quyết toán, tránh tình trạng trượt giá trong quá trình thực hiện đề tài.
Hiện nay, trong ngành nông nghiệp đã thí điểm mô hình hướng đến cơ chế đặt hàng sản phẩm KH&CN. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, để tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng một số sản phẩm KH&CN cần phải có tiêu chí xác định nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, sản phẩm tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN là sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm quốc gia trong lĩnh vực NN&PTNT, do các tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện.
Việc thực hiện cơ chế khoán này sẽ mang lại lợi ích lớn cho hoạt động KH&CN của nước ta hiện nay góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, giảm bớt các khâu về thủ tục hành chính rườm ra, giúp các nhà khoa học chuyên tâm vào công tác nghiên cứu, phát huy năng lực sáng tạo.
Hải Ngọc